Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể thao Ba Đình: Đau đầu vì thiếu cơ sở vật chất

Thu Minh| 29/09/2012 08:00

(HNM) - Tại cuộc thi chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 39 năm 2012 của quận Ba Đình, BTC đã trao tặng Cờ thi đua của thành phố và Bằng khen của UBND quận cho các đơn vị TDTT tiên tiến xuất sắc của năm 2012.

Lạ, vì thông thường, việc trao thưởng các danh hiệu này thường được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3) của năm tiếp sau. Số lượng đơn vị được khen cũng rất lớn: 10 đơn vị được tặng cờ, 32 đơn vị được tặng bằng khen. Đem băn khoăn này hỏi đại diện BTC thì được trả lời: “Cả năm qua, các đơn vị trên địa bàn đã cùng phối hợp với trung tâm TDTT của quận tổ chức không biết bao nhiêu hoạt động, giúp đỡ nhiệt tình về mọi mặt. Vì thế, sớm tổ chức khen thưởng cũng là cách để kịp thời bày tỏ sự cảm ơn, động viên các đơn vị tiếp tục hỗ trợ, duy trì tốt các hoạt động thể thao trên địa bàn. Chứ Trung tâm TDTT quận Ba Đình làm gì có cơ sở vật chất để làm đâu…”.

Lời giải thích rất giản đơn, nhưng để lại rất nhiều điều đáng phải suy nghĩ. Nó cho thấy những người làm thể thao phong trào ở Ba Đình vẫn phát huy được nếp làm việc trước đây, khéo vận động, huy động sức mạnh từ nhiều nguồn lực trong xã hội. Làm thể thao phong trào không khác nhiều với “làm dâu trăm họ”, nếu không có khả năng thuyết phục, hướng dẫn cũng như sự nhiệt tình, kịp thời động viên đúng nơi, đúng lúc, đúng việc, rất khó thành công. Nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy một thực tế rất đáng buồn của một trung tâm TDTT cấp quận ở ngay trung tâm Hà Nội: cơ sở vật chất hầu như không có gì. Ba Đình hiện thiếu gần như toàn bộ hạng mục cơ bản về TDTT cấp quận: không bể bơi bốn mùa, nhà tập, nhà thi đấu đa năng, SVĐ đủ tiêu chuẩn…

Theo Thông tư số 11/2010/TT- BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL ra ngày 22-12-2010, nội dung tiêu chí của một trung tâm thể thao cấp quận có một số điểm đáng chú ý sau: Thứ nhất, tổng diện tích đất được quy hoạch (không kể diện tích của các công trình TDTT trong nhà và ngoài trời) tối thiểu 5.000m2. Thứ hai, về quy mô xây dựng, phải có hội trường tối thiểu 350 chỗ ngồi, chưa kể các phòng ban chuyên môn. Trong đó, nói riêng về công trình TDTT, phải có ít nhất hai trong số các công trình gồm SVĐ, bể bơi, nhà tập luyện thể thao (chưa kể các công trình phụ trợ). Về tổ chức hoạt động, mỗi trung tâm tổ chức tối thiểu 12 lớp năng khiếu/năm, 8 cuộc thi đấu thể thao/năm, chưa kể các nhiệm vụ tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ trẻ em (đạt 30% thời gian hoạt động của trung tâm). Tổng số lượt người đến tham gia sinh hoạt tại trung tâm tối thiểu 10.000 lượt người/năm…

Trung tâm TDTT quận Ba Đình có gì? Hiện tại, trung tâm đang “tá túc” tại Trung tâm Văn hóa thể thao của phường Thành Công, được mượn một số phòng nhỏ làm phòng làm việc và tổ chức đôi ba lớp khiêu vũ, võ thuật. Có một bể bơi ngoài trời nhỏ, chủ yếu phục vụ sinh hoạt hè cho khu dân cư xung quanh. Còn lại là sân ngoài trời, nằm trong khuôn viên của công viên Thành Công.

Thực ra, ngay từ năm 2004, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi 17.632m2 đất tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, tạm giao cho BQL dự án quận Ba Đình để phục vụ công tác điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng Trung tâm TDTT Ba Đình. Nhưng đến nay, đã hơn 8 năm, trung tâm TDTT quận vẫn phải “ở nhờ” Trung tâm VHTT phường Thành Công. Tại khu Phúc Xá, trung tâm mới chỉ được quản lý một phần đất, tạm làm mấy sân bóng đá mini phong trào. Mơ ước về một trung tâm TDTT rộng hơn 17.000m2 với cơ sở hạ tầng đồng bộ ngày càng trở nên xa...

Hơn 8 năm “sống nhờ”, dù các cán bộ giàu kinh nghiệm ở trung tâm đã nỗ lực duy trì tốt các hoạt động, nhưng khó tránh khỏi xuất hiện những khoảng trống không nhỏ trong hoạt động phong trào, cũng như công tác tìm kiếm, đầu tư hạt nhân năng khiếu cơ sở ở đơn vị một thời luôn là lá cờ đầu xuất sắc về TDTT của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể thao Ba Đình: Đau đầu vì thiếu cơ sở vật chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.