Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhặt những bài học quý

Mai Hoa| 22/11/2012 06:33

(HNM) - Việt Nam có thể học hỏi gì để có được thành công tại Thế vận hội năm 2016, và đặc biệt là đăng cai, thi đấu đạt thành tích cao tại ASIAD 18-Hà Nội 2019? Đông đảo chuyên gia thể thao đã có mặt tại Hội nghị khoa học quốc tế "Phát triển thể thao - Tầm nhìn Olympic" được khai mạc ngày 21-11 tại Hà Nội để tìm câu trả lời.

Nói về bài học từ Olympic London 2012, TS Trần Đức Phấn -Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT thừa nhận, có thể chỉ ra một vài hạn chế như chưa chủ động thực hiện các giải pháp mạnh, giúp VĐV sau khi đạt chuẩn có thời gian tập trung cao độ hơn với mục tiêu chinh phục huy chương; còn xuất hiện tư tưởng tập trung lấy chuẩn là chính; thiếu tính chủ động trong chỉ đạo, thuê chuyên gia, chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ, chế độ dinh dưỡng, hồi phục, chăm sóc y học… Còn TS Lê Tấn Đạt (ĐH TDTT Đà Nẵng) thì chỉ rõ những hạn chế của TTVN như chưa chọn lọc VĐV tập trung huấn luyện theo tiêu chuẩn đặc biệt; các trung tâm huấn luyện quốc gia không đủ nhà ở, nhà tập cho VĐV…

Trong khi chủ nhà thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết thì bè bạn quốc tế đã đem đến những kinh nghiệm quý. GS-TS Supitr Samahito (Thái Lan) chia sẻ: Năm 1976, Thái Lan đã có tấm huy chương Olympic đầu tiên. Năm 1996, lần đầu tiên Thái Lan có HCV. Nhưng tại Olympic London 2012, Thái Lan chỉ có 2 HCB, 1 HCĐ, xếp thứ 57 thế giới, thứ 10 Châu Á, nhất Đông Nam Á. Ngay hai tuần sau Olympic 2012, Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan đã họp với Chính phủ để rút kinh nghiệm và xây dựng chiến lược cho Olympic 2016 với mục tiêu giành 3-5 HCV! “Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ về việc bên cạnh các bác sĩ thể thao, cần bố trí thêm các bác sĩ tâm lý, sinh hóa, vật lý trị liệu… Đó là điều rất quan trọng trong việc giải quyết sự căng thẳng của VĐV khi thi đấu tại đấu trường thể thao lớn nhất thế giới”.

Còn TS Nasanbat Oyunbat (Mông Cổ) chia sẻ: Tại Olympic London 2012, Mông Cổ giành 5 huy chương (2 HCB, 3 HCĐ) các môn trọng điểm là quyền Anh, judo và vật. Có được thành tích này ở một đất nước dân số không lớn là nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ. Ngay sau Olympic London 2012, Chính phủ Mông Cổ đã ban hành nghị định, theo đó sẽ trao thưởng cho VĐV giành HC Olympic theo mức: HCV được 4 triệu tugriks/tháng (khoảng 2.900 USD/tháng), HCB 3 triệu, HCĐ 2 triệu, áp dụng từ ngày 1-1-2013 đến kỳ Olympic tiếp theo.

TS Chang Keun Kim - ĐH Thể thao quốc gia Hàn Quốc cho biết: Tại Olympic London 2012, có đến 5 HCV của Hàn Quốc do sinh viên của trường giành được. Thành tích đó có được là nhờ sự đầu tư cực lớn của Nhà nước và các doanh nghiệp với quan niệm: Olympic là một cơ hội để quảng bá thương hiệu và hình ảnh quốc gia.

"Chuẩn bị cho Olympic không phải là công việc của mỗi chu kỳ 4 năm, mà là công việc hằng ngày" (khẩu hiệu chuẩn bị Olympic của UB Olympic Mỹ). Điều ấy có nghĩa đừng trông mong vào thành công ở Olympic 2016, nếu chúng ta không thể có kế hoạch ngay từ bây giờ.

Đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm của các nước được đưa ra và các nhà quản lý sẽ có những buổi thảo luận để lựa chọn những bài học phù hợp nhất với lộ trình phát triển của TTVN, hướng đến Olympic 2016 và ASIAD 18-2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhặt những bài học quý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.