Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm thật - an toàn - khoa học

Mai Hoa| 13/04/2013 08:14

(HNM) - Đó là 3 tiêu chí lãnh đạo Sở VH,TT&DL Hà Nội đặt ra đối với các bộ phận tham gia triển khai chương trình phổ cập bơi cho trẻ em. Đây là một chương trình rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh rất nhiều trẻ em, đặc biệt ở khu vực nông thôn hiện nay không biết bơi, và nạn đuối nước ngày một gia tăng.


Kinh nghiệm của thị xã Sơn Tây

Trong cuộc thảo luận nhằm triển khai chương trình "xóa nạn mù bơi" của thể thao Hà Nội, tham luận của Trung tâm TDTT Sơn Tây được đặc biệt chú ý, bởi đây là đơn vị làm điểm khá thành công công tác phổ cập bơi cho trẻ em. Thị xã Sơn Tây có nhiều sông, tuy nhiên, do nguồn nước tự nhiên nhiều nơi bị ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh nên trẻ không còn chỗ để học bơi. Vì vậy, trong vòng hơn chục năm về trước, năm nào trên địa bàn thị xã cũng xảy tai nạn đuối nước, năm ít thì 3 - 4 vụ, năm nhiều lên đến 7 - 8 vụ. Trước tình trạng ấy, tháng 12-1999, Trung tâm TDTT thị xã đã làm tờ trình báo cáo Hội đồng nhân dân thị xã về việc xin kinh phí xây dựng một bể bơi đủ tiêu chuẩn để huấn luyện, đào tạo VĐV, tổ chức các cuộc thi đấu và làm công tác xóa "mù bơi" trên địa bàn. Đề xuất này nhanh chóng được thông qua. Chính quyền thị xã Sơn Tây đã ưu tiên dành 3,2 tỷ đồng để xây dựng bể bơi. Ngày 27-3-2002, bể bơi Sơn Tây bắt đầu đi vào hoạt động với quan điểm: phải dành ít nhất 2/3 thời gian cho việc xóa "mù bơi" cho thanh, thiếu niên. Cụ thể, các lớp "xóa mù" bơi được tổ chức sáng từ 7h đến 10h30 và chiều từ 14h đến 16h. Nhờ đó, mỗi năm có từ 400 đến 800 em nhỏ trên địa bàn đã biết bơi.

Trẻ em rất cần biết bơi để tránh đuối nước.



Giám đốc Trung tâm TDTT thị xã Sơn Tây Nguyễn Xuân Minh cho biết: "Giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức được đặt lên hàng đầu. Trung tâm tham mưu cho UBND thị xã yêu cầu các xã, phường, nhà trường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các cấp nhằm nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh trong việc tăng cường quản lý, tránh để xảy tình trạng đuối nước. Đồng thời, trung tâm tiến hành làm điểm dạy bơi ở một số trường học. Trong giai đoạn 2008-2012, tại Trường THCS Phùng Hưng và Ngô Quyền, bơi là môn học tự chọn".

Không "đánh trống ghi tên, lấy tiền bồi dưỡng"

Theo Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội Nguyễn Đình Lân, phổ cập bơi là chương trình rất thiết thực, nhưng điều quan trọng nhất là triển khai thế nào để "làm thật, an toàn và khoa học", trong đó tiêu chí "làm thật" phải đặt lên hàng đầu". Nếu các cơ sở thực hiện nghiêm túc, lãnh đạo ngành TDTT Thủ đô không tiếc rót kinh phí đầu tư, nhưng cần phải tránh tình trạng "đánh trống ghi tên, lấy tiền bồi dưỡng", triển khai đại trà nhưng không hiệu quả.

"Tôi nghĩ, việc quan trọng đầu tiên trong việc "xóa mù bơi", là phải có cơ sở vật chất phục vụ công tác huấn luyện, đồng thời chú trọng và nâng cao hiệu quả truyền thông ở cơ sở. Vì thế, dứt khoát trong chương trình, cả 29 trung tâm TDTT quận, huyện, thị xã đều phải có bể bơi. Nơi nào đã có bể thì cần duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm an toàn vệ sinh, cứu hộ, lực lượng quản lý và HLV chuyên môn. Nơi nào chưa có thì đầu tư xây dựng bể bơi để có thể nhanh chóng thực hiện chương trình".

Hiện tại, Phòng TDTT quần chúng - Sở VH,TT&DL Hà Nội đã xây dựng xong chương trình "xóa mù bơi" trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã với mục tiêu trong dịp hè này trẻ biết bơi tối thiểu một trong 4 kiểu bơi bướm, ngửa, ếch, trườn sấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm thật - an toàn - khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.