Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ám ảnh doping

Minh Quang| 07/08/2013 06:44

(HNM) - Chuyện tay đua Nguyễn Trường Tài dương tính với chất kích thích (thường được gọi là doping) tại cuộc đua xe đạp quốc tế Tour de Singkarak 2013 ở Indonesia hồi tháng 6 vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông về khâu phòng, chống doping ở Việt Nam.

Tay đua Nguyễn Trường Tài.



Những ngày đầu tháng 8, làng xe đạp Việt Nam được phen xôn xao khi Liên đoàn Xe đạp quốc tế (UCI) thông báo mẫu thử của cua rơ Nguyễn Trường Tài (thi đấu dưới màu áo đội tuyển quốc gia tại Giải xe đạp quốc tế Tour de Singkarak 2013 có kết quả dương tính với chất bị cấm. Bây giờ, UCI chỉ còn chờ Nguyễn Trường Tài có quyết định làm thêm xét nghiệm một lần nữa đối với mẫu thử đã được lấy ở Tour de Singkarak 2013 hay không để ra án phạt. Mức phạt thường là cấm thi đấu hai năm và nhiều khả năng, cua rơ đang đầu quân cho CLB Domesco Đồng Tháp sẽ chấp nhận án phạt kể cả khi vô tình sử dụng chất bị cấm như anh đã trần tình với báo giới sau thông báo của UCI. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên làng xe đạp Việt Nam có VĐV bị phát hiện dương tính với chất cấm khi thi đấu quốc tế. Nhiều cuộc đua quốc tế trước đây, các tay đua Việt Nam cũng bị xét nghiệm đột xuất nhưng không ai dương tính với chất kích thích. Với thể thao Việt Nam nói chung, xe đạp Việt Nam nói riêng, có không ít vấn đề đặt ra sau trường hợp "dính" doping của Nguyễn Trường Tài.

Khi nhìn lại vụ việc của Nguyễn Trường Tài, không bàn đến trường hợp VĐV chủ động sử dụng thuốc, chúng ta phải đặt câu hỏi về chuyện quản lý VĐV sử dụng thuốc của những người có trách nhiệm. Thông thường, khi VĐV sử dụng thuốc đều phải nhận được sự đồng ý của bác sĩ đội. Ở Việt Nam, khi đội ngũ bác sĩ các đội thể thao còn ít thì nhiều lúc HLV cũng phải kiêm vai trò này. Quan trọng là tất cả phải có kiến thức về sử dụng thuốc để tư vấn, chỉ định cho VĐV nhằm tránh sử dụng phải chất cấm. Còn nếu VĐV tự uống thuốc rồi dương tính với doping thì cũng chỉ chứng tỏ ý thức chuyên nghiệp của VĐV quá kém. Dù vấn đề có nguồn gốc ở HLV, bác sĩ đội hay chính VĐV thì đây cũng là dịp để thể thao Việt Nam nhìn lại hành trình phòng, chống doping trong những năm qua của mình.

Hành trình ấy đã được khởi động thực sự từ 10 năm trước, sau khi thể thao Việt Nam có 4 trường hợp dương tính với chất kích thích tại SEA Games 22 năm 2003, sau đó là một số trường hợp khác dương tính với chất kích thích khi thi đấu quốc tế. Đáng chú ý, kể cả khi thi đấu tại giải quốc nội, ĐH TDTT toàn quốc năm 2010, cũng có VĐV bị phát hiện dương tính với doping. Đấy là trường hợp của lực sĩ Ngô Thị Hạnh (Hà Tĩnh). Chính trường hợp này mới càng củng cố cho một nhận định khác đã tồn tại từ nhiều năm trước đó rằng chính các giải quốc gia mới là nơi khó kiểm soát VĐV sử dụng chất kích thích. Đơn giản ở các giải này không kiểm tra doping do BTC thiếu kinh phí, phương tiện.

Hiện tại ở Việt Nam, ngoài ĐH TDTT toàn quốc, mới chỉ có Giải vô địch Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên chất kích thích với các VĐV. Mẫu thử vẫn phải gửi ra nước ngoài để xét nghiệm với chi phí không nhỏ (gần 500 USD/mẫu). Trong khi ấy, quá trình xây dựng một Trung tâm xét nghiệm doping ở Việt Nam vẫn dở dang dù được triển khai từ hơn 5 năm nay. Có trung tâm này, các nhà quản lý sẽ dễ bề kiểm soát VĐV cũng như giúp ngành có những thành tích thật trên các đấu trường quốc gia, qua đó tránh đầu tư nhầm cho VĐV. Không kể, kinh phí xét nghiệm doping cũng giảm đáng kể. Ai cũng ý thức được điều đó nhưng việc triển khai vẫn cứ mắc ở kinh phí lẫn thủ tục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ám ảnh doping

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.