Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tầm nhìn và bài toán về hiệu quả

Thu Minh| 09/08/2013 05:59

(HNM) - Câu chuyện về việc xây dựng sân vận động, nhà thi đấu cấp quận, huyện tại Hà Nội đang được



Đó là những câu hỏi đòi hỏi sự giải đáp thỏa đáng từ phía các nhà quản lý. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, Nguyễn Đình Lân để làm rõ hơn về vấn đề này.

Tiết kiệm trước mắt, lãng phí lâu dài

- Thưa ông, thời gian gần đây đã có một số bài báo đề cập đến chuyện xây dựng SVĐ, NTĐ cấp quận, huyện của Hà Nội, trong đó mối băn khoăn được nêu ra là các công trình này hoặc được xây dựng với quy mô quá tầm, hoặc chưa được khai thác sử dụng hiệu quả. Là lãnh đạo quản lý về TDTT của thành phố, cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Trước tiên, phải khẳng định rằng việc có được các công trình thể thao hiện đại chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ đối với việc phát triển sự nghiệp TDTT nói chung, cả về thể thao quần chúng cũng như thể thao thành tích cao, đáp ứng nhu cầu về tập luyện, nâng cao thể chất, nâng cao đời sống tinh thần của người dân Thủ đô. Băn khoăn ở đây chủ yếu là chuyện cân đối kinh phí đầu tư với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng sử dụng, khai thác hiệu quả công trình. Việc đánh giá là “quá tầm”, hay “đúng tầm” phải xem xét trên nhiều góc độ. Trong đó, cần lưu ý rằng, tuy các công trình này nằm trên địa bàn quận, huyện, nhưng có khả năng phục vụ các hoạt động lớn, có tầm cỡ của Thủ đô và cả nước, chứ không chỉ phục vụ riêng quận, huyện đó.

Công trình thể thao của huyện Hoài Đức quy mô chỉ ở mức trung bình so với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Ảnh: Lê Hiếu


- Nói riêng về công trình thể thao của huyện Hoài Đức, ông nghĩ gì về nhận định cho rằng huyện Hoài Đức “chơi trội”, xây dựng SVĐ hàng chục triệu USD?

- Theo đánh giá của các nhà quản lý và chuyên môn, quy mô của công trình này ở mức trung bình so với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.

Điều này đã được Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Tô Văn Động khẳng định trong văn bản số 2399/SVHTTDL-TTQC gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội ngày 2-8-2013 về việc báo cáo một số công trình TDTT tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

- Nhưng trước đây, trao đổi với báo giới, ông từng bày tỏ mối lo ngại về việc quy mô của các công trình thể thao cấp quận, huyện đang vượt xa nhu cầu thực tế. Ông giải thích điều này thế nào?

- Thực ra, nếu hoạt động của các công trình đó chỉ gắn riêng với hoạt động của chính địa phương thì mới đáng nói. Nhưng trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng các cơ sở vật chất này cho các hoạt động của thành phố, thậm chí là các hoạt động tầm cỡ quốc gia và quốc tế được tổ chức tại Thủ đô. Vả lại, cũng phải thấy rằng nếu chỉ làm ở mức tối thiểu, vài năm sau lại phải nâng cấp, mở rộng, sẽ lại có ý kiến cho rằng đây là kiểu đầu tư “thiếu tầm nhìn” thì sao? Nếu địa phương có điều kiện, rõ ràng việc đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất cần phải nhìn theo hướng lâu dài thì mới tránh được lãng phí. Chính vì vậy, khi bàn về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng nhấn mạnh: “Cần nhìn nhận vấn đề đầu tư cho các công trình thể thao hiện đại một cách hợp lý, khoa học và thỏa đáng”.

- Vậy ông có thể cho biết rõ hơn Sở VH,TT&DL có định hướng như thế nào về việc quy hoạch, xây dựng và sử dụng các công trình văn hóa - TDTT trên địa bàn Thủ đô?

- Để tạo sự thống nhất trong quản lý, mới đây, Sở VH,TT&DL cũng đã có văn bản số 2440 do Giám đốc Tô Văn Động ký ngày 7-8-2013, gửi UBND các quận, huyện, thị xã, nêu rõ: “Đề án quy hoạch các công trình văn hóa - thể thao phải bảo đảm các quy chuẩn về quy mô, quy cách, kích thước theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Khi quy hoạch phải có tầm nhìn lâu dài, vận dụng tối đa phần đất nhà nước cho phép để quy hoạch các công trình văn hóa - thể thao”.

- Còn định hướng về xây dựng thì sao, thưa ông?

- Về xây dựng, căn cứ vào tình hình phát triển phong trào và điều kiện kinh tế của thành phố, những dự báo tiềm năng phát triển để xây dựng quy mô các công trình cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Các công trình phải bảo đảm điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất phụ trợ để phục vụ sinh hoạt văn hóa, tập luyện và thi đấu thể thao. Xin lưu ý, các dự án quy hoạch phải có ý kiến thỏa thuận của các cơ quan chuyên môn.

Làm gì để khai thác và sử dụng hiệu quả?

- Hà Nội đang có hệ thống công trình thể thao với cơ sở vật chất hiện đại và đồng bộ. Ông có thể cho biết phương án khai thác của ngành trong việc sử dụng các công trình, bắt đầu từ chính những công trình cấp quận, huyện vừa được xây mới?

- Các công trình văn hóa - thể thao ở địa phương trước tiên cần làm tốt nhiệm vụ phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng. Khi đã được bàn giao, cần thường xuyên mở cửa đón nhân dân đến tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Phải để cho chính người dân tại địa phương được thụ hưởng các giá trị của công trình, đó là điều tiên quyết.

Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội - với vị thế dẫn đầu về cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, có lực lượng VĐV hùng hậu ở gần 50 bộ môn và phân môn thể thao cũng có thể tận dụng các cơ sở này để đầu tư tập huấn hiệu quả cho các tuyến năng khiếu, tuyển trẻ và đội tuyển.

- Như vậy, dường như khả năng thu hút tài chính của các công trình thể thao vẫn chưa được khai thác triệt để. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Cần lưu ý rằng, các địa phương phải quản lý khai thác và sử dụng công trình đúng mục đích, chức năng và hiệu quả. Việc xây dựng định mức thu, chi cần căn cứ vào tình hình kinh tế cụ thể của từng địa phương sao cho hợp lý để cân đối, có thêm một phần kinh phí thu từ các hoạt động kinh doanh hợp pháp, bảo đảm cho việc tu bổ, cải tạo thường xuyên, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc các công trình đầu tư của nhà nước để phục vụ phong trào văn hóa - thể thao quần chúng tại địa phương là chính.

Hiện tại, Sở VH,TT&DL đang phối hợp các sở, ban, ngành liên quan để xây dựng cơ chế thu chi cho các công trình TDTT do Sở quản lý trên nguyên tắc bảo đảm phục vụ công tác chuyên môn, nhưng vẫn có thêm nguồn kinh phí để hoạt động. Nếu cơ chế chi tiêu này được thông qua, Ban quản lý các công trình thể thao sẽ có cơ sở để vận hành hiệu quả hơn…

- Hướng tới ASIAD 18-2019 - mà Hà Nội là địa phương đăng cai chính, vậy theo ông các công trình thể thao nói trên sẽ góp được gì cho đại hội?

- Theo dự thảo Đề án tổng thể về đăng cai ASIAD 18-2019, Hà Nội sẽ là địa phương đăng cai chính, nơi tổ chức tập trung nhiều môn đấu nhất của đại hội, chịu trách nhiệm lo ăn, ở, bố trí nơi tập luyện và thi đấu cho hàng loạt môn đấu. Rõ ràng, hệ thống cơ sở vật chất hiện đại là yếu tố vô cùng cần thiết để bảo đảm Hà Nội - Việt Nam đăng cai thành công Đại hội thể thao tầm cỡ châu lục này. Đó chính là một biểu hiện của sự đầu tư có hiệu quả. Bản thân Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh cũng từng “bật đèn xanh” về việc đưa các đội tuyển quốc gia về tập huấn tại các cơ sở hiện đại trên địa bàn TP Hà Nội.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

* Trong văn bản số 2399/SVHTTDL-TTQC gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội ngày 2-8-2013 về việc báo cáo một số công trình TDTT tại các quận, huyện, thị xã, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Tô Văn Động khẳng định: "Một số nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi ở các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ… mới được hoàn thành và đang chờ cơ chế để đưa vào hoạt động cho phù hợp hoàn cảnh cụ thể của các địa phương. Hoàn toàn không có công trình nào lãng phí, để hoang hoặc sử dụng sai mục đích".

* Cũng trong văn bản trên, nói riêng về công trình thể thao của huyện Hoài Đức, Sở VH,TT&DL Hà Nội nêu rõ: "Công trình thể thao của huyện Hoài Đức, NTĐ thể thao tổng hợp có sức chứa 2.000 chỗ ngồi, SVĐ có 1 khán đài A sức chứa 3.500 chỗ ngồi, mặt sân bóng đá có kích thước 64mx100m, có đường chạy 400m, hố nhảy xa, nhảy cao. Bể bơi có kích thước 16mx25m, bể vầy có kích thước 10m36x21m, sân tennis 10m97x23m77. Nhà văn hóa sức chứa 500-600 chỗ ngồi, trong đó có các hoạt động của thư viện, chiếu phim. Các công trình thể thao của huyện Hoài Đức quy mô đạt ở mức trung bình so với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam...

Thu Minh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầm nhìn và bài toán về hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.