Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học về đào tạo trẻ

Thùy An| 31/08/2014 06:31

(HNM) - Olympic trẻ thế giới lần thứ hai - năm 2014 diễn ra tại Nam Kinh (Trung Quốc) đã khép lại. Với tấm HCV mà kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên giành được ở môn bơi, cùng HCB ở môn cử tạ của Nguyễn Trần Anh Tuấn, thể thao Việt Nam cho thấy sự phát triển ổn định ở hai môn thể thao được đầu tư mạnh tay trong những năm gần đây.


Không như tại Olympic trẻ thế giới lần thứ nhất, những tấm huy chương mà đoàn thể thao Việt Nam giành được ở kỳ này đều nằm trong tính toán của giới chuyên môn. Sự thăng tiến về thành tích của Nguyễn Thị Ánh Viên trong những năm qua đã giúp lãnh đạo ngành thể thao tự tin đặt chỉ tiêu giành ít nhất 1 HCV tại Olympic trẻ 2014. Cuối cùng thì niềm hy vọng đã thành hiện thực khi kình ngư trẻ này giành HCV ở nội dung 200m hỗn hợp với thành tích 2 phút 12 giây 66, phá sâu kỷ lục do chính cô lập tại Giải Vô địch các lứa tuổi trẻ Đông Nam Á 2014 (2 phút 14 giây 58). Ở 4 nội dung thi đấu còn lại, thành tích tốt nhất của Nguyễn Thị Ánh Viên là xếp hạng tư ở nội dung bơi 800m tự do. Dù vậy, với tấm HCV mang tính lịch sử của bơi Việt Nam, Nguyễn Thị Ánh Viên đã chứng tỏ cách đầu tư của Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản (Quân đội) đang đi đúng hướng.

Trường hợp của Nguyễn Trần Anh Tuấn (cử tạ, hạng 56kg nam) có nét tương tự Ánh Viên. Ngay trước Olympic trẻ 2014, lực sĩ của TP Hồ Chí Minh đã được dự báo giành huy chương. Thực tế, Nguyễn Trần Anh Tuấn đã thi đấu ổn định, giành tấm HCB tổng cử với mức tạ 243kg. Dù mức tạ của VĐV Việt Nam kém xa thành tích của lực sĩ đoạt HCV là Meng Cheng (Trung Quốc, 283kg), song ít ra thì cử tạ Việt Nam đã chứng tỏ tiềm năng và sự kế thừa lực lượng ở hạng cân sở trường vẫn được duy trì trong suốt nhiều năm qua.

Ngoài Nguyễn Thị Ánh Viên và Nguyễn Trần Anh Tuấn, còn có 8 VĐV khác của Việt Nam dự tranh các môn bơi, cử tạ, cầu lông, rowing, bóng chuyền bãi biển, taekwondo tại Olympic trẻ Nam Kinh. Không có sự đột biến về thành tích ở những môn này nhưng, ở chừng mực nào đó, các VĐV Việt Nam đã thể hiện được khả năng của mình chứ không sa sút theo kiểu "thử kêu, đốt tịt".

Màn thể hiện của các VĐV tại Olympic trẻ 2014 giúp nhà quản lý thể thao Việt Nam rà soát lại lực lượng cũng như công tác đầu tư cho VĐV trẻ trong những năm qua. Trước mắt, sau những thành tích của Ánh Viên, Anh Tuấn, thể thao Việt Nam có thể an tâm phần nào vào mục tiêu giành huy chương châu lục ở những môn có trong chương trình thi đấu Olympic như cử tạ hoặc bơi. Nhiều nhà chuyên môn hy vọng Ánh Viên có thể giành huy chương ngay trong kỳ ASIAD 2014 tại Hàn Quốc chứ không phải đợi đến kỳ sau. Vấn đề tiếp theo là tiếp tục đầu tư cho những tài năng khác, nhất là những người đã dự Olympic trẻ kỳ này để họ phát huy khả năng, trở thành cánh chim đầu đàn ở các bộ môn và có thể đoạt huy chương châu lục và thế giới trong tương lai.

Hiện tại, Việt Nam chưa có nhiều VĐV trẻ được đầu tư kỹ lưỡng như cách mà ngành thể thao dành cho Nguyễn Thị Ánh Viên (chi phí hàng trăm nghìn USD/năm, tập huấn ở những quốc gia có nền thể thao đứng hàng đầu thế giới). Chúng ta không thể chỉ chuyên chú vào lứa VĐV dự Olympic trẻ 2014, mà cần tiếp tục đầu tư quyết liệt cho công tác đào tạo những lứa VĐV trẻ hơn, coi đó là giải pháp ưu tiên nhằm tạo dựng một nền thể thao mạnh, phát triển ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học về đào tạo trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.