Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bóng bàn trẻ Việt Nam tụt hậu

Thùy An| 27/06/2015 07:40

(HNM) -

- Lần đầu tiên dự giải trẻ Đông Nam Á với tư cách HLV, ông nhìn nhận thế nào về tương quan bóng bàn trẻ khu vực?

- Nói ngắn gọn thế này, về chuyên môn thì cả bóng bàn Việt Nam lẫn Indonesia đều tụt hậu so với bóng bàn Malaysia khoảng 5 năm, so với Thái Lan và Singapore là khoảng 15 năm.

Bóng bàn trẻ Việt Nam phải cải tổ triệt để để lên bục cao hơn ở các giải quốc tế.



- Ông có thể giải thích rõ hơn điều này?

- Chỉ riêng về chuyên môn, qua giải này đã cho thấy những bất cập của công tác đào tạo bóng bàn trẻ Việt Nam hiện nay. Về nền tảng kỹ thuật cơ bản, VĐV ta thua kém hoàn toàn so với Singapore, Thái Lan, Malaysia. Điều này bắt nguồn từ khâu huấn luyện. Cũng do bất cập trong khâu huấn luyện nên quan điểm về lối đánh của VĐV ta trở nên lạc hậu so với xu thế chung. Trong khi xu thế của bóng bàn hiện đại lần lượt ưu tiên các yếu tố thể hình - nhanh - xoáy - chuẩn xác - biến hóa điểm rơi - sức mạnh thì bóng bàn Việt Nam đi ngược lại khi lần lượt ưu tiên huấn luyện VĐV theo các yếu tố sức mạnh - biến hóa điểm rơi - chuẩn xác - xoáy - nhanh - thể hình. Tóm lại, chúng ta đang đào tạo VĐV đi ngược xu thế của bóng bàn hiện đại. Không kể, VĐV Việt Nam không đa dạng về lối chơi nên thích ứng không tốt với các đối thủ khác nhau. Đây cũng là một điểm yếu khiến bóng bàn Việt Nam chỉ giành 1 HCB, 5 HCĐ tại giải trẻ Đông Nam Á vừa qua.

- Đó là về những gì thể hiện trên bàn bóng. Còn mô hình đào tạo thì thế nào, thưa ông?

- Có lẽ, mô hình tổ chức hệ thống đào tạo trẻ của bóng bàn Thái Lan đáng để chúng ta học tập, lưu tâm. Tôi lấy Thái Lan làm ví dụ bởi đội tuyển bóng bàn nước này đã giành 12/14 HCV, có VĐV góp mặt trong cả 14 trận chung kết giải trẻ Đông Nam Á vừa qua. Những gì thu thập được qua tiếp xúc với các HLV Thái Lan cho thấy vì sao họ đang bỏ xa chúng ta. Trong hệ thống đào tạo trẻ của bóng bàn Thái Lan, ngay từ đầu người ta đã xác định rõ lối chơi phù hợp với tố chất người Thái Lan. Rồi họ xác định đối thủ chính của họ để có cách tập luyện nhằm đối phó khi thực chiến. Như ở Đông Nam Á, người Thái Lan coi Singapore là đối thủ chính nên đưa ra những phương án để khắc chế các tay vợt Singapore. Thái Lan cũng xác định đầu tư mạnh cho nữ vì các tay vợt nam khó giữ được sự ổn định hơn. Để đào tạo được những VĐV tài năng cho đội tuyển trẻ, đội ngũ HLV cũng được đầu tư đặc biệt, được cử đi đào tạo dài hạn tại các nền bóng bàn phát triển như Trung Quốc, Thụy Điển, Đức. Từ đây, đội tuyển trẻ Thái Lan có nhiều nhóm VĐV theo các trường phái khác nhau như Trung Quốc, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đức. Từ những nhóm này, họ chọn ra 1-2 VĐV xuất sắc nhất để thi đấu quốc tế. Điều này giải thích vì sao VĐV Thái Lan thích ứng nhanh hơn hẳn các VĐV khác trong khu vực. Cũng nhờ được đào tạo bài bản, khoa học như vậy mà trong thi đấu, càng ở thời điểm quan trọng thì các tay vợt Thái Lan càng phát huy được những quả đánh kỹ thuật cao, độ khó lớn. Còn VĐV các nước khác chỉ dám chọn giải pháp an toàn vì không đủ bản lĩnh, kỹ thuật để thực hiện những quả đánh có độ khó lớn. Đấy là vấn đề đẳng cấp, không dễ san lấp.

- Liệu chúng ta có cơ hội rút ngắn khoảng cách với những nền bóng bàn mạnh trong khu vực không, thưa ông?

- Có, nhưng với điều kiện tất cả phải chung tay vì cái chung. Ở cả cấp độ đội tuyển trẻ quốc gia lẫn hệ thống đào tạo các CLB, hệ thống thi đấu phải có những thay đổi triệt để. Đội tuyển trẻ quốc gia phải thực sự là nơi tụ hợp được những VĐV tốt nhất. Tôi mới nhận nhiệm vụ tại đội tuyển trẻ nên mới chỉ giải quyết được khâu kỷ luật luyện tập, sinh hoạt, nâng thể lực cho VĐV. Còn sau này, đội cần phải có đội ngũ HLV đa dạng hơn, bảo đảm mỗi đội nam, nữ ở mỗi lứa tuổi phải có một HLV liên tục bám VĐV trong ăn ở, sinh hoạt, tập luyện. Ngoài ra, còn cần có cả HLV thể lực và HLV phụ trách quản lý ăn ở, sinh hoạt, học tập. Đội tuyển trẻ cũng cần có đội ngũ "quân xanh", chiếm khoảng 1/3 quân số được gọi tập trung, có lối đánh đa dạng như cắt phản công, vợt dọc, gai tấn công, gai phản xoáy để giúp các VĐV khác thích ứng tốt hơn. Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng của đội tuyển cũng cần được quan tâm hơn.

Để đội tuyển trẻ mạnh hơn, có thể chốt lại rằng: Phải giải quyết được khâu kỷ luật, chuyên môn và lấy lại niềm tin của các CLB.

- Cảm ơn HLV Bùi Xuân Hà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bóng bàn trẻ Việt Nam tụt hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.