Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm vui xen lẫn nỗi buồn

Mai Hoa| 04/09/2015 06:06

(HNM) - Giải Nhảy cầu vô địch quốc gia 2015 vừa kết thúc tại Hà Nội vào ngày 1-9 với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về Hà Nội (7 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ). Tuy vậy, khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Trương Ngọc Lan, Trưởng ban Quản lý cơ sở tập luyện và thi đấu TDTT Mỹ Đình, Trưởng bộ môn Thể thao dưới nước

Ảnh: Báo Thể thao VN



- Hà Nội đã giành chiến thắng áp đảo và thuyết phục, phải vui mới đúng chứ, thưa bà?

- Hà Nội là địa phương có truyền thống phát triển môn này, việc nắm giữ ngôi nhất toàn đoàn không phải là bất ngờ. Nhưng việc nhảy cầu - một môn thể thao Olympic mà lại không được nhiều địa phương đầu tư phát triển thì đó thực sự là nỗi buồn với người làm nghề. Nếu có sự cạnh tranh quyết liệt hơn, trình độ cân bằng hơn thì chúng ta sẽ có một đội tuyển quốc gia mạnh hơn, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ thi đấu quốc tế.

- Vậy theo bà, đâu là điểm sáng mà chúng ta "thu hoạch" được qua giải vô địch quốc gia vừa qua?

- Ở môn này, Hà Nội là "anh cả" nên chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ các địa phương phát triển phong trào trong khả năng của mình. Bên cạnh sự trưởng thành của các VĐV Thủ đô, là người làm nghề, tôi rất để ý đến các VĐV triển vọng của các địa phương khác. Năm nay, "điểm sáng" là dàn VĐV của Hải Phòng như Phạm Mạnh Đức Hưng, Dương Văn Thành, Nguyễn Tùng Dương… cho thấy tiềm năng phát triển. Rất đáng mừng là Hải Phòng không thuê chuyên gia nhưng đã đào tạo được lứa VĐV trẻ có trình độ ngang ngửa VĐV Hà Nội, biểu diễn được các động tác có độ khó cao.

- Tiếc là không nhiều địa phương làm được điều đó. Sự chưa mặn mà phải chăng là do môn này đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài mới có thể có huy chương?

- Đúng vậy. Rất khó thuyết phục các địa phương làm môn này vì phải mất 6 năm mới có thể đào tạo được một lứa đủ sức "trình làng". Nguồn VĐV cho môn này cũng rất khó tuyển, quá trình đào tạo đòi hỏi VĐV phải kiên trì rèn luyện, chịu đựng vất vả, khổ luyện để vừa có đủ sức mạnh lại vừa bảo đảm về độ dẻo trong động tác...

- Khó thế, nhưng sao Hà Nội vẫn làm tốt môn này?

- Hà Nội làm được bởi chúng ta có sự kiên trì trong đầu tư. Khẳng định vị thế của Thủ đô, Đội tuyển nhảy cầu Hà Nội thường xuyên là lực lượng nòng cốt đại diện cho nhảy cầu Việt Nam dự các giải đấu khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, thực tế là tùy từng giai đoạn mà môn này có sự đầu tư mạnh hay chỉ ở mức duy trì. Hiện tại, Hà Nội có thuận tiện là có bể tập luyện nhảy cầu được thành phố đầu tư, nằm trong khuôn viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Đáng tiếc là bể chỉ tập được vào mùa hè chứ không tập được khi mùa đông tới bởi còn thiếu hệ thống sưởi không khí trên không. Chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch tập luyện để đến mùa đông thì VĐV tập trên cạn, rèn động tác, thể lực, độ dẻo là chính. Mùa hè mới cho các em thực hành nhiều hơn.

- Bà có thể chia sẻ về hướng đầu tư cho Nhảy cầu Hà Nội trong thời gian tới?

- Nhảy cầu là môn được nhiều quốc gia đầu tư mạnh, đặc biệt là ở tầm ASIAD, Olympic. Nội dung đồng đội sẽ có sự khó nhất định, nhưng với các nội dung cá nhân thì chúng ta hoàn toàn có thể tiệm cận trình độ quốc tế nếu có sự đầu tư thực sự xứng đáng. Tuy môn này đòi hỏi thời gian đào tạo VĐV lâu dài, nhưng bù lại, tuổi nghề VĐV cũng không phải là ngắn. VĐV môn này có thể thi đấu đỉnh cao từ 14 đến 28 tuổi. Hà Nội đang đầu tư cho một lứa VĐV mới có rất nhiều triển vọng. Hiện tại, Hà Nội cũng đang giúp Hải Dương đào tạo VĐV. Sắp tới, tôi sẽ về Hải Dương hỗ trợ khâu tuyển chọn. Chúng ta cần mở rộng việc phát triển phong trào ở các địa phương để luôn có sự bổ sung, thay thế nhằm tìm kiếm đội hình tốt nhất cho đội tuyển quốc gia.

- Cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui xen lẫn nỗi buồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.