Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng trước giờ G!

Mai Hoa| 28/11/2015 07:27

(HNM) - Ngày 30-11, Đoàn thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam sẽ sang Singapore tham dự Đại hội TTNKT Đông Nam Á - Para Games lần thứ 8. Đội tuyển Điền kinh như thường lệ vẫn là lực lượng nòng cốt của đoàn

.


Ảnh: Thethaovanhoa.vn


- Ông có thể cho biết một số thông tin về Đội tuyển Điền kinh TTNKT Việt Nam tham dự Para Games 8?

- Trong danh sách 169 thành viên của Đoàn TTNKT Việt Nam tham dự Para Games 8, Đội tuyển Điền kinh góp mặt với thành phần gồm 37 VĐV, 5 HLV, 3 VĐV dẫn đường. Trong đó có các gương mặt nổi bật của TP Hồ Chí Minh như Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Bé Hậu, Hà Thị Huệ, Võ Văn Tùng… Ngoài ra còn có một số VĐV người Hà Giang, Hải Phòng…

- Hà Nội có nhiều VĐV điền kinh NKT được góp mặt trong danh sách đội tuyển không, thưa ông?

- Cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là trung tâm lớn của cả nước về phát triển TTNKT. Trong danh sách 37 VĐV Đội tuyển Điền kinh, Hà Nội có 12 VĐV, hầu hết đều là những VĐV có tên tuổi, từng giành nhiều huy chương quốc tế như Vũ Thị Kim Thủy (hạng thương tật T12), Nguyễn Thị Thủy (hạng T44), Trần Văn Đức (hạng T46), Ngô Xuân Đoàn (hạng F44)…

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quá trình tập huấn của các VĐV chuẩn bị cho đại hội?

- Đây là điểm sáng tích cực so với các kỳ trước. Ở các kỳ đại hội trước, VĐV thường chỉ được tập huấn 1 tháng. Kỳ này, thời gian tập huấn tập trung được tăng lên thành hơn 3 tháng, ở 2 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đồng nghĩa với việc công tác tập luyện, chế độ bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe… đều khoa học, bài bản hơn nhiều. Điều này thực sự ý nghĩa, bởi với những người kém may mắn, họ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt để đến với thể thao. Việc có chế độ bồi dưỡng, được chăm sóc ăn, tập theo chế độ chung dành cho VĐV đỉnh cao giúp họ tự tin, yên tâm hơn trong việc tập luyện, phấn đấu giành thành tích cao.

- Điền kinh đặt mục tiêu giành bao nhiêu HCV tại Para Games 8, thưa ông?

- Chúng tôi không đặt nặng áp lực chỉ tiêu cho VĐV của TTNKT. Nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng, tôi tin các VĐV sẽ có màn thể hiện, thi đấu tốt tại đại hội. Điều tôi mong muốn là đội sẽ có nhiều bác sĩ theo kèm, càng nhiều càng tốt để hỗ trợ sức khỏe kịp thời cho NKT.

- Kỳ vọng huy chương Para Games 8 và xa hơn là huy chương Paralympic Rio 2016 của Điền kinh Việt Nam sẽ được đặt vào những ai?

- Đã ở trong danh sách đội tuyển, hầu như ai cũng có khả năng giành huy chương Para Games 8. Với mục tiêu giành huy chương Paralympic, kỳ vọng vẫn đặt vào những VĐV có thâm niên, có bề dày thành tích như Cao Ngọc Hùng (TP Hồ Chí Minh), Vũ Thị Kim Thủy, Nguyễn Thị Thủy (Hà Nội)… Họ không chỉ tập huấn 3 tháng, mà cùng với các VĐV trọng điểm của cử tạ và bơi lội, được tập huấn từ đầu năm theo chủ trương đầu tư dài hơi cho khát vọng giành huy chương Thế vận hội dành cho NKT (Paralympic).

- Khó nhất trong công tác huấn luyện cho VĐV điền kinh NKT là gì, thưa ông?

- Chắc chắn là làm việc và huấn luyện cho VĐV NKT sẽ khó hơn với người bình thường, bởi các VĐV NKT có tuổi tác khác nhau, mức độ thương tật khác nhau, trình độ học vấn cũng rất khác nhau. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải có giáo án huấn luyện thực sự chi tiết và sát sao. Mặt khác, việc tuyển chọn trong TTNKT cũng rất khác, không lấy năng khiếu làm đầu, mà hễ ai có khả năng theo tập thường xuyên, chăm chỉ, cần cù thì sẽ phải được ưu tiên huấn luyện.

- Xin cảm ơn ông. Chúc Đội điền kinh nói riêng và Đoàn TTNKT Việt Nam nói chung có chuyến du đấu thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng trước giờ G!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.