Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đấu kiếm Việt Nam: Mong hết cảnh "nhà nghèo vượt khó"

Minh Quang| 25/06/2016 06:55

(HNM) - Đến lúc này, đấu kiếm Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Vòng loại Olympic 2016 khi giành tới 4 suất chính thức tham dự và cả 4 suất đều thuộc về các VĐV Hà Nội.


Ảnh minh họa


Cử tạ và đấu kiếm Việt Nam cùng có 4 VĐV được tham dự Olympic 2016. Tuy nhiên, những tấm vé của cử tạ còn thông qua vị trí đồng đội tại Giải vô địch thế giới để quy ra suất tham dự Olympic 2016. Còn cả 4 tấm vé mà đấu kiếm Việt Nam giành được đều là suất cá nhân VĐV giành được qua Vòng loại Olympic.

Trong lịch sử các kỳ tham dự Vòng loại Olympic của thể thao Việt Nam, chưa môn nào đạt được "cột mốc" như đấu kiếm vì mới phát triển ở Việt Nam hơn chục năm nay, không nhiều địa phương dám đầu tư cho môn thể thao tốn kém này. Trong nhóm môn được đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam, đấu kiếm cũng chỉ ở nhóm 2. Tính từ năm 2007 đến nay, kinh phí của Ủy ban TDTT, sau này là Tổng cục TDTT đầu tư cho môn đấu kiếm cũng ở mức khiêm tốn, chỉ đủ cho một số chuyến tập huấn quốc tế ngắn ngày và thi đấu quốc tế ở những giải chính thức cho một số VĐV hàng đầu. Nguồn kinh phí xã hội hóa để duy trì môn này hầu như không có nên phải dựa vào các địa phương, trong đó nổi bật vai trò của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Hà Nội là đơn vị đầu tiên du nhập môn đấu kiếm (còn gọi là kiếm quốc tế) về Việt Nam với vai trò nổi bật của nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang. Những năm gần đây, nguồn kinh phí cho môn đấu kiếm ở Hà Nội không dư dả, việc tập huấn, thuê chuyên gia nước ngoài, mua trang thiết bị tập luyện và thi đấu gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, mỗi nội dung kiếm của CLB Kiếm quốc tế Hà Nội chỉ được trang bị 58 thanh kiếm, đủ để VĐV tập luyện trong gần 2 tháng. Còn lại, thầy trò phải tự xoay xở để bảo đảm điều kiện tối thiểu trong tập luyện.

Người trong nghề không ít lần ái ngại khi thấy Chủ nhiệm CLB Kiếm quốc tế Hà Nội Phạm Anh Tuấn chạy lo đủ thiết bị tập luyện, điều kiện tập huấn, thi đấu quốc tế cho VĐV cũng như kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài. Vì thế, khi đấu kiếm Hà Nội giành tới 4 vé tham dự Olympic 2016, nhiều người cho rằng đó là nỗ lực vượt khó kỳ diệu của cả chủ nhiệm CLB, các HLV và VĐV. Nếu không có sự say nghề của chính những người cầm lái ở CLB, sự cống hiến hết mình của VĐV với đậm nghĩa thầy trò cũng như sự ủng hộ của lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội thì chưa chắc đấu kiếm Hà Nội đã có cơ hội tỏa sáng như hiện nay.

Trong cuộc gặp gần đây với báo chí, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết: Tổng cục TDTT sẽ đưa đấu kiếm vào nhóm môn trọng điểm từ năm 2017 cùng điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ. Kinh phí cho môn thể thao này sẽ tăng hơn so với năm 2016 nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Khi đó vẫn cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các địa phương để thầy trò không phải vừa tập luyện, vừa lo kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế, thuê chuyên gia nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu kiếm Việt Nam: Mong hết cảnh "nhà nghèo vượt khó"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.