Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm vui không trọn vẹn

Mai Hoa| 29/08/2016 07:03

(HNM) - Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm Nhổn) là

Ít ngày trước, trong buổi tổng kết, nhiều HLV uy tín đã phải lên tiếng để bảo vệ “mái nhà chung” ở Nhổn, đồng thời kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đối với các VĐV.

Các VĐV tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trọng Phú



VĐV phải hy sinh, tập cả ngày nghỉ, ngày lễ, sao không được chấm công? Đó thực sự là câu hỏi khiến nhiều HLV nghẹn giọng, không biết trả lời VĐV như thế nào cho thỏa đáng. HLV trẻ Nguyễn Lê Bá Quang của đội tuyển đấu kiếm quốc gia (có 4 kiếm thủ giành suất chính thức tham dự Olympic Rio 2016, trong đó các VĐV Vũ Thành An, Đỗ Thị Anh đã có những trận thắng "đình đám" trước những kiếm thủ sừng sỏ của thế giới) chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới: “Thực tế là để giành được suất chính thức tham dự Olympic, các VĐV, HLV đã phải tập rất vất vả, thường xuyên xa nhà, tập cả những ngày thứ bảy, chủ nhật. Với đội tuyển đấu kiếm, chúng tôi thậm chí phải tập cả vào ngày Tết. 30 Tết vẫn tập, chỉ mùng 1 là về nhà, mùng 2 đã phải đến tập. Ngày mùng 2 Tết, lãnh đạo các cấp đến thăm, chúc mừng và động viên các VĐV tập luyện. Nhưng tôi thực sự rất buồn khi các em hỏi, rằng rõ ràng bọn em tập thật, hy sinh cả những khoảnh khắc quây quần với gia đình, đã có người giám sát, lãnh đạo cũng đến động viên, tại sao bọn em lại không được nhận chế độ, không được chấm công những ngày đó?”.

Vị HLV trẻ trưởng thành từ nghiệp VĐV không khỏi nghẹn lời: “Tôi thực sự rất buồn, vì trong kế hoạch huấn luyện hằng năm, chúng tôi có lịch thi đấu từng giải, xác định rõ thời điểm phải tăng cường độ, tính toán điểm rơi phong độ chính xác. Vào thời điểm ấy, thứ bảy và chủ nhật không thể nghỉ được vì sẽ mất điểm rơi phong độ của VĐV. Rất mong các cơ quan hữu quan có chính sách quan tâm đầu tư cho VĐV sát thực tế hơn, bởi đặc thù của thể thao là vậy, nếu cho rằng chấm công như vậy là sai nguyên tắc tài chính thì cần phải điều chỉnh quy định để bảo đảm quyền lợi cho VĐV”.

Chuyện bất cập xảy ra từ khi có đơn thư tố cáo Giám đốc Trung tâm Nhổn thực hiện sai nguyên tắc tài chính khi chấm công cho VĐV cả vào ngày nghỉ. Bàn thêm về chuyện này, HLV điền kinh Vũ Ngọc Lợi khẳng định: “Đội điền kinh nhiều lần phải tập vào thứ bảy, chủ nhật, tùy theo giáo án. Như ngày 30-4, 1-5 vừa qua, chúng tôi còn phải làm đơn... để được tập chuẩn bị cho vòng loại Olympic Rio và xin được hưởng chế độ tiền công những ngày đó cho VĐV. Tiền công, tiền ăn còn thừa của VĐV được chuyển thẳng vào ATM nên không thể có chuyện lợi dụng chấm công thêm để tư lợi hay chi vào các mục đích khác”.

Nhiều HLV giỏi như Trương Tuấn Hiền (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Nhung (bắn súng), Nguyễn Anh Minh (wushu), Nguyễn Như Cường (boxing nữ)… đều lên tiếng mạnh mẽ về bất cập này. “Bông hồng thép” - HLV đội tuyển bắn súng Nguyễn Thị Nhung nói thêm: “Tiền ăn, tiền công của VĐV bắn súng và VĐV Việt Nam nói chung hiện còn rất thấp. Nếu không chấm công ngày nghỉ thì VĐV đói. Tiền công, tiền ăn của VĐV, đến HLV còn không dám thu thì lãnh đạo Trung tâm làm gì dám. Ở cuộc họp mới đây, cá nhân tôi đã mạnh dạn kiến nghị Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL quan tâm xem xét nâng tiền công, tiền ăn cho VĐV”.

Thực ra, chuyện nâng tiền công, tiền ăn cho VĐV đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ, chung tay vào cuộc của nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính, chứ không phải việc riêng của Bộ VH,TT&DL. Nhưng trước mắt, rõ ràng việc cắt khoản tiền công, tiền ăn dành cho VĐV tập luyện vào ngày nghỉ đã gây thiệt thòi cho họ, làm ảnh hưởng tới tâm lý, phong độ của VĐV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui không trọn vẹn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.