Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bóng chuyền đi tìm khán giả

Thùy An| 02/12/2016 06:56

(HNM) - Hội thảo về định hướng phát triển bóng chuyền Việt Nam vừa qua tại Hà Nội lại nóng lên trước câu chuyện thu hút khán giả. Các giải pháp đã được đưa ra, trong đó chủ yếu liên quan đến chất lượng giải đấu cũng như việc thuê cầu thủ ngoại làm chất xúc tác cho cả VĐV nội và giải đấu.



Bóng chuyền Việt Nam có thể phải thay đổi thể lệ thi đấu để hút khán giả nhiều hơn.


Hội thảo diễn ra ngay sau khi Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) lần thứ nhất năm 2016 vừa kết thúc, gây tiếng vang trong làng thể thao Việt Nam. Bóng rổ cũng là môn thi đấu có nhiều điểm tương đồng với bóng chuyền về địa điểm (trong Nhà thi đấu) nên có thể coi đó là thước đo về độ hấp dẫn. Theo đó, trước khi VBA 2016 ra đời, các giải bóng rổ quốc gia ít so được với bóng chuyền về sức nóng trên khán đài. Nhưng nhờ cách tổ chức hiện đại, chuyên nghiệp, nắm bắt được nhu cầu người xem cũng như các đội tham dự đã giúp VBA gây được cơn sốt khán giả trong suốt thời gian diễn ra giải chứ không chỉ trong một số trận nhất định. Ngoài ra, nhà tổ chức VBA còn tận dụng đối đa tính năng của internet để mang giải đấu đến gần với khán giả, trong đó rõ nhất là truyền trực tiếp các trận đấu của giải trên Youtube. Đó đều là những thứ đang thiếu ở các giải bóng chuyền quốc gia. Trước khi diễn ra VBA 2016, nhà tổ chức chỉ khiêm tốn đặt bóng rổ ở vị trí môn thể thao số 3 hoặc số 4 có sức hút khán giả, bởi phía trước vẫn còn bóng chuyền, cầu lông, bóng đá. Nhưng sau VBA 2016, họ có đủ tự tin rằng bóng rổ hoàn toàn có thể trở thành môn thể thao số 2 ở Việt Nam.

Đấy là điều khiến những người làm bóng chuyền Việt Nam phải suy ngẫm, nhất là khi ông chủ CLB Đức Giang - Hà Nội Đào Hữu Huyền ngậm ngùi chia sẻ, có lẽ phải đưa đội nhà về thi đấu ở hội làng mới mong có đông khán giả theo dõi. Còn trước đó, khi xem đội nhà thi đấu ở vòng chung kết Giải Bóng chuyền A1 toàn quốc, ông đã rất buồn khi thấy nhà thi đấu vắng hoe. Đến nỗi, ở trận cuối ông phải điều 200 người của công ty lên Thái Nguyên để cổ vũ đội nhà. Tất nhiên, đây là cảm giác của người mới bước chân vào làng bóng chuyền chuyên nghiệp Việt Nam. Còn những người đã gắn bó lâu với bộ môn này thì đó không còn là chuyện lạ, nhất là ở những giải đấu cấp độ thấp hơn Giải vô địch quốc gia như giải A1.

Cũng chính vì muốn thấy sự trở lại của khán giả mà ông Đào Hữu Huyền đã đưa ra giải pháp cho phép các CLB được thuê trở lại cầu thủ ngoại. Có như thế thì chất lượng các trận đấu mới hấp dẫn hơn, tính cạnh tranh giải đấu cũng nhiều hơn, từ đó lôi kéo khán giả đến sân đông hơn. Theo ông Đào Hữu Huyền, sự xuất hiện của cầu thủ ngoại cũng giúp ích về chuyên môn cho cầu thủ nội rất nhiều. Câu chuyện này thực tế đã gây tranh cãi từ 4 năm trước, khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không cho sử dụng cầu thủ ngoại tại các giải bóng chuyền quốc gia từ năm 2013. Quyết định này nhằm buộc các CLB chú ý hơn vào hệ thống đào tạo trẻ, thay vì đổ tiền thuê cầu thủ ngoại để lấy thành tích trước mắt. Cũng vì các đội chỉ được sử dụng cầu thủ nội nên trật tự bóng chuyền Việt Nam trong 4 mùa giải qua hầu như không có thay đổi đáng chú ý. Các trận đấu, nhất là giải nữ, cũng ít đột biến hơn. Đương nhiên, khi được thuê trở lại cầu thủ ngoại thì những CLB như Đức Giang - Hà Nội cũng sẽ dễ trụ hạng ở Giải vô địch quốc gia hơn.

Rõ là không thể chờ khán giả đến với mình mà các nhà tổ chức, quản lý bóng chuyền Việt Nam phải tìm đến khán giả bằng những giải pháp cụ thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bóng chuyền đi tìm khán giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.