Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ thành công của bóng rổ học đường Hà Nội

Minh Quang| 20/01/2017 07:10

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên khi những người có trách nhiệm đặt mục tiêu đưa môn bóng rổ lên vị thế là môn thể thao số hai ở Việt Nam trong thời gian tới. Thành công của hai giải bóng rổ học đường ở Hà Nội gồm Giải Bóng rổ học sinh THCS và THPT (đang diễn ra tại Nhà thi đấu quận Hoàng Mai) và Giải Bóng rổ học sinh tiểu học

THPT Việt Đức đang là đương kim vô địch



Tham gia điều hành Giải Bóng rổ học sinh THCS và THPT Hà Nội năm học 2016-2017, ông Đào Văn Kiên - Phó Chủ nhiệm phụ trách bộ môn bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) thực sự bất ngờ về số đội tham dự. Có tới 109 đội dự giải trong đó khối THCS có 32 đội nam và 15 đội nữ, khối THPT có 43 đội nam và 15 đội nữ. Số đội nam tham dự quá đông nên Ban Tổ chức (BTC) đã phải chọn thể thức đấu loại trực tiếp. Dù vậy, giải đấu cũng có tới 124 trận và kéo dài 13 ngày (từ ngày 10 đến 23-1, nghỉ thi đấu 1 ngày). Trong suốt giải, Nhà thi đấu Hoàng Mai phải hoạt động hết công suất từ sáng đến cuối chiều với trung bình 10 trận đấu/ngày. Mỗi trận diễn ra trung bình khoảng 1 giờ đồng hồ, khiến đội ngũ điều hành, trọng tài phải hoạt động hết công suất. Ông Đào Văn Kiên chia sẻ: “Dù vất vả nhưng những người làm chuyên môn vẫn vui, hạnh phúc vì được làm việc trong không khí sôi động, có cơ hội tuyển chọn VĐV”.

Giải Bóng rổ học sinh tiểu học thành phố năm nay lập kỷ lục mới về số đội tham dự với 113 đội nam, nữ góp mặt. Từ cách đây vài năm, vì có quá nhiều đội tham dự nên BTC buộc phải tổ chức vòng tuyển chọn ở khu vực - chuyện hiếm trong các giải thể thao học sinh ở Hà Nội. Tất cả đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng của môn thể thao này tại các trường học ở Hà Nội, nhất là ở các quận - vốn có nhiều trường gặp khó khăn về diện tích đất dành cho các hoạt động thể thao.

Thực tế, việc luyện tập bóng rổ chỉ cần lắp đặt 2 bảng rổ vào tường hoặc gốc cây là có thể tạo nên một sân chơi hữu ích cho học sinh, giúp các em phát triển thể chất cũng như ý thức tập thể. Thế nhưng, gần chục năm qua, môn thể thao này chưa phát triển mạnh ở các trường tiểu học, THCS ở Hà Nội. Phải đến khi nhiều trường tiểu học được doanh nghiệp cũng như Phòng Giáo dục - Đào tạo hỗ trợ lắp đặt bảng rổ thì phong trào mới phát triển nhanh chóng. Với một nền tảng mạnh như vậy nên ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc vừa qua, các đội bóng rổ THCS, THPT Hà Nội đã làm mưa làm gió khi giành tới 3 HCV, 1 HCB trong 4 nội dung thi đấu.

Không phải ngẫu nhiên khi trong thời gian tới, môn bóng rổ sẽ được định hướng là một trong những môn thể thao được tập trung phát triển trong các trường học tại Hà Nội, nhất là những trường có diện tích nhỏ. Một số đội chuyên nghiệp ở Việt Nam như Saigon Heat, Hanoi Buffaloes cũng bắt đầu chú ý đến đối tượng học sinh khi lên kế hoạch thực hiện chương trình giao lưu, hướng dẫn các em chơi bóng rổ tại một số trường nhằm khơi gợi niềm đam mê bóng rổ ở các em. Đó cũng là cơ sở để những người quản lý bóng rổ hoàn thành mục tiêu đưa bóng rổ thành môn thể thao số 2 ở Việt Nam.

Thay đổi thể thức thi đấu tại Giải Bóng rổ THCS Hà Nội từ năm học 2017-2018

Ông Nguyễn Phúc Anh - Phó phòng Thể thao quần chúng, đại diện đơn vị phụ trách chuyên môn Giải Bóng rổ THCS - THPT Hà Nội cho biết, từ năm học 2017-2018 sẽ thay đổi cách thức tổ chức giải nhằm giảm tải cho vòng chung kết cấp thành phố. Thay vì các trường THCS có thể đăng ký thi đấu trực tiếp ở giải cấp thành phố, tới đây mỗi quận, huyện, thị xã chỉ được cử 1 đội nam, 1 đội nữ THCS dự giải. Các quận, huyện, thị xã có thể tổ chức thi đấu vòng tuyển chọn hoặc tự chọn đội tham dự. Điều này giúp các đội dự vòng chung kết cấp thành phố có nhiều điều kiện cọ xát hơn, được thi đấu ít nhất 2-3 trận thay vì có thể chỉ được thi đấu đúng 1 trận theo thể thức loại trực tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ thành công của bóng rổ học đường Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.