Theo dõi Báo Hànộimới trên

Karatedo Việt Nam tìm sự đột phá

Thùy An| 21/01/2017 07:38

(HNM) - Sau khi karatedo được đưa vào chương trình thi đấu Olympic 2020, giới chuyên môn đang hy vọng những quyết định mang tính đột phá về đầu tư từ nhà quản lý thể thao để các võ sĩ Việt Nam có thể gánh vác nhiệm vụ giành huy chương Olympic cùng với bắn súng, cử tạ.



Đã có sự lạc quan trong làng thể thao Việt Nam khi karatedo góp mặt trong chương trình thi đấu Olympic 2020. Tiếng nói từ quá khứ khích lệ nhiều người khi karatedo Việt Nam từng lên ngôi cao nhất thế giới (võ sĩ Nguyễn Hoàng Ngân), cũng như ASIAD (võ sĩ Vũ Nguyệt Ánh, Lê Bích Phương) và là bộ môn có bề dày truyền thống. Ngoài ra, cơ hội giành huy chương của karatedo Việt Nam cũng rõ hơn nhiều môn khác bởi nội dung kata (biểu diễn quyền) cũng có tên trong chương trình thi đấu của Olympic 2020. Đây là thế mạnh của karatedo Việt Nam từ nhiều năm qua, gắn với cái tên Nguyễn Hoàng Ngân. Võ sĩ Hà Nội này đã lớn tuổi nên không thể tiếp tục theo nghiệp VĐV nhưng tổ kata vẫn còn hàng loạt võ sĩ trẻ đầy tiềm năng. Những người trong cuộc vẫn tin rằng các VĐV kata có thể đạt được cột mốc mới ở đấu trường Olympic nếu khâu chuẩn bị được thực hiện quyết liệt ngay từ bây giờ.

Không phải ngẫu nhiên mà từ cách đây hơn một năm, đội tuyển karatedo quốc gia đã hướng tới mục tiêu trẻ hóa lực lượng triệt để. Lứa VĐV lớn tuổi, những người thậm chí vẫn có thể thi đấu đỉnh cao thêm 1-2 năm nữa, đã nhường chỗ cho những VĐV trẻ hứa hẹn có phong độ tốt nhất vào năm 2020. Lứa VĐV nội dung đối kháng đang trong độ tuổi 18-20, trong khi lứa VĐV kata trong độ tuổi 16-18. Trong nhóm này, không ít võ sĩ từng giành huy chương ở giải trẻ thế giới, trong đó Trang Cẩm Lành giành HCB nội dung đối kháng, Lê Thị Phương, Lê Khánh Ly giành HCĐ nội dung biểu diễn quyền ở Giải Karatedo trẻ thế giới năm 2015.

Một nữ võ sĩ khác cũng đang được đánh giá cao là Nguyễn Thị Ngoan - từng giành hạng 5 ở nội dung đối kháng tại Giải vô địch Karatedo thế giới năm 2016. Như đánh giá của ông Vũ Sơn Hà, Trưởng bộ môn karatedo (Tổng cục TDTT) thì Nguyễn Thị Ngoan có tư duy thi đấu hiện đại nên dễ thích nghi với cuộc chơi ở tầm thế giới. Cũng theo ông Vũ Sơn Hà, lứa VĐV hiện nay của đội tuyển quốc gia đã bộc lộ khả năng vươn xa ở những sân chơi đỉnh cao. Hiểu theo cách khác, lứa VĐV ở đội tuyển quốc gia có thể đáp ứng yêu cầu giành huy chương Olympic. Vấn đề là họ phải được huấn luyện và đầu tư ở mức tốt nhất trong điều kiện có thể của thể thao Việt Nam.

Từ năm 2016, karatedo đã chuyển sang phương án sử dụng HLV nội. Sau khoảng 2 năm sử dụng HLV Iran, Latvia ở nhóm đối kháng, Tổng cục TDTT đã giao quyền HLV trưởng nhóm đối kháng cũng như đội tuyển quốc gia cho cựu võ sĩ Lê Tùng Dương (hiện là Phó Chủ nhiệm bộ môn karatedo - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội). Riêng nhóm VĐV quyền biểu diễn được giao cho cựu võ sĩ nổi tiếng Nguyễn Hoàng Ngân phụ trách. Tuy nhiên, Tổng cục TDTT vẫn cố gắng tìm một chuyên gia giỏi của Nhật Bản để bồi đắp chuyên môn cho VĐV. Đó cũng là vấn đề quan trọng cần giải quyết để đội tuyển thực hiện mục tiêu trước mắt là đạt thành tích tốt tại SEA Games 29 năm 2017, ASIAD năm 2018, và xa hơn là Olympic 2020.

Chúng ta cần có một chiến lược đầu tư mạnh tay, từ chế độ dinh dưỡng, tập luyện đến việc liên tục dự giải quốc tế - như cách Ngành Thể thao đã dồn công của cho Hoàng Xuân Vinh hay Nguyễn Thị Ánh Viên nhằm đạt tới mục tiêu lớn. “Để hướng tới Olympic 2020, karatedo cần nhận được sự đầu tư theo một cách đột phá từ phía Tổng cục TDTT và xã hội” - ông Vũ Sơn Hà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Karatedo Việt Nam tìm sự đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.