Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý cơ sở vật chất thể thao cấp thành phố: Phải đúng mục đích, rõ hiệu quả

Minh Quang| 17/02/2017 07:05

(HNM) - Xuống cấp, không thể khai thác hết công năng... là thực trạng của một số cơ sở vật chất thể thao do thành phố trực tiếp quản lý...

Với chủ trương xã hội hóa, Sân vận động Hàng Đẫy sẽ được Tập đoàn T&T đầu tư nâng cấp, sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa công năng của một công trình thể thao ngay tại trung tâm thành phố.Ảnh: Huy Khánh


Vẫn chuyện cơ chế và kinh phí

Ngoài SVĐ Hàng Đẫy, những cơ sở vật chất thể thao thuộc cấp thành phố quản lý, phục vụ thi đấu còn có Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức và một phần cơ sở tập luyện, thi đấu TDTT Lạc Long Quân tại khu vực hồ Tây. Trước đây, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội quản lý cả Cung Thể thao Quần Ngựa, nhưng hai năm nay, Cung Thể thao Quần Ngựa đã được chuyển về UBND quận Ba Đình quản lý, sử dụng. Những địa điểm này đều ở vị trí đắc địa, thuận tiện đi lại. Trong số đó, Sân vận động Hàng Đẫy có lịch sử 59 năm tồn tại, gắn bó với nhiều sự kiện thể thao của cả nước và Hà Nội như: Hai lần được đón Bác Hồ khi Người tới thăm, dự lễ khánh thành sân (ngày 24-8-1958) và tham dự Đại hội TDTT Thủ đô lần thứ I (5-2-1961).

SVĐ Hàng Đẫy được Tổng cục TDTT (nay là Bộ VH, TT&DL) bàn giao cho UBND TP Hà Nội vào năm 1988 và từ đó đến nay thuộc sự quản lý của Sở VH-TT Hà Nội. Trong những năm qua, SVĐ Hàng Đẫy trở thành "sân nhà" của nhiều đội bóng trên địa bàn Hà Nội tham dự các giải đấu quốc gia, quốc tế. Sự xuống cấp của sân lộ rõ trong 2-3 năm qua và đến năm 2016 xuất hiện sụt lún, đứt gãy ở điểm nối giữa các khu vực trên khán đài A, B, khiến Ban quản lý sân phải có biển báo “Khu vực nguy hiểm cấm ngồi”. Liên đoàn Bóng đá Châu Á cũng không cho CLB Hà Nội FC tổ chức các trận đấu thuộc AFC Cup 2017 tại SVĐ Hàng Đẫy với lý do không đạt chuẩn về an toàn.

SVĐ Hàng Đẫy xuống cấp không phải vấn đề mới, song việc giải quyết không đơn giản do thiếu kinh phí, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục. Trong đó chỉ riêng việc sửa chữa, giải quyết tạm thời sự xuống cấp của SVĐ Hàng Đẫy cũng tốn hàng chục tỷ đồng. Còn để SVĐ Hàng Đẫy đạt tiêu chuẩn quốc tế và khai thác hết công năng thì cần phải có sự đầu tư lớn, bài bản.

Ngoài SVĐ Hàng Đẫy, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức cũng trong cảnh tương tự. Từng được xem là “thánh địa” của các giải đấu bóng bàn nổi tiếng của Hà Nội, nhưng hiện tại, cơ sở vật chất nơi đây đã xuống cấp nghiêm trọng, dàn đèn hỏng, hệ thống điều hòa tậm tịt... Nhiều đơn vị, cá nhân rất muốn thuê để tổ chức các giải thi đấu, song đành tìm chỗ khác, vì nhà thi đấu không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về ánh sáng, không khí. Không khó để khắc phục, nếu Ban quản lý Nhà thi đấu được giao quyền tự chủ. Chính vì vậy, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức chưa thể khai thác hết công năng, trung bình mỗi tháng chỉ tổ chức được từ 2 đến 4 giải đấu. Và, hầu hết các giải đấu tại đây là các giải phong trào của Sở VH-TT Hà Nội.

Mọi người dân được thụ hưởng

Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa đã được chuyển về UBND quận Ba Đình quản lý, sử dụng.


Từ thực tế trên cho thấy, việc đầu tư, thay đổi cơ chế quản lý để các công trình thể thao đang thuộc quyền quản lý của thành phố phát huy hết công năng, trở thành điểm hẹn của người hâm mộ thể thao Thủ đô là việc làm cấp thiết. Chính vì vậy, UBND TP Hà Nội đã thí điểm giao Công ty cổ phần Tập đoàn T&T quản lý, sử dụng, vận hành SVĐ Hàng Đẫy với sự thông qua về chủ trương của Thường trực Thành ủy Hà Nội. Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng Đề án cụ thể về việc giao Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đầu tư sửa chữa, xây dựng bãi đỗ xe ngầm và vận hành, quản lý, sử dụng SVĐ Hàng Đẫy, đáp ứng các tiêu chí về SVĐ chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật, nhất là quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

Với cách làm này, thành phố sẽ không phải chi ngân sách đầu tư mà SVĐ Hàng Đẫy sẽ mang diện mạo mới, khang trang, an toàn hơn, thu hút nhiều khán giả tới sân. Cũng cần nói thêm, một trong những nguyên nhân khiến CLB Hà Nội FC dù tăng “chất” Hà Nội trong đội hình, có lối chơi bắt mắt, nhưng vẫn không thu hút được khán giả cũng bởi thi đấu trong cảnh SVĐ Hàng Đẫy quá xuống cấp, không bảo đảm các nhu cầu tối thiểu của người hâm mộ. Nhu cầu của khán giả Hà Nội giờ đã khác xưa, sẵn sàng bỏ tiền mua vé giá cao hơn để có chỗ ngồi tiện nghi, an toàn thay vì giá thấp nhưng cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Theo Giám đốc Sở VH-TT Tô Văn Động, có thể phát huy xã hội hóa, chuyển cơ sở vật chất cho các doanh nghiệp đủ khả năng tài chính quản lý, đầu tư, sử dụng đúng mục đích để phát huy hiệu quả công trình. Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Phan Anh Tú cho rằng, việc giao quản lý, sử dụng các cơ sở phục vụ thi đấu cho các CLB thể thao quản lý đang là xu hướng chung của thể thao thế giới. Nhờ đó, mọi vấn đề về cơ sở vật chất sẽ được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, không lãng phí.

Dĩ nhiên, sự đầu tư này phải giúp ích cho sự nghiệp thể thao, để mọi người dân cùng được hưởng lợi, chứ không được sử dụng sai mục đích. Đấy mới là đích đến cuối cùng trong câu chuyện thí điểm giao cơ sở vật chất thể thao cho các doanh nghiệp, CLB thể thao quản lý. Bởi vậy, rất cần những tính toán cụ thể của các cơ quan chức năng để người dân Thủ đô cùng được hưởng lợi, cũng như việc cam kết phục vụ sự nghiệp thể thao thành phố phải được đơn vị giao quản lý thực hiện nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý cơ sở vật chất thể thao cấp thành phố: Phải đúng mục đích, rõ hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.