Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung đầu tư cho các môn Olympic

Minh Quang| 25/03/2017 08:21

(HNM) - Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, thành tích thi đấu của vận động viên dự thi các môn thể thao có trong chương trình Olympic tại SEA Games 29 diễn ra vào tháng 8-2017 ở Malaysia sẽ là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ thành công của đoàn thể thao Việt Nam.


"Ao làng" nhưng... quan trọng

Từ trước đến nay, SEA Games vẫn nổi tiếng chuyện không thống nhất về chương trình thi đấu. Danh sách các môn và nội dung thi đấu thay đổi liên tục qua các kỳ SEA Games, phụ thuộc vào ý chí và điều kiện của nước chủ nhà. Rõ nhất là trường hợp môn vật - môn thể thao luôn có trong chương trình thi đấu ở Olympic. Tại SEA Games 27, môn vật có trong chương trình thi đấu, nhưng ở hai kỳ SEA Games tiếp theo - sẽ diễn ra tại Singapore và Malaysia, môn thế mạnh của thể thao Việt Nam này không có trong danh sách thi đấu dù nước chủ nhà đủ điều kiện tổ chức. Ở một số môn thi đấu khác, nhất là một số môn võ, cách điều hành của trọng tài cũng gây điều tiếng, khiến đại hội thể thao khu vực này không được đánh giá cao chất lượng chuyên môn và cách thức tổ chức, bị coi là “ao làng”.

Dù vậy, SEA Games vẫn là đại hội thể thao được các quốc gia trong khu vực quan tâm bởi ở đó có nhiều môn thể thao đã vươn tầm thế giới cũng như châu lục, việc giành được huy chương là rất khó khăn. Chẳng hạn như với môn cử tạ, dù có những đô cử rất mạnh nhưng các vận động viên (VĐV) Việt Nam chưa bao giờ giành được quá 2 HCV ở một kỳ SEA Games bởi ở môn này, các VĐV Thái Lan đã vươn tầm Olympic từ rất lâu.

Còn ở môn cầu lông, những tay vợt trong đội tuyển Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều có trình độ hàng đầu thế giới - điều khiến các tay vợt Việt Nam chưa bao giờ bước lên ngôi vô địch SEA Games. Ở môn bóng bàn, những tay vợt người Singapore và Thái Lan luôn "làm mưa làm gió" nên VĐV đội tuyển Việt Nam thường chỉ có thể hướng tới mục tiêu giành HCB, HCĐ. Môn bơi cũng vậy, dù được đầu tư mạnh trong thời gian gần đây, đã có được lứa VĐV giàu triển vọng nhưng chúng ta vẫn thua xa Singapore.

Kể ra như vậy để thấy rằng SEA Games vẫn là sân chơi mà thể thao Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều, phải gắng sức chứ không phải cứ muốn là có thể giành huy chương. Trong thực tế, mỗi tấm huy chương ở đấu trường này còn mang ý nghĩa tạo động lực, là niềm cảm hứng để nhiều địa phương duy trì, phát triển hệ thống đào tạo VĐV trẻ, qua đó tạo nguồn cho thể thao Việt Nam hướng tới những mục tiêu xa hơn. Đó là những giá trị ít được chú ý, dẫn đến tâm lý coi nhẹ một đấu trường là đòn bẩy cho sự phát triển của thể thao Việt Nam và dần tiệm cận trình độ hàng đầu thế giới.

Ưu tiên cho các môn Olympic

Định hướng của thể thao Việt Nam trong những năm gần đây là tập trung đầu tư cho VĐV thuộc các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD, đặc biệt là với những môn mà VĐV có thể góp mặt tại Olympic hoặc giành huy chương. Đây là định hướng đúng để khẳng định vị thế cũng như sự phát triển của thể thao Việt Nam. Tấm HCV và HCB tại Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là kết quả cụ thể của định hướng này.

Bởi vậy, như khẳng định của Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, tại SEA Games 29, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành càng nhiều HCV tại những môn thể thao Olympic càng tốt. Cơ sở để hy vọng chính là thành công của VĐV Việt Nam ở nhiều môn Olympic tại SEA Games 28. Trong số này, VĐV điền kinh, bơi, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, boxing nữ… đã khẳng định được vị thế hàng đầu khu vực.

Tất nhiên, để VĐV các môn Olympic hoàn thành nhiệm vụ thì cần phải có sự đầu tư nhất định. Trong danh sách HLV, VĐV được đầu tư trọng điểm trong năm 2017, cả 14 HLV và 53/56 VĐV đều thuộc nhóm môn Olympic. Hầu hết số VĐV này sẽ tham dự SEA Games và đều trong nhóm có thể giành HCV. Trong năm 2017, môn bắn súng nhận được mức đầu tư cao nhất trong số các bộ môn. Theo đó, đến hết tháng 3 này, các xạ thủ ở đội tuyển quốc gia sẽ có đủ đạn tập trong cả năm 2017 thay vì phải “tập chay”, đủ điều kiện cần thiết để đạt thành tích tốt tại SEA Games 29, nơi VĐV bắn súng được kỳ vọng giành 6-8 HCV.

Không chỉ có bắn súng được đầu tư một cách bài bản. Kế hoạch thi đấu quốc tế dành cho những VĐV hàng đầu ở môn điền kinh như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch cũng đã được vạch ra để bù đắp cho việc bộ đôi này không tiếp tục tập huấn dài hạn tại Mỹ. Ở môn đấu kiếm, kiếm thủ số 1 ở nội dung kiếm chém dành cho nam - Vũ Thành An được tạo điều kiện đi tập huấn ở nước ngoài trong cả tháng 4 và 5.
Thực tế cho thấy, thể thao Việt Nam đang hướng tới mục tiêu ASIAD, Olympic với những giải pháp đầu tư căn cơ, bài bản. Theo cách này, SEA Games vẫn là một sân chơi không thể thiếu, là bệ phóng hướng tới những mục tiêu cao hơn của thể thao Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung đầu tư cho các môn Olympic

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.