Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đích xa của cung thủ Việt

Hà Nhật| 07/04/2017 10:36

(HNM) - Sau thành công của cung thủ Lộc Thị Đào và đội nữ tại Cúp bắn cung Châu Á 2017, bắn cung Việt Nam đã có thể nghĩ đến những mục tiêu cao hơn như tấm huy chương ASIAD...


Cung thủ Lộc Thị Đào giành HCV châu lục đầu tiên cho bắn cung Việt Nam.


Cú đột phá mang tên Lộc Thị Đào

Vài năm gần đây, cái tên Lộc Thị Đào luôn được nhắc đến trong làng bắn cung Việt Nam. Nữ cung thủ người Tày, quê ở Bắc Giang nhưng đang đầu quân cho đội bắn cung Hà Nội này được kỳ vọng nhiều bởi tài năng, sự đam mê và ý thức chuyên nghiệp. Năm 2007, khi mới 14 tuổi, cô bé Lộc Thị Đào đã chia tay gia đình ở vùng quê nghèo tại Bắc Giang để đến với với thể thao Hà Nội. Nhiều bộ môn đã sẵn sàng đón nhận cô những cuối cùng, cô lại gắn duyên với bắn cung. Ở đó, cô đã nếm trải không ít thất bại và cả thành công.

Cách đây 2 năm, tấm HCV đồng đội và HCB cá nhân nội dung Cung 1 dây ở SEA Games 28 tại Singapore của cô đã khiến nhiều người tin rằng Lộc Thị Đào còn vươn xa. Quả thực, đến giải vô địch bắn cung Châu Á năm 2015 và cũng là vòng loại Olympic 2016, suýt nữa Lộc Thị Đào tạo nên dấu mốc mới cho bắn cung Việt Nam. Tại giải đó, cô xếp thứ tư tại nội dung Cung 1 dây, cách vị trí tham dự Olympic 2016 đúng 1 thứ bậc. Nếu may mắn, cô đã trở thành cung thủ Việt Nam đầu tiên giành vé tham dự Olympic, để cụ thể hóa ước mơ hằng đeo đuổi từ khi theo nghiệp “cung- tên”. Thất bại đó mang lại không ít tiếc nuối cho cô lẫn những nhà quản lý, HLV, bởi chưa bao giờ bắn cung Việt Nam gần tấm vé dự Olympic đến như vậy. Nhưng sau thất bại đó, vẫn có sự lạc quan bởi Lộc Thị Đào mới 22 tuổi, chưa đến độ "chín" nhất của đời VĐV và quan trọng là vẫn nguyên khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong sự nghiệp.

Hai năm sau, Cúp bắn cung Châu Á 2017 cũng được tổ chức tại Thái Lan. Chính ở địa điểm thi đấu từng thất bại đau đớn ấy, Lộc Thị Đào đã tạo nên dấu mốc mới cho bắn cung Việt Nam bằng chức vô địch nội dung sở trường Cung 1 dây. Chiến thắng nghẹt thở ở trận chung kết trước cung thủ vừa giành HCĐ đồng đội tại Olympic 2016 Lin Shih Chia (Đài Loan, Trung Quốc) đã đưa cô tiến thêm một nấc trong sự nghiệp, còn bắn cung Việt Nam lần đầu tiên có chức vô địch ở một giải đấu cấp châu lục. Nhờ đó, bắn cung Việt Nam mới có thể nghĩ đến những mục tiêu tiếp theo như tranh chấp huy chương ở giải vô địch bắn cung Châu Á hay ASIAD và xa hơn là giành vé dự Olympic.

Tiến xa đến đâu?

Trong danh sách VĐV được Tổng cục TDTT đầu tư trọng điểm năm 2017, có 2 VĐV bắn cung góp mặt là Lộc Thị Đào và Nguyễn Tiến Cương. Cả hai đều là VĐV Hà Nội, cùng có khả năng tranh chấp huy chương châu lục. So với một số môn khác, số VĐV bắn cung không nhiều. Dễ nhận thấy mặt bằng chung của bắn cung Việt Nam so với khu vực Đông Nam Á và châu lục còn khiêm tốn, nhưng chỉ cần 1 trong 2 VĐV trọng điểm này đưa bắn cung Việt Nam đến các cột mốc mới thì vị thế của bắn cung Việt Nam sẽ khác.

Chủ nhiệm bộ môn bắn cung Hà Nội Bùi Văn Cường khẳng định: ”Nguyễn Tiến Cương và đặc biệt là Lộc Thị Đào vẫn có thể tiến xa. Trong số này, Lộc Thị Đào vẫn chưa đến đỉnh sự nghiệp, vẫn còn quãng thời gian dài phía trước để phát triển tài năng. Ngoài sự đầu tư của Tổng cục TDTT, bộ môn bắn cung Hà Nội cũng đang dành những điều kiện tốt nhất để cả hai thể hiện khả năng”.

Đúng là trong gia đoạn này, những Lộc Thị Đào hay Nguyễn Tiến Cương không phải lo nghĩ quá nhiều về chuyện “cơm áo gạo tiền” khi nhận được mức thu nhập tương đối so với nhiều VĐV. Ngành thể thao, từ Tổng cục TDTT đến Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, đang đầu tư tối đa cho họ, giờ họ chỉ cần chuyên tâm giải quyết những vấn đề chuyên môn. Lộc Thị Đào từng kể rằng, những chuyến tập huấn tại Hàn Quốc – cường quốc về bắn cung trên thế giới - đã giúp kỹ năng xử lý tình huống của cô phát triển rất nhiều. Nhờ vậy, cô tự tin hơn trong từng đường tên.


Dù vậy, trong điều kiện có hạn của ngành thể thao, Lộc Thị Đào và những cung thủ khác cũng không thể mong được đầu tư như nhiều VĐV hàng đầu thế giới khác. Chỉ riêng chuyện có 2 bộ cung, trong đó có 1 bộ để dự phòng khi thi đấu quốc tế, cũng đang là chuyện "xa xỉ" với họ. Ở đây, phải trông vào các nguồn lực xã hội hóa, nhất là khi phong trào bắn cung đang phát triển ở nhiều địa phương. Có như vậy, mục tiêu vươn tầm ở sân chơi ASIAD 2018 cũng như giành vé dự Olympic 2020, xa hơn có thể là giành huy chương Olympic, mới trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đích xa của cung thủ Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.