Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bi sắt Hà Nội: “Liệu cơm gắp mắm”

Minh An| 11/06/2017 07:22

(HNM) - Đầu tháng 6 này, đội tuyển Bi sắt quốc gia đã tập trung tại Hà Nội để chuẩn bị cho SEA Games 29 diễn ra vào tháng 8-2017.

Trong danh sách đội tuyển, Câu lạc bộ Bi sắt Hà Nội đóng góp nhiều vận động viên nhất - 4 người. Ở thời điểm hiện tại, đó là sự khích lệ lớn đối với bi sắt Hà Nội, bởi để đạt được thành quả đó, họ đã phải "liệu cơm gắp mắm", cố gắng để hoàn thành mục tiêu...

Trong hơn 10 năm gây dựng và phát triển, bi sắt Hà Nội từng sở hữu những lứa vận động viên tài năng. Nhưng theo quy luật thể thao và vì những lý do khách quan, nhiều người đã phải chia tay với sự nghiệp thi đấu đỉnh cao.

Mỗi lần có vận động viên giỏi nghỉ thi đấu, Câu lạc bộ Bi sắt Hà Nội phải mất vài năm để có thể đào tạo một vận động viên có đủ khả năng thay thế. Đó là việc không đơn giản, tuy nhiên, nhờ hệ thống đào tạo của bi sắt Hà Nội được xây dựng bài bản trong nhiều năm, các vận động viên được cả huấn luyện viên nội và chuyên gia Thái Lan dẫn dắt, được tham gia các chuyến tập huấn tại Thái Lan nên đã trưởng thành nhanh chóng. Cũng nhờ cách đi này mà đến nay, các huấn luyện viên nội của Hà Nội đã nhanh chóng hoàn thiện chuyên môn để có thể tự tin gánh vác nhiệm vụ huấn luyện.

Thời gian qua, ngoài xây dựng, hoàn thiện và vận hành hệ thống đào tạo một cách bài bản, bi sắt Hà Nội đã tìm nhiều cách để chiêu mộ vận động viên giỏi. Một trong những cách đó là thu nhận vận động viên năng khiếu, có tố chất tốt của các tỉnh, thành phố khác. Hiện tại, câu lạc bộ cũng đang sở hữu vận động viên Nguyễn Văn Dũng (cựu vận động viên Đồng Tháp), người đã có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 29.

Trong 2-3 năm gần đây, nguồn kinh phí đầu tư cho các môn thể thao ở Hà Nội nói chung và bi sắt nói riêng gặp khó khăn nhất định, lực lượng tại các tuyến vận động viên của bi sắt Hà Nội không dồi dào như trước. Nhà quản lý và các huấn luyện viên Câu lạc bộ Bi sắt Hà Nội phải “liệu cơm gắp mắm” để đầu tư một cách hiệu quả nhất. Nếu không biết khơi dậy sự yêu nghề của vận động viên cũng như không khéo giữ thành tích để tạo cảm hứng cho câu lạc bộ thì nguy cơ sa sút là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Chính vì vậy, tại mỗi cuộc đấu ở giải vô địch quốc gia là một lần người có trách nhiệm phải tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm có thành tích. Như ở Giải Vô địch Bi sắt toàn quốc 2017 vừa qua, lãnh đạo và huấn luyện viên Câu lạc bộ Bi sắt Hà Nội chỉ nhắm đến nội dung bộ ba nữ và thi kỹ thuật của nam. Nếu thành công ở hai nội dung này thì căn cứ theo tiêu chí tính điểm từ thành tích tại các giải đấu để xét vào đội tuyển quốc gia, Hà Nội sẽ có 4 vận động viên được tham dự SEA Games 29. Cuối cùng, mục tiêu đề ra đã hoàn thành một cách ngoạn mục khi đội Hà Nội giành chức vô địch ở nội dung bộ ba nữ và vận động viên Nguyễn Văn Dũng giành ngôi á quân ở nội dung kỹ thuật nam.

Theo ông Đặng Xuân Vui, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bi sắt Hà Nội, sự thay đổi về mức thưởng dành cho huấn luyện viên và vận động viên Hà Nội tại các giải đấu thể thao được áp dụng từ đầu năm nay đã góp phần tạo động lực để vận động viên nỗ lực hơn trong tập luyện và thi đấu. Tuy nhiên, khó khăn về chế độ đãi ngộ, điều kiện sinh hoạt vẫn còn đó. Trước mắt, thầy và trò ở Câu lạc bộ Bi sắt Hà Nội cần động viên nhau vượt khó. Tất cả cùng phấn đấu để làm rạng rỡ thể thao Thủ đô khi SEA Games 29 cũng như Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018 - do Hà Nội đăng cai tổ chức - đã ở khá gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bi sắt Hà Nội: “Liệu cơm gắp mắm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.