Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những đóng góp thầm lặng

Minh Quang| 21/06/2017 06:59

(HNM) - Với vị thế là trung tâm thể thao hàng đầu của cả nước, thể thao Hà Nội đang chuẩn bị những điều tốt nhất và đã có không ít đóng góp thầm lặng cho Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games lần thứ 29 - sự kiện lớn nhất với thể thao Việt Nam trong năm 2017.


Chia "gánh nặng" với Đoàn thể thao Việt Nam

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Phan Anh Tú chia sẻ, đóng góp của thể thao Hà Nội cho Đoàn thể thao Việt Nam không chỉ ở số vận động viên, huấn luyện viên, số huy chương (thường 25% đến 30% trên tổng số thành viên cũng như huy chương tại SEA Games) mà còn ở nhiều mảng việc khác khó nhìn thấy. Đó là sự hỗ trợ về cơ sở vật chất với hệ thống sân bãi đạt chuẩn quốc tế, là sự chia sẻ kinh phí về tập huấn, thi đấu quốc tế để chuẩn bị cho giải đấu…

Đội tuyển Bi sắt Việt Nam tập luyện tại sân tập của Câu lạc bộ Bi sắt Hà Nội để chuẩn bị cho Seagames 29. Ảnh: Đặng Xuân


Câu lạc bộ Kiếm quốc tế Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) là một trong những đơn vị nổi bật về sự đóng góp với thể thao Việt Nam trong các giải đấu lớn. Như mọi kỳ chuẩn bị Olympic, ASIAD hay SEA Games trong 7-8 năm gần đây, lần này câu lạc bộ vẫn là “điểm hẹn” của đội tuyển Kiếm quốc tế Việt Nam.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiếm quốc tế Hà Nội Phạm Anh Tuấn chia sẻ: "Chúng tôi may mắn được đầu tư cơ sở tập luyện tốt nhất Việt Nam hiện nay. Vì vậy, khi đội tuyển quốc gia cần, câu lạc bộ có trách nhiệm cùng chia sẻ. Không kể, lực lượng vận động viên Kiếm quốc tế Hà Nội luôn chiếm ít nhất 2/3 thành phần đội tuyển quốc gia nên việc làm này cũng là giúp cho chính vận động viên của mình”. Trong kỳ SEA Games tới, nếu không có thay đổi, Kiếm quốc tế Hà Nội sẽ đóng góp 9/12 vận động viên cho đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Kiếm quốc tế Hà Nội cũng chia sẻ với Tổng cục Thể dục thể thao nguồn kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế, dù mức kinh phí được cấp cũng chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu của câu lạc bộ.

Bên cạnh đó, cơ sở tập luyện các môn khác như bóng bàn, bi sắt, wushu… ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội cũng trở thành địa điểm tập trung cho đội tuyển quốc gia những môn này trong quá trình chuẩn bị SEA Games 29. Ở đây, đội tuyển quốc gia được ưu tiên giờ tập phù hợp nhất để đáp ứng yêu cầu thi đấu.

Còn Câu lạc bộ Taekwondo Hà Nội lại có đóng góp dưới góc độ khác. Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Taekwondo Hà Nội Đào Quốc Thắng, ngoài việc tham gia tổ chức thi đấu giao hữu giữa đội tuyển Taekwondo quốc gia với các võ sĩ hàng đầu Hà Nội thì câu lạc bộ đã hỗ trợ toàn bộ hệ thống chấm điểm điện tử, giáp điện tử cũng như trọng tài quốc tế của Hà Nội trong các cuộc thi đấu giao hữu và các buổi tập của đội tuyển.

Vượt khó vì mục tiêu chung

Có thể khẳng định, những đóng góp thầm lặng của thể thao Hà Nội cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games tới là không thể đo đếm. Tuy vậy, vẫn còn không ít khó khăn khiến thể thao Hà Nội chưa thể đóng góp nhiều hơn nữa. Rõ nhất vẫn là tình trạng thiếu trang thiết bị tập luyện, thi đấu ở một số đội tuyển quốc gia như bắn súng, kiếm quốc tế, pencak silat. Đây cũng là tình trạng chung của những môn này ở Hà Nội. Song, không vì thế mà vơi đi sự chia sẻ của thể thao Hà Nội. Trong năm qua, đội tuyển Kiếm quốc tế Việt Nam không được cấp thiết bị luyện tập, nhưng Câu lạc bộ Kiếm quốc tế Hà Nội vẫn “tạm ứng” kiếm tập cho đội tuyển, dù vận động viên của Hà Nội cũng thiếu kiếm tập luyện... Sự nỗ lực này hướng đến mục tiêu vì thành tích chung của đội tuyển quốc gia.

Và tất nhiên, điều này cũng sẽ ít nhiều tác động đến mục tiêu của thể thao Hà Nội tại SEA Games tới. Hai năm trước, tại SEA Games 28, thể thao Hà Nội giành tổng cộng 68 huy chương, bao gồm 25 huy chương vàng, 18 huy chương bạc, 25 huy chương đồng, đóng góp tới 34,25% tổng số huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, tại kỳ SEA Games lần thứ 29 này đã xuất hiện một số khó khăn khách quan, trong đó nhiều nội dung thế mạnh của thể thao Việt Nam cũng như Hà Nội như cử tạ nữ hay nội dung đồng đội của môn kiếm quốc tế sẽ không có trong nội dung thi đấu… Vậy nên, kỳ SEA Games 29 này sẽ có nhiều thách thức với thể thao Hà Nội. Dự báo, thể thao Hà Nội chỉ có thể đóng góp từ 25 đến 30% tổng số huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam.

Tuy còn gặp khó khăn, nhưng như nhiều huấn luyện viên Hà Nội chia sẻ thì may mắn là từ đầu năm 2017, thể thao Hà Nội được áp dụng chế độ thưởng mới, với mức lớn hơn cả đội tuyển quốc gia nên nhiều vận động viên có động lực tập luyện, cống hiến hơn trước đây. Nhưng rõ ràng, để duy trì được vị thế hàng đầu của cả nước cũng không phải dễ thực hiện, vấn đề không chỉ nằm ở chuyện tiền thưởng mà còn cần đến nghị lực và ý thức trách nhiệm của các vận động viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những đóng góp thầm lặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.