Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp lửa đam mê

Minh Quang| 23/09/2017 07:23

(HNM) - Cách đây ít ngày, Ban tổ chức Giải Bóng đá phong trào ngoại hạng - Saigon Special lần thứ 5 - năm 2017 đã tổ chức họp báo giới thiệu về mùa giải. Những người tổ chức sự kiện thể thao phong trào ý nghĩa này đã khẳng định một điều, họ hoàn toàn có thể chia sẻ công việc phát triển thể thao cộng đồng


Một pha tranh tài tại Giải Bóng đá phong trào ngoại hạng - Saigon Special. Ảnh: Hoàng Anh Tuấn


Biến ý tưởng thành hiện thực

Hiện tại, Phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) tổ chức hàng chục giải thể thao phong trào/năm; mỗi Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận, huyện, thị xã tổ chức trung bình khoảng 20 giải/năm. Thế nhưng, hơn 600 giải đấu cấp thành phố, quận, huyện, thị xã tưởng nhiều song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Đó là chưa kể cách thức tổ chức giải đấu thiếu sự sáng tạo, sức hấp dẫn còn hạn chế do nguồn lực có hạn và hầu hết Liên đoàn thể thao tại Hà Nội chưa phát huy được vai trò, khả năng. Chính vì vậy, nhiều khi các doanh nghiệp hoặc cá nhân tự đứng ra tổ chức giải là vì đam mê, mong muốn người Hà Nội có thêm sân chơi thể thao hấp dẫn.

Ban tổ chức Giải Bóng đá phong trào ngoại hạng - Saigon Special lần thứ 5 - năm 2017 cho biết việc triển khai ý tưởng không dễ dàng. Dẫu vậy, họ vẫn quyết tâm thực hiện dù gặp không ít khó khăn trong khâu xin tài trợ cho giải đấu. Với cách làm mới mẻ, chuyên nghiệp là tổ chức thi đấu vòng tròn vào các ngày cuối tuần thay vì thi đấu trong một khoảng thời gian ngắn nên chỉ đến mùa giải thứ hai là nhà tài trợ đã tìm đến. Việc Liên đoàn Bóng đá Hà Nội đồng hành với Ban tổ chức giúp giải có được tính chính danh, thuận lợi cho công tác điều hành. Trung bình mỗi vòng đấu của giải có từ 7.000 đến 8.000 khán giả đến sân; địa điểm thi đấu được chuyển về Sân bóng đá Bộ Công an để đáp ứng nhu cầu theo dõi của đông đảo người hâm mộ. Phó ban Tổ chức giải đấu Dương Thanh Liêm chia sẻ: “Sự đồng hành của các nhà tài trợ, Liên đoàn Bóng đá Hà Nội đã giúp giải đấu phát triển. Hiện nay, giải đã có quy mô toàn miền Bắc chứ không chỉ là cuộc đua tranh của những đội bóng tại Hà Nội”.

Ở môn điền kinh, người Hà Nội đang “sôi sục” với các giải chạy do nhóm “Chạy vì mình” tổ chức, trong đó nổi bật vai trò của Phạm Duy Cường, người Việt Nam đầu tiên chinh phục giải đấu được ghi nhận trong Sách kỷ lục Guinness là “Cuộc thi marathon cao nhất trên thế giới” - trên đỉnh Everest. Vốn đam mê chạy bộ, Phạm Duy Cường mong muốn phổ biến môn chạy tới nhiều người. Thông điệp của anh đơn giản nhưng giàu ý nghĩa: “Món quà lớn nhất mà bạn trao cho gia đình là chính mình khỏe mạnh”. Anh lập nhóm “Chạy vì mình” và tổ chức hàng loạt cuộc chạy ở Hà Nội, trên những cung đường khác nhau. Điển hình như “Hồ Tây trong tầm chân”, “Long Biên run”, “Hồ Gươm - nơi tình yêu bắt đầu”, “Song Hồ Half Marathon”... và gần đây nhất là “Hoàng thành Half Marathon - Dấu chân Kinh kỳ” - sự kiện gây tiếng vang trong cộng đồng người chạy bộ tại Việt Nam.

Ở sự kiện “Hoàng thành Half Marathon - Dấu chân Kinh kỳ”, dự kiến chỉ có khoảng 100 - 200 người tham gia nhưng cuối cùng là gần 1.000 người đăng ký tham dự cuộc chạy không mất phí này. Hiện tại, nhóm “Chạy vì mình” của Phạm Duy Cường đang xây dựng kế hoạch tổ chức đường chạy “Hồng Hà Half Marathon - Ký ức vẹn nguyên”. Lần này, dù Ban tổ chức muốn giới hạn khoảng 200 - 300 người tham dự nhưng tới giờ đã có vài trăm người “xếp hàng” chờ được điền vào danh sách.

Chủ động tìm đến với nhau

Trong năm 2018, mục tiêu lớn nhất của nhóm “Chạy vì mình” là tổ chức một giải marathon tại Hà Nội. Từng tham dự các giải marathon ở nhiều quốc gia nên Phạm Duy Cường thấu hiểu sức lan tỏa của những giải chạy kiểu này. Vì vậy, anh luôn đau đáu: “Tại sao Hà Nội không thể tổ chức một giải marathon với nhiều cự ly thi đấu như các quốc gia khác?”.

Phạm Duy Cường nảy ra ý tưởng về đường chạy “Ha Noi marathon 2018”, trong đó có cả cung đường trong khu phố cổ Hà Nội. Anh hồ hởi khi biết nhóm của mình có cơ hội phối hợp với Liên đoàn Điền kinh Hà Nội và Phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội). Đề cập đến chuyện này, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Hà Nội Lại Phúc Lộc khẳng định sẽ hỗ trợ để cùng thực hiện giải đấu có ích cho cộng đồng, có khả năng thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài. Một Hà Nội đang cần thu hút khách du lịch sẽ không thể thiếu các giải đấu thể thao thường niên có quy mô đủ lớn với những cung đường chạy phong phú.

Ông Đinh Văn Luyến, Trưởng phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) nhận xét: “Sự xuất hiện của nhiều cá nhân muốn đóng góp cho cộng đồng thông qua việc tổ chức các giải thể thao là điều đáng trân trọng. Không chỉ bóng đá, chạy bộ mà các môn khác như bơi, cầu lông, bóng bàn, taekwondo, bóng rổ… cũng được nhiều doanh nghiệp, cá nhân quan tâm, đứng ra tổ chức các giải đấu. Chính họ đang giúp đời sống thể thao phong trào ngày càng sôi động, cuốn hút người dân. Chúng tôi luôn ủng hộ khi nhận được đề nghị giúp đỡ, hỗ trợ. Đơn giản bởi đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thể thao”.

Như thế là đã rõ, cả Liên đoàn thể thao và các cơ quan quản lý thể thao đều sẵn lòng “tiếp lửa” cho những người muốn đóng góp nhằm tạo nên những sân chơi thể thao bổ ích, vì một cộng đồng khỏe mạnh. Vấn đề còn lại chỉ là sự chủ động tìm đến với nhau từ cả hai phía.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp lửa đam mê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.