Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư chiều sâu cho thể thao người khuyết tật

Mai Hoa| 07/07/2018 06:25

(HNM) - Quan tâm đầu tư chiều sâu cho thể thao người khuyết tật dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Châu Á (ASIAN Para Games) năm 2018 là nhiệm vụ đáng chú ý của Thể thao Việt Nam. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam Vũ Thế Phiệt đã có cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này.

Đội tuyển bơi người khuyết tật Việt Nam tham dự giải World Series 2018 tại Mexico. Ảnh: Hồng Thắng



- Chỉ còn 3 tháng nữa là sân chơi thể thao lớn nhất châu lục dành cho người khuyết tật sẽ được tổ chức. Chương trình thi đấu của Đại hội kỳ này có gì đặc biệt, thưa ông?

- ASIAN Para Games được tổ chức 4 năm/lần, thường là sau khi Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) kết thúc. Đây là sự kiện thể thao mang đậm tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm đời sống tinh thần của những người khuyết tật về thể chất. Kỳ này, Đại hội do Indonesia đăng cai, sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 23-10 với 18 môn thi, trong đó có một số môn tương đối khó với Việt Nam như đấu kiếm, đua xe đạp - những môn hiện chúng ta không có vận động viên đủ khả năng tham gia.

- Vậy ông có thể cho biết đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ cử lực lượng tranh tài ở những môn nào?

- Việt Nam dự kiến tham gia 7 môn, gồm: Điền kinh, bơi lội, cử tạ, cờ vua, bóng bàn, cầu lông và judo. Nhưng số lượng cụ thể sẽ phụ thuộc vào trình độ của vận động viên và khả năng đầu tư của chúng ta. Bởi nhiều môn của Đại hội đòi hỏi các vận động viên phải trải qua vòng loại để tính điểm, nếu chúng ta không cử vận động viên dự các giải này, hoặc nếu cử đi nhưng vận động viên thi đấu không thành công thì họ sẽ không được góp mặt tại Đại hội. Đơn cử như môn cử tạ, mỗi hạng cân chỉ lấy 8 vận động viên nữ và 11 vận động viên nam. Vì vậy, rất khó giành suất tham dự. Các môn khác như bóng bàn, cầu lông... đều phải xét chỉ số xếp hạng cá nhân qua các giải quốc tế. Vì vậy, môn nào kinh phí đầu tư eo hẹp, vận động viên không được đi thi đấu quốc tế nhiều thì sẽ rất thiệt thòi cho họ.

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về quá trình chuẩn bị của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tính đến thời điểm này?

- Với các nội dung thi đấu trọng điểm của điền kinh, bơi lội, cử tạ, chúng tôi đã đề nghị Tổng cục Thể dục thể thao cho các em trong đội tuyển tập huấn từ tháng 2-2018 và đi thi lấy điểm trong các giải cúp thế giới, cụ thể: Đội tuyển bơi thi đấu tại Mexico, điền kinh đi Thượng Hải (Trung Quốc), cử tạ chuẩn bị đi Nhật Bản... Với môn cờ vua, cầu lông, judo... các vận động viên cũng đang được tập huấn tại các địa phương. Dự kiến từ ngày 15-7, các vận động viên trọng điểm sẽ về nước tập trung tập huấn với khối lượng luyện tập cao đến khi đi thi đấu.

- Ông có thể dự đoán về số lượng vận động viên Việt Nam đạt chuẩn dự Đại hội? Với thể thao người khuyết tật, chúng ta thường không đặt chỉ tiêu để tránh gây áp lực cho vận động viên, nhưng theo ông, chúng ta có thể có Huy chương vàng ở sân chơi châu lục không?

- Căn cứ kết quả thi đấu và trình độ của các vận động viên, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự kiến có hơn 50 người đạt chuẩn tham dự Đại hội. Trong đó, với chỉ số thành tích của các vận động viên điền kinh, bơi lội, cử tạ... qua các giải thế giới năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tôi tin Việt Nam sẽ có huy chương, thậm chí là Huy chương vàng. Các môn còn lại thì khó có thể nói trước vì còn phụ thuộc vào kết quả bốc thăm, thể trạng vận động viên ở thời điểm thi đấu..., nhưng nhìn chung, chúng ta có cơ hội vào sâu vì lực lượng vận động viên cử đi đều rất tinh nhuệ.

- Không có kinh phí để cử nhiều vận động viên đi thi đấu tích điểm, dẫn đến việc không có nhiều vận động viên được dự Đại hội, liệu có phải vẫn là chuyện “cái khó bó cái khôn”, thưa ông?

- Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã phát triển 20 năm, đã tham dự các giải lớn và có nhiều huy chương, thu hút sự quan tâm của cộng đồng thể thao người khuyết tật thế giới. Nhưng lực lượng của chúng ta rất mỏng, thiếu sự đầu tư có chiều sâu ở địa phương... Vì vậy, tuy chúng ta có vận động viên giỏi nhưng số lượng vận động viên đạt tầm Châu Á và thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi mong thể thao người khuyết tật sẽ được nhiều địa phương quan tâm hơn trong thời gian tới, bởi địa phương phát triển mạnh thì mới có thể cung cấp lực lượng dồi dào cho các đội tuyển quốc gia. Bên cạnh đó, công tác đào tạo huấn luyện viên, trọng tài, hướng dẫn viên cũng phải được đặc biệt lưu ý, đặc biệt về trình độ ngoại ngữ để tăng cường giao lưu và hội nhập.

- Hiệp hội Paralympic Việt Nam sẽ có giải pháp gì để Thể thao người khuyết tật Việt Nam được quan tâm đầu tư nhiều hơn?

- Hiệp hội được Nhà nước giao nhiệm vụ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức các cuộc thi cho người khuyết tật. Tôi nghĩ giải pháp quan trọng nhất vẫn là quan tâm đầu tư cho thể thao người khuyết tật, bởi tuy gần đây chúng ta có chú ý hơn về việc này nhưng phải nói thẳng là chưa đủ mức. Phải có chính sách phát triển thể thao người khuyết tật ngay từ địa phương. Hiệp hội đã vận động nhiều nguồn, nhưng chúng ta chỉ tìm được các nhà tài trợ theo sự kiện, thiếu bài bản. Chúng ta rất thiếu nguồn tài trợ có chiều sâu, lâu dài, đặc biệt là những nguồn đầu tư trực tiếp về dinh dưỡng và sinh hoạt phí cho vận động viên người khuyết tật.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư chiều sâu cho thể thao người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.