Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôn vinh, lan tỏa giá trị võ cổ truyền Việt Nam

Mai Hoa| 25/08/2018 07:54

(HNM) - Hôm nay (25-8), tại Hà Nội, các cuộc tranh tài trong khuôn khổ Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam năm 2018 sẽ khép lại.

Hơn cả chuyện thứ hạng, tranh chấp huy chương, giá trị lớn nhất của sự kiện thể thao này là "tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa võ cổ truyền Việt Nam" - như khẳng định của Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang.

Một buổi luyện tập võ cổ truyền. Ảnh: Sơn Hà


- Ông có thể chia sẻ đôi điều về tên gọi “Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam”?

- Võ cổ truyền Việt Nam ra đời, tồn tại, phát triển song hành cùng quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Điều đặc biệt là võ cổ truyền Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới, đến nay đã có mặt tại 55 quốc gia ở cả năm châu. Trong đà phát triển đó, Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam đã được thành lập vào ngày 8-8-2015, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quảng bá võ cổ truyền trong nước cũng như quốc tế. Và, Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức chính là để tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa võ cổ truyền Việt Nam. Hơn cả chuyện thắng - thua, thông qua giải đấu, chúng tôi muốn tăng cường tình đoàn kết quốc tế, tôn vinh tinh thần thượng võ và phát huy giá trị di sản võ cổ truyền Việt Nam.

Hiện nay, karate của Nhật Bản, taekwondo của Hàn Quốc, wushu của Trung Quốc... đã phát triển rộng khắp thế giới. Nếu làm tốt việc quảng bá, bảo tồn di sản võ học, về lâu dài, Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam sẽ thu hút hàng trăm quốc gia tham dự.

- Ông đánh giá thế nào về quy mô và chất lượng giải năm nay?

- Đây là lần thứ hai Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức. Lẽ ra, theo kế hoạch, giải lần này sẽ diễn ra tại Mátxcơva (Nga). Nhưng do nước bạn muốn dồn sức tổ chức thành công World Cup 2018 nên Hà Nội - Việt Nam đã nhận quyền đăng cai. Chỉ có chưa đầy 6 tháng để chuẩn bị cho tất cả mọi hoạt động, thật may mắn là Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam đã nhận được sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng như sự ủng hộ của Tổng cục Thể dục thể thao, sự đầu tư kinh phí từ các thành viên liên đoàn, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các môn phái võ thuật. Giải được tổ chức tại Cung Điền kinh trong nhà (Hà Nội) với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, thu hút sự tham dự của 279 vận động viên thuộc 43 đoàn của 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban Tổ chức đáp ứng tốt nhu cầu về ăn, ở, thi đấu của các đoàn.

- Thi đấu tại sân nhà, chắc chắn lợi thế nghiêng nhiều về các võ sinh chủ nhà, thưa ông?

- Các võ sinh tranh 52 bộ huy chương, nhưng theo điều lệ thì mỗi đơn vị chỉ được đăng ký tham gia không quá 50% số nội dung thi đấu, nhằm tạo điều kiện cho nhiều đơn vị có cơ hội giành huy chương, không tập trung quá nhiều vào các đơn vị mạnh. Vả lại, như đã phân tích, hơn cả chuyện thắng - thua, mục tiêu của giải đấu này là quảng bá, lan tỏa giá trị võ cổ truyền Việt Nam. Việc đại diện các liên đoàn, võ đường võ cổ truyền Việt Nam tại nhiều quốc gia tham dự giải là điều cực kỳ giá trị. Đó là Liên đoàn Võ Việt Nam Algeria, Thanh Long vũ đạo Algeria, Sơn Long quyền thuật Algeria, Liên đoàn Việt võ đạo Italia, võ đường Bảo Lan Italia, võ đường Bảo Dũng - Việt võ đạo Italia, Liên đoàn Võ thuật phương Đông Liên bang Nga, các đoàn Mỹ, Australia, Campuchia, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, Iran, Ấn Độ, Israel, Lào, Bồ Đào Nha, Myanmar, Nepal, Senegal... Tất cả tạo nên góc nhìn đa sắc, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị võ cổ truyền Việt Nam.

- Ông có thể nói rõ hơn về cơ hội tăng cường hợp tác, giao lưu về võ cổ truyền Việt Nam giữa các quốc gia thông qua giải đấu này?

- Tôi tin là sau giải đấu này chúng ta sẽ có thêm cơ hội mở rộng giao lưu, cử những võ sư, huấn luyện viên có năng lực đi các nước để giới thiệu, xây dựng và phát triển võ cổ truyền Việt Nam, qua đó tiếp tục phát huy giá trị võ cổ truyền Việt Nam trên thế giới... Trước mắt, trong năm 2019, phía Nga sẽ tổ chức Cúp thế giới vào tháng 5 tại Mátxcơva (Nga), còn Việt Nam sẽ tổ chức Liên hoan Tinh hoa võ Việt quốc tế, mời các đoàn võ thuật của Nga sang Việt Nam thi đấu, giao lưu, nhiều khả năng sự kiện này diễn ra tại Bình Định.

- Sự gặp gỡ giữa đại diện các liên đoàn, võ đường võ cổ truyền Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tạo đà cho sự ra đời của Học viện Võ cổ truyền Việt Nam, thưa ông?

- Học viện Võ cổ truyền Việt Nam đã được xây dựng từ cách nay 3 năm, hiện đã hình thành tại Xuân Mai, cách trung tâm Hà Nội chừng 35km, trong một khuôn viên tổng thể rất đẹp, có phòng chiếu phim lịch sử võ thuật, phòng trưng bày hiện vật. Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại nhiều quốc gia cũng đề nghị bố trí các phân viện của Học viện, chúng tôi dự tính về lâu dài sẽ có phân viện ở Đà Lạt, Huế, Bình Định, TP Hồ Chí Minh và một số phân viện tại Mátxcơva (Nga), Paris (Pháp)...

Võ cổ truyền Việt Nam là di sản quý giá, vì vậy, thông qua kênh ngoại giao, đặc biệt là qua Ủy ban Olympic quốc tế, chúng tôi sẽ nỗ lực để đưa võ cổ truyền Việt Nam vào chương trình thi đấu chính thức của những sự kiện thể thao quốc tế. Sẽ có kiểm tra doping, có hệ thống bảng điểm điện tử, hệ thống luật dễ hiểu và tài liệu đào tạo trọng tài quốc tế...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôn vinh, lan tỏa giá trị võ cổ truyền Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.