Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nuôi dưỡng đam mê...

Mai Hoa| 15/09/2018 07:13

(HNM) - Khi theo đuổi nghiệp vận động viên thể thao thành tích cao


Trông người ngẫm ta

Tại ASIAD 18 vừa qua, mỗi vận động viên Indonesia giành Huy chương vàng được Chính phủ thưởng 1,5 tỷ rupiah (khoảng 2,3 tỷ đồng). Họ được tặng 1 căn hộ, được tạo cơ hội nhận vào làm việc ở ngành dịch vụ công, quân đội hoặc cảnh sát. Còn tại Thái Lan, tờ Bangkok Post đưa tin, mỗi vận động viên giành Huy chương vàng được thưởng 2 triệu baht (61.000 USD), Huy chương bạc 1 triệu baht (30.500 USD), Huy chương đồng 500.000 baht (15.000 USD)... Nêu ra những ví dụ trên để thấy, mức thưởng cho những tấm huy chương Á vận hội tùy lúc, tùy nơi có thay đổi khác nhau, nhưng mặt bằng chung đa phần rất cao. Bởi các vận động viên phải mất chu kỳ tập luyện tới 4 năm cho mặt trận cạnh tranh khốc liệt này, nhằm khẳng định sự vươn lên theo tiêu chí "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn" của thể thao thành tích cao.

Trắng tay tại ASIAD 18 do chấn thương, Quách Công Lịch trăn trở chuyện sớm giải nghệ vì cuộc sống quá khó khăn.


Còn tại Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng vừa ban hành Quyết định số 1323/QĐ-TCTDTT ngày 10-9-2018 về việc khen thưởng vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích tại ASIAD 18. Theo đó, căn cứ Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 6-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ, tổng tiền thưởng cho thành tích giành 38 huy chương (4 Huy chương vàng, 16 Huy chương bạc, 18 Huy chương đồng) do các huấn luyện viên, vận động viên Đoàn thể thao Việt Nam giành được tại Á vận hội là... 4 tỷ 180 triệu đồng. Trong đó, hơn 2,7 tỷ đồng dành cho các vận động viên giành huy chương cá nhân và đồng đội (Huy chương vàng 70 triệu đồng, Huy chương bạc 35 triệu đồng, Huy chương đồng 30 triệu đồng). Gần 1,5 tỷ đồng còn lại là tiền thưởng dành cho các huấn luyện viên (huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện đội tuyển được hưởng 60%, huấn luyện viên trực tiếp đào tạo vận động viên cơ sở trước khi tham gia đội tuyển được hưởng 40%).

Mức thưởng này căn cứ vào quy định được áp dụng từ năm 2011 đến nay - thực sự còn cách rất xa so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nhằm khỏa lấp phần nào khoảng cách ấy, Đoàn thể thao Việt Nam đã nỗ lực huy động các nguồn tài trợ để "thưởng nóng" cho các vận động viên. Tuy nhiên, mức huy động có giới hạn, nên việc thưởng chủ yếu được dồn cho Huy chương vàng. Có một số tổ chức và cá nhân chung tay thưởng thêm, nhưng chỉ dừng ở mức vài chục cho đến 200 triệu đồng. Chỉ có đội tuyển bóng đá Olympic quốc gia với sức hút mạnh mẽ là ngoại lệ, được các nhà tài trợ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thưởng gần 5 tỷ đồng.

Cần nâng mức đãi ngộ cho vận động viên

Mức "thưởng nóng" phụ thuộc vào các nguồn tài trợ nên không mang tính ổn định và chỉ dành cho rất ít vận động viên. Vì vậy, điểm tựa lớn nhất của các huấn luyện viên, vận động viên vẫn là sự quan tâm đãi ngộ từ nhà nước, bù đắp cho nỗ lực khổ luyện và sự phấn đấu, hy sinh của họ trong hành trình chinh phục đỉnh cao, khẳng định vị thế của đất nước khi thi đấu trên đấu trường quốc tế trong quá trình hội nhập. Trong bối cảnh mức tiền công trung bình hằng tháng chỉ chừng 4,5 triệu đồng đối với mỗi vận động viên cấp đội tuyển quốc gia, họ thực sự gặp rất nhiều khó khăn để có thể hỗ trợ gia đình, yên tâm tập luyện, nhất là khi tuổi đời vận động viên thường không dài và nguy cơ chấn thương luôn thường trực. Như vận động viên Quách Công Lịch - một gương mặt được đánh giá cao của điền kinh Việt Nam cũng đang trăn trở với lựa chọn giải nghệ sau ASIAD 18 vì cuộc sống quá khó khăn.

Chưa kể, áp lực với các vận động viên đỉnh cao rất lớn: Thắng được tung hô "lên trời", thua bị đem ra "mổ xẻ", điển hình như trường hợp của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên mới đây. Ngày Ánh Viên sang Indonesia tham dự ASIAD 18 chính là ngày ông ngoại của kình ngư qua đời. Khi sang đến Indonesia, Ánh Viên không may bị ho, sốt nên cũng ảnh hưởng phần nào đến phong độ. Thêm nữa, dù được kỳ vọng giành huy chương, nhưng xét về thực lực, giới chuyên môn đều hiểu giành Huy chương vàng ở môn bơi là điều rất khó. Vì vậy, như Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng chia sẻ: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của Ánh Viên tại ASIAD 18, rất cần sự đánh giá khách quan, bình tĩnh, nhiều chiều từ giới chuyên môn. Không nên vì thất bại trong một cuộc đấu mà ngay lập tức phủ nhận, phê phán và quy chụp tất cả".

Một tín hiệu tích cực, đó là dự thảo Nghị định "Quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu" đã được soạn thảo và đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, trong đó có những điều chỉnh cụ thể về mức thưởng, cũng như chế độ đãi ngộ về tiền công cho vận động viên, huấn luyện viên. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh hằng năm, giá cả thị trường hiện nay so với năm 2011 cũng có những thay đổi lớn. Hơn hết, những điều chỉnh phù hợp về chế độ đãi ngộ sẽ giúp các huấn luyện viên, vận động viên yên tâm gắn bó và cống hiến cho thể thao, bảo đảm nguồn lực lượng ổn định khi Việt Nam đăng cai SEA Games năm 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để nuôi dưỡng đam mê...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.