Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia đình, nhà trường, xã hội cùng vào cuộc

Thanh Phong| 24/04/2011 06:53

(HNM) - Tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, lạng lách, đánh võng, đèo ba, vượt đèn đỏ… đang trở thành một vấn nạn nhức nhối. Do đó, từ ngày 18-4, Phòng Cảnh sát Giao thông gửi thông báo những trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông về các trường để kịp thời có biện pháp giáo dục. Các em học sinh và thầy, cô giáo có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Em Nguyễn Văn Long, lớp 11 (Trường PTDL Nguyễn Siêu):

- Ở lớp em, nhiều bạn chưa có bằng lái xe vẫn đi xe máy đến trường. Nhà trường và thầy cô đã nhiều lần nhắc nhở nhưng các bạn ấy vẫn bỏ ngoài tai. Nếu bảo vệ nhà trường không cho gửi xe máy, các bạn gửi ở các bãi trông xe bên ngoài. Không những thế, khi tham gia giao thông, nhiều bạn còn đèo ba, không đội mũ bảo hiểm… Vào giờ tan học, đứng ở cổng trường em sẽ thấy rất nhiều người vi phạm Luật Giao thông. Việc gửi các thông báo học sinh vi phạm Luật Giao thông về nhà trường sẽ giúp các bạn ý thức được hành vi sai trái của mình. Đồng thời, đây cũng là bài học cảnh tỉnh đối với các học sinh khác.

Em Đoàn Quang Chiến, lớp 12 (Trường THPT Trần Phú):

- Chúng em đang học lớp 12, chuẩn bị ôn thi vào đại học. Do đó, ngoài việc học tại trường, nhiều bạn còn phải tham gia các "ca" học thêm, luyện thi. Để có thể theo kịp những ca học này, các bạn đã xin phép gia đình mua cho một chiếc xe máy. Tuy nhiên, một số bạn khác lại coi việc đi xe máy phân khối lớn, xe tay ga loại "xịn" là để chứng tỏ mình "sành điệu".

Theo em, với những bạn học sinh đủ 18 tuổi, có giấy phép lái xe thì được phép đi những loại xe máy phân khối nhỏ đến trường. Khi tham gia giao thông, các bạn phải tôn trọng Luật Giao thông đường bộ. Trong trường hợp vi phạm, có thông báo gửi về trường, các bạn sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Cô giáo Hoàng Kim Thu (Chủ nhiệm lớp 12, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều):

- Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và lực lượng cảnh sát giao thông. Do đó, khi nhận được thông báo các trường hợp vi phạm Luật Giao thông, nhà trường sẽ đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm khắc. Cụ thể, nhà trường quyết định hạ hạnh kiểm HS đó xuống trung bình ngay lần đầu vi phạm. Nếu tái diễn sẽ hạ một bậc hạnh kiểm, lần thứ ba sẽ đưa ra hội đồng kỷ luật nhà trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em sẽ không đủ điều kiện lên lớp theo quy định.

Sự phối hợp của phụ huynh HS cũng rất quan trọng. Một số gia đình có điều kiện mua cho con những loại xe ga phân khối lớn nhưng lại không quan tâm đến việc con mình sử dụng chiếc xe ấy ra sao. Kết quả là nhiều em đã gây ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Nếu các trường học cùng triển khai hiệu quả các biện pháp giáo dục ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông thì chắc chắn tình hình giao thông ở Hà Nội sẽ chuyển biến tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia đình, nhà trường, xã hội cùng vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.