Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước về phía trước

Vũ Ngọc Diệp (TT 242 Minh Khai)| 26/06/2011 07:11

Vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước, bom trút như mưa xuống Essen - một thành phố phía bắc nước Đức. Ông bà tôi có một cửa hàng bán giày ở đây. Cửa hàng đã bị phá hủy nhiều lần bởi những trận bom. Cứ mỗi lần cửa hàng bị phá, ông bà lại nhặt nhạnh mọi thứ có thể để xây dựng lại từ đống đổ nát.

Thế nhưng khó khăn vẫn chưa kết thúc. Một buổi sáng, ông bà mở cửa hàng và phát hiện ra kẻ cắp đã lấy đi tất cả, chỉ bỏ lại những hóa đơn chưa thanh toán và những mẫu giày trưng bày - nhưng chỉ là những chiếc giày chân trái, được cất riêng ra để có thể bày ngay khi mở cửa hàng.

Khi nghe câu chuyện này từ mẹ, tôi tưởng tượng ra cảnh ông bà ngoại đứng trong cửa hàng trống rỗng đối diện với thử thách là phải nuôi sống cả gia đình nhưng lại chẳng còn đôi giày nào để bán, ngoài một đống giày chân trái vô dụng.

Nghe mẹ kể đến đây, tôi cũng bị cuốn theo nỗi lo lắng cùng ông bà. Ông bà sẽ lấy tiền đâu ra để trả các hóa đơn và mua thêm giày để bán? Chuyện này không đơn giản như là nhặt lại gạch và xây lại một bức tường bị sập. Nó đòi hỏi phải dựng lại cả tinh thần đang bị suy sụp.

Ông bà quyết định không bỏ cuộc. Ông bà lấy những chiếc giày mẫu còn lại, bày thật đẹp và ấn tượng ở ngay cửa sổ lớn của cửa hàng. Hôm đó, ông bà vẫn mở cửa hàng. Những người khách đi qua, thấy trưng bày đẹp quá nên đã vào và hỏi những mẫu giày họ thích. Ông bà chào hỏi họ rất nồng nhiệt, đo chân cho khách rồi đi vào căn phòng phía sau. Ông bà đứng ở đó, đếm đến 100 rồi quay lại phòng trưng bày và nói với khách hàng rằng mình đang hết những mẫu giày đó, nhưng sẽ rất vui mừng được phục vụ khách hàng bằng cách đặt hàng ngay lập tức. Ông bà không có đôi giày mà khách hàng chọn và cũng không có bất kỳ đôi giày nào, nhưng vì ông bà tỏ ra rất tự nhiên và tự tin nên khách hàng cũng vui vẻ đặt cọc tiền để mua giày. Chẳng ai nghi ngờ gì bởi vào thời điểm đó hàng hóa khan hiếm là chuyện thường. Chỉ trong vòng vài ngày, giày đã được nhập về đầy đủ bằng tiền mà khách đặt hàng.

Ông bà đã có thể bỏ cuộc, đã có thể đóng cửa hàng và đầu hàng trước những lo lắng, sợ hãi và thất bại. Nhưng ông bà không làm thế. Ông bà đã tiếp tục chiến đấu bằng những gì mình có. Những chiếc giày chân trái và quan trọng hơn cả, đó là niềm tin vào bản thân mình.

Sống trong một thời điểm đầy bất trắc, không thể dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra nên ông bà trở thành những con người dám chấp nhận rủi ro một cách can đảm. Ông bà sống theo phương châm là một bước đi dù nhỏ, được thực hiện bằng lòng can đảm, còn tốt hơn nhiều so với việc bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi và cứ ngồi im một chỗ.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ông bà chuyển tới thành phố khác sinh sống, hầu như phải bỏ lại toàn bộ cơ nghiệp và những mối quan hệ làm ăn. Nhưng tôi thì biết rằng, ông bà đã mang theo tất cả những gì mình cần: một niềm tin sâu sắc rằng chỉ cần bạn can đảm bước lên phía trước, dù ngay cả bước chân trái không thuận, thì cả thế giới sẽ mở đường cho bạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước về phía trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.