Theo dõi Báo Hànộimới trên

Toán học với việc làm lịch

Vũ Kim Thủy, Hoàng Trọng Hảo| 26/06/2011 07:12

Làm lịch là một nhu cầu không thể thiếu đối với mọi nền văn minh. Liên quan đến toán học, đầu tiên loài người sử dụng kiến thức chia hết để làm lịch. Chẳng hạn như chia 1 phút thành 60 giây, 1 giờ thành 60 phút, 1 ngày thành 24 giờ và 1 năm có 12 tháng gồm 365 ngày. Người phương Đông cổ đại chia một ngày làm 12 giờ, một năm làm 12 tháng. Có lẽ 12 là bội số của 2, 3 và 4, còn 60 là bội số của 2, 3, 4, 5 và 6.


Ta biết 1 ngày là thời gian để Trái đất tự quay quanh trục của nó hết 1 vòng, 1 năm là thời gian để Trái đất quay quanh Mặt trời hết một vòng. Dương lịch mà chúng ta đang sử dụng là lịch Gregory có từ thế kỷ XVI, có tính năm nhuận với tháng hai tăng thêm 1 ngày thành 29 ngày. Lịch này sai số xấp xỉ một ngày mỗi 3.257 năm. Trước đó, lịch dương dùng ở châu Âu từ thời đế quốc La Mã cho đến tận thế kỷ XVI gọi là lịch Julius. Lịch này sai số một ngày mỗi 128 năm.

Người Maya cổ đại thì chia một năm làm 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày, 5 ngày còn lại được đưa vào cuối năm. Họ đã tính được con số vô cùng chính xác là một năm có 365,2420 ngày, lệch một chút so với khoa học hiện đại tính toán là 365,2422 ngày.

Một số quốc gia ở phương Đông, trong đó có Việt Nam sử dụng cả lịch âm. Lịch âm thuần túy chứa 12 tháng là 12 chu kỳ của tuần trăng. Một số lịch âm sử dụng năm nhuận với một năm có 13 tháng, tăng thêm một tháng so với năm thường. Một số nhà khoa học đặt ra giả thuyết trống đồng Ngọc Lũ là hình ảnh của bộ âm lịch với chu kỳ 18 năm. Cũng vậy, lịch của người Maya cổ đại cũng vẽ hình tròn chia làm 18 cung.

Về cách làm lịch, ngoài sử dụng tính chia hết, người ta còn chia theo các chu kỳ của những hành tinh. Trục quay của Trái đất luôn đổi hướng trong vũ trụ. Khoa học hiện đại tính được là 26.000 năm, xấp xỉ với ghi chép của người Maya cổ đại và một chu kỳ Âm dương trong Thái Ất của người phương Đông (25.920 năm). Một số nền văn minh chọn một sự kiện nào đó để làm mốc thời gian như năm sinh Đức Phật làm năm Phật lịch thứ nhất. Người Maya cổ đại lại dùng cách khác. Theo lịch của họ, chúng ta đang sống ở Thời đại sáng tạo thứ năm. Thời đại này sẽ kết thúc vào ngày 21-12-2012, hết một chu kỳ lịch của họ. Khoa học xác nhận ngày này sao Thổ, sao Mộc, sao Hỏa và Trái đất sẽ cùng nằm trên một đường thẳng. Theo lịch này, các chu kỳ của Trái đất từ khi có loài người có thời gian tương ứng là: 4.008, 4.010, 4.081, 5.026, 5.126 năm.

Kỳ này, em hãy giải thích vì sao lịch âm có những năm nhuận có 13 tháng. Bài gửi về địa chỉ: Hoàng Trọng Hảo, Tạp chí Toán Tuổi thơ, 361 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội, ngoài phong bì ghi rõ "Dự thi Học mà chơi - chơi mà học của Báo Hànộimới".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Toán học với việc làm lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.