Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hương quê mùa hạ

Đào Thu Giang| 11/08/2013 06:33

Phải học nội trú, tuy xa và nhớ nhà da diết nhưng đó cũng lại là niềm tự hào của bậc cha mẹ có con được lên tỉnh học cấp ba. Tôi cũng được nằm trong số đó.


Đã hai mùa nghỉ hè, tôi được hưởng những ngày êm đềm bên cha mẹ và quang cảnh đồng quê, xứ sở của sen và quỳ đua nhau tỏa hương, khoe sắc. Mẹ tôi có thói quen, dù đi chợ hay làm đồng về, bao giờ mẹ cũng cố gắng đem một chút quà gì đó cho tôi. Khi là gói xôi bọc trong lá sen, khi là những con muồm muỗm nướng thơm lừng, khi thì bó đài sen cả trắng lẫn hồng. Tôi đón từ tay mẹ những bông sen hồng, cha tôi bảo đấy là hoa quỳ, sen thật cánh phải to, nhiều lớp mà mùi hương cũng thơm ngát, bay xa hơn quỳ. Tôi thì chỉ thấy chúng giống nhau đến lạ kỳ.

Những sáng hè tinh mơ, thấy cha và mẹ uống trà, trò chuyện, lòng tôi bỗng ấm lạ. Cha mẹ nhắc về ông nội, về thú uống trà của ông, về những chum nước mưa chỉ dành riêng để pha trà, về những hạt gạo lấy từ hoa sen để ướp trà… Ngẫm ra, các cụ đã truyền đời những trải nghiệm dân gian bằng sự nâng niu với cả tấm lòng trân trọng.

Trước nhà tôi là một ao sen rộng. Mùa hè, lá sen vươn cao xen kẽ những nụ sen hồng thấp thoáng. Lúc tôi nghỉ hè cũng là lúc sen đã nở tưng bừng, rồi những đài sen nhanh chóng lộ ra, ngả màu sang nâu. Mẹ tôi lại đem về để cha con tôi ngồi tách hạt. Chẳng mùa hè nào mẹ quên gom cho tôi ít hạt sen tươi từ ao nhà để lên làm quà ở khu nội trú. Các bạn vừa bóc vỏ, vừa ăn, chuyện trò ríu rít. Chỉ là ăn sống thôi chứ đâu có được nấu thành chè, cầu kỳ và sang trọng. Ngồi bóc sen, tôi đã tưởng tượng ra niềm vui gặp gỡ các bạn khi lên trường vào năm học mới, ngây người để dòng suy nghĩ tự trôi miên man theo hương sen nơi đồng nội.

Nếu chỉ nghe kể thì thấy thơ mộng thế thôi, nhưng thực ra quê tôi nghèo lắm. Có lần, bố tôi bảo: "Ở làng mình, những thế hệ đi trước cũng có rất nhiều người học hành thành tài, nhưng không mấy ai quay về làng cả". Câu nói của bố đượm vẻ nuối tiếc, mà cũng ẩn chứa sự oán trách.

Tôi như tự thấy trách nhiệm của mình lớn hơn đối với gia đình và càng lớn hơn đối với xóm làng. Mảnh đất nghèo đã sinh ra biết bao con người, để rồi khi thành đạt chỉ là nơi để đi về, thăm viếng. Hãy trở lại xây dựng và cải tạo để cái nghèo cái khó chỉ còn trong dĩ vãng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hương quê mùa hạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.