Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vinamilk: Nâng tầm quản trị quốc tế

Thắng Ngọc| 26/12/2012 07:57

(HNM) - Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên vừa tham gia Hiệp hội Quản trị doanh nghiệp Châu Á (ACGA). ACGA được thành lập tại Hồng Kông vào tháng 10-1999 là một hiệp hội độc lập, phi lợi nhuận có 94 thành viên (56 thành viên ở Châu Á - Thái Bình Dương và 38 thành viên ở Châu Âu và Bắc Mỹ). Thành viên của Hiệp hội gồm các tổ chức tài chính đầu tư toàn cầu, các công ty niêm yết hàng đầu Châu Á, công ty luật và kế toán, các hiệp hội nghề và các trường đại học…

Nhà máy sản xuất sữa hiện đại của Vinamilk.

ACGA được thành lập từ một niềm tin với  tính minh bạch và trách nhiệm là không thể thiếu cho sự phát triển dài hạn, tính cạnh tranh của các công ty Châu Á và các nền kinh tế. ACGA có nhiệm vụ thực hiện việc quản trị doanh nghiệp hiệu quả cao trong khu vực Châu Á. Là nhà cung cấp các thông tin và phân tích chuyên môn về lĩnh vực quản trị doanh nghiệp ở Châu Á và là một trung tâm nguồn về thực hành tốt quản trị doanh nghiệp cho khu vực; thúc đẩy sự đối thoại xây dựng giữa các nhóm chính yếu như nhà đầu tư tổ chức, các công ty, trung gian và các đơn vị quản lý; cung cấp sự tư vấn độc lập đối với các vấn đề quản lý cho các chính phủ và nhà quản lý; tổ chức các hoạt động mang tính giáo dục nhằm hỗ trợ các công ty và các nhà đầu tư thực hiện quản trị doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Các công ty khi trở thành thành viên của ACGA sẽ là một phần của một mạng lưới đang được mở rộng trong khu vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế tương lai của Châu Á. Thành viên của ACGA được phép tương tác và chia sẻ thông tin với các tổ chức kinh doanh và các cá nhân có liên quan đến quản trị doanh nghiệp Châu Á. ACGA thường xuyên cập nhật cho các thành viên về những phát triển mới trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp ở Châu Á và cung cấp các bài bình luận độc lập về những chính sách và môi trường pháp lý. Đồng thời, ACGA sẽ góp phần cải thiện môi trường quản trị nội bộ của công ty thành viên qua việc cung cấp các tư vấn về việc thực hành quản trị công ty, về cơ cấu hội đồng quản trị, phương pháp huy động vốn, đối thoại với cổ đông và các bên liên quan. Năm 2012, ACGA phát triển thêm một hoạt động mới là "Thảo luận nhóm doanh nghiệp ACGA".

Hiện nay, sản phẩm Vinamilk đã được xuất khẩu ra thế giới tại 23 quốc gia trong đó có Mỹ, Australia, Canada, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Philippines, Hàn Quốc, các nước khu vực Trung Đông… Việc Vinamilk trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia Hiệp hội Quản trị doanh nghiệp Châu Á sẽ giúp Vinamilk nâng tầm quản trị quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của Vinamilk trong khu vực, cũng như  trên thế giới.

ACGA đánh giá cao sự gia nhập Hiệp hội của Vinamilk và cho rằng, đây là một bước tiến phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Dự kiến, năm 2012 Vinamilk sẽ đạt doanh số 26.500 tỷ đồng, tiêu thụ hơn 4 tỷ sản phẩm sữa các loại, nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Vinamilk đã có 1 nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand và 10 nhà máy sản xuất sữa hiện đại từ Bắc vào Nam đã chạy hết 100% công suất. Để phục vụ cho chiến lược tăng tốc phát triển, Vinamilk sẽ khánh thành 2 nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay vào đầu quý II-2013, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 200 triệu USD). "Siêu nhà máy" thứ nhất ở Bình Dương giai đoạn 1 cho 400 triệu lít sữa/năm, công suất tương đương gần 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk cộng lại, giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 800 triệu lít sữa/năm. Nhà máy này hoàn toàn tự động hóa, với vận hành của robot. Nhà máy thứ hai chuyên sản xuất sữa bột trẻ em Dielac 2 ở khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore mà Vinamilk đã mua lại của Công ty F&N, công suất 54.000 tấn/năm. Đây là 2 công trình trọng điểm, hiện đại phục vụ cho mục tiêu tăng tốc của Vinamilk, sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 38 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-2013).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vinamilk: Nâng tầm quản trị quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.