Theo dõi Báo Hànộimới trên

Danh hiệu Thương hiệu quốc gia: Đi tìm giá trị thật

Hồng Sơn| 08/01/2013 06:37

(HNM) - Tối ngày 7-1, Lễ trao danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2012 (THQG) đã diễn ra tại Hà Nội để tôn vinh các doanh nghiệp (DN) có thương hiệu sản phẩm nổi tiếng, uy tín với khách hàng trong và ngoài nước. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới dự.

Hoạt động này rất cần được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 

Thủy sản Việt Nam tiếp tục khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế. Ảnh: Như Ý

Theo Bộ Công thương, THQG là chương trình duy nhất của Việt Nam được tổ chức với mục đích quảng bá hình ảnh và THQG thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) cụ thể. Chương trình giúp DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô; tăng cường sự nhận biết của nhà phân phối và người tiêu dùng với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Xét rộng hơn, từng sản phẩm mang THQG sẽ góp phần khẳng định niềm tự hào của đất nước, con người Việt Nam, khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Khoảng 10 năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả xuất khẩu là lĩnh vực liên tục bứt phá, có mức tăng trưởng hằng năm cao nhất của nền kinh tế, đạt trên dưới 20%/năm. Đây là minh chứng rõ nét về sự phát triển của các DN, nhất là quá trình từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng thương hiệu hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhờ đó, hàng loạt hàng hóa/sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, dệt may, thủy sản… ngày càng lan tỏa, khẳng định uy tín với đối tác nhập khẩu.

Đặc biệt, nhờ tăng cường quảng bá thương hiệu, nhiều đơn vị đã chiếm lĩnh và từng bước mở rộng thị phần nội địa. Theo Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, đến nay tỷ lệ hàng hóa "thuần Việt" bày bán trên mạng lưới siêu thị cả nước đạt khoảng 90%, có nơi còn cao hơn. Nhiều DN đã chủ động về nông thôn, vùng sâu, vùng xa bán hàng để thúc đẩy doanh số, kết hợp quảng bá thương hiệu. Qua đó, quan hệ giữa các DN với nhau và DN với người tiêu dùng được thắt chặt, là sự hưởng ứng sinh động đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". 

Cà phê là mặt hàng nhiều năm liền có giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: Tuấn Anh

Năm 2012, nhờ nỗ lực tự thân kết hợp với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia, tính chung các DN đã ký kết được hợp đồng giao thương với giá trị gần 1 tỷ USD và 1.228 tỷ đồng. Trong cơn bão suy thoái kinh tế, sự co hẹp thị trường xuất khẩu, hầu hết DN tham gia chương trình THQG vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và xuất khẩu. Một số DN tiêu biểu như: Công ty CP Nhựa Bình Minh, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Viettel… Riêng Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát động tinh thần kiến quốc để đạt doanh thu 1 tỷ USD trước năm 2016.

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, chương trình THQG đã chứng tỏ ý nghĩa sâu sắc và tác động rất thiết thực, được cộng đồng DN ủng hộ. Trong đó, chất lượng và số lượng của DN tham gia đều được duy trì và gia tăng qua các lần bình chọn: năm 2008 lựa chọn được 30 DN, năm 2010 là 43 DN; năm 2012 là 54 DN.

Đáng lưu ý là, qua các đợt xét chọn, vinh danh, Ban tổ chức đã nhận được những khuyến nghị quý báu của đại diện DN như: hoàn thiện các tiêu chí bình chọn nhưng cũng sẵn sàng mở rộng, điều chỉnh một cách linh hoạt đối với những DN thuộc những ngành đặc thù, với các thành tích hoặc hoàn cảnh riêng biệt; quy định rõ hơn về đối tượng DN tham gia cũng như loại bỏ những đơn vị tuy đã được nhận nhãn THQG nhưng không giữ được phong độ...

Đại diện một số hiệp hội, ngành hàng nêu ý kiến nên chấp thuận sự tham gia của DN có vốn đầu tư nước ngoài bởi họ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển KT-XH, nhất là vào ngân sách và xuất khẩu. Chương trình THQG sẽ gắn liền với mục tiêu mở rộng và tăng cường mối liên kết giữa cộng đồng DN.

Năm 2013 các DN tiếp tục đứng trước nhiều thách thức. DN đang trông chờ sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng trong phát triển thương hiệu thông qua đào tạo, tư vấn và trao đổi thông tin nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:
Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2013 là một năm đầy thách thức, cùng với những giải pháp, mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trước hết là nâng cao năng lực quản trị và phát huy thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước. Các doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu đặc biệt là kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; không ngừng nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm để tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng. Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và coi việc phát triển thương hiệu Việt không chỉ là công việc của doanh nghiệp mà đó cũng là trách nhiệm của Chính phủ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Danh hiệu Thương hiệu quốc gia: Đi tìm giá trị thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.