Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa hết âu lo

Thùy Linh| 11/12/2013 07:36

(HNM) - Bức tranh kinh tế năm 2013 dù có khởi sắc nhưng theo các chuyên gia kinh tế, năm 2014 nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn.


Khó từ thị trường đến vốn

Sức mua yếu của thị trường được xem là khó khăn lớn nhất của DN hiện nay. Tại hội thảo "Chiến lược kinh doanh nào cho năm 2014" do Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, đến thời điểm hiện tại, nhiều DN đã trữ hàng Tết xong và mối lo không phải là không đủ hàng bán mà là không có người mua. "Thị trường sụt giảm, sức mua yếu, ảm đạm đến nỗi nhiều DN không biết hoạch định chiến lược kinh doanh đầu tư gì cho năm 2014", ông Hưng lo lắng.

Tiêu thụ hàng hóa sụt giảm là nỗi lo của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép.


Ngoài vấn đề thị trường, DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn về dòng vốn. Hiện ngân hàng có hạ lãi suất nhưng không hạ điều kiện cho vay, thậm chí còn khắt khe hơn vì lo ngại phát sinh nợ xấu khiến DN càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Điều nghịch lý là ngân hàng cũng đang cần DN, nhưng điều kiện quá chặt chẽ, thậm chí có tài sản thế chấp chưa chắc sẽ vay được. Theo ông Hưng, xu hướng của ngân hàng là cho vay tiêu dùng cá nhân nhiều hơn vì đối tượng này ít rủi ro và lãi suất cao, còn cho DN vay lãi suất thấp, mức độ rủi ro lại cao vì ngân hàng không lường được DN nào đủ sức trả nợ. Để tháo gỡ khó khăn về vốn, năm 2013 TP Hồ Chí Minh đã tạo ra rất nhiều kênh để ngân hàng và DN tìm được tiếng nói chung. Hầu hết 24 quận, huyện đều có kết nối và vay được vốn, tuy nhiên số DN vay được còn rất ít. Theo ông Hưng, tăng trưởng của các DN TP Hồ Chí Minh là 1,82 lần so với bình quân cả nước. Một số đơn vị đã vượt qua khó khăn, tuy nhiên, đại đa số các DN vừa và nhỏ thì khó khăn hơn và đây là đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ.

Nói về nguồn vốn cho DN năm 2014, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam nhận định, năm 2014 nguồn vốn tín dụng dành cho cả nền kinh tế khoảng 300.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 230.000 - 240.000 tỷ đồng sẽ dành cho sản xuất kinh doanh. Đây là con số không nhỏ, tuy nhiên việc tiếp cận vốn vẫn hạn chế và tình trạng chênh lệch lãi suất cho vay giữa các đối tượng vẫn duy trì ở mức lớn, trong khoảng 8%-15%.

"Vừa tấn công, vừa phòng thủ"

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (ALMI) cho biết, qua khảo sát của ALMI thì nhu cầu tuyển dụng nhân lực năm 2013 giảm 14,26% so với năm 2012. Số lượng tuyển dụng giảm ở tất cả các ngành nghề và tất cả mọi trình độ. Còn theo ông Phạm Ngọc Hưng, có một đề tài nghiên cứu về DN nhỏ và vừa của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố vừa công bố cho biết, có trên 30% DN đang đứng trên bờ vực phá sản.

Nói về chiến lược kinh doanh năm 2014, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, kinh tế dù khởi sắc nhưng vẫn còn khó dự đoán nên không ai có thể có câu trả lời chính xác là DN nên theo chiến lược kinh doanh nào. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, không có chiến lược chung nào cho tất cả DN mà mỗi đơn vị cần tự phân tích thế mạnh, điểm yếu của mình để xây dựng chiến lược. Việc xây dựng chiến lược phải phụ thuộc vào nội lực của DN và mức độ thị trường, cũng như dựa trên nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, điểm yếu của nhiều DN Việt là ít nghiên cứu thị trường và ít đo lường rủi ro nên không ứng phó kịp với những biến động. Tuy nhiên, trong khó khăn của DN này lại là cơ hội cho DN khác, đặc biệt là những đơn vị mạnh. Rất nhiều DN đang có chương trình mở rộng đầu tư và thắng lợi trong năm vừa qua.

Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị, Đại học Ngân hàng cũng cho rằng, trong năm tới, các DN cần xây dựng tính chủ động về nguồn vốn, cố gắng giữ được đồng tiền và tăng năng suất sản xuất, chủ động lên chiến lược kinh doanh theo kiểu "vừa tấn công, vừa phòng thủ". Nghĩa là DN phải có sản phẩm cốt lõi nhưng vẫn có những sản phẩm thay thế nếu thị trường không chấp nhận. Tuy nhiên, sản phẩm thay thế ấy cũng phải dựa trên sản phẩm cốt lõi chứ không phải là đầu tư tràn lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa hết âu lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.