Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp: Đâu là rào cản?

Đức Anh| 29/03/2014 07:32

(HNM) - Đã hơn 10 ngày lãi suất huy động giảm sau quyết định điều chỉnh hạ trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù lãi suất cho vay với các kỳ hạn ngắn, cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng được


Vấn đề được đặt ra là các ngân hàng thương mại đều tuyên bố "thừa vốn", nguồn vốn trong ngân hàng đang dư dả và khuyến khích DN vay, thế nhưng số DN có thể tiếp cận nguồn vốn được coi là rẻ này lại không nhiều. Vậy đâu là "rào cản"?

Thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi dài hạn hơn sẽ mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Ảnh: Khánh An



Chỉ giảm với kỳ hạn ngắn

Sau khi các quyết định giảm trần lãi suất của NHNN có hiệu lực (ngày 18-3), các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh cả lãi suất huy động và cho vay. Nếu so với những thời điểm trước, lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm mạnh. Từ "đỉnh" 23%/năm, lãi suất đã xuống dần, hiện chỉ còn quanh ngưỡng 11-13%/năm với DN kinh doanh thông thường, 8%/năm với các lĩnh vực ưu tiên, những dự án được đánh giá tốt có thể được áp dụng lãi suất chỉ 7-8%/năm. Cụ thể, theo thống kê mới nhất của NHNN, lãi suất huy động bằng VND đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm, từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: 5-6%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: 6-7,5%/năm, trên 12 tháng: 7,5-8,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao từ 9%/năm xuống 8%/năm. Đối với các lĩnh vực kinh doanh thông thường, lãi suất được áp dụng cho kỳ hạn ngắn dao động trong khoảng 9-11%/năm, trung và dài hạn: 10,5-12,5%/năm, tùy thuộc vào ngân hàng thương mại nhà nước hay ngân hàng thương mại cổ phần. Đây là con số bình quân của cả hệ thống ngân hàng thương mại, nghĩa là vẫn còn một số ngân hàng cho vay với mức cao hơn 12,5%/năm, lên 13%/năm hoặc thậm chí là 14-15%/năm.

Rõ ràng là theo thống kê từ cơ quan chức năng, lãi suất cho vay đã giảm, song chủ yếu chỉ dành cho những lĩnh vực ưu tiên hoặc cho vay sản xuất kinh doanh với kỳ hạn ngắn, chứ chưa mở rộng cho khoản vay trung - dài hạn. Nhiều DN thừa nhận, sau khi NHNN có động thái yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất, hàng loạt ngân hàng đã tung ra những gói cho vay rất ưu đãi, với lãi suất chỉ 7-8%/năm, thậm chí là 6%/năm. Mức lãi suất này nghe qua thì hấp dẫn, bởi nó đã xuống quá thấp so với kỳ vọng của chính các DN. Song, nếu tính toán kỹ, bài toán giảm lãi suất này không dễ dàng, bởi các mức lãi suất ưu đãi mà các ngân hàng dành cho DN chỉ là cho vay ngắn hạn, lãi suất càng thấp, thời gian được hưởng ưu đãi càng ngắn. Chẳng hạn, nếu ngân hàng dành lãi suất 6%/năm, DN chỉ được hưởng 1 tháng, 7%/năm là 2 tháng, hay 8%/năm cho 3 tháng đầu. Ngân hàng vẫn "nắm đằng chuôi" khi công bố sau thời kỳ ưu đãi, lãi suất áp dụng theo lãi suất thị trường, mặc dù có ngân hàng tuyên bố sẽ áp dụng lãi suất cạnh tranh, hợp lý... Với thời gian ưu đãi ngắn như vậy, DN sẽ khó xoay xở nếu chỉ sau 1-3 tháng ưu đãi, ngân hàng lại áp lãi suất cao. Đây được coi là "rào cản" chính khiến nhiều DN chưa dám "gõ cửa" ngân hàng để có được nguồn vốn giá rẻ.

Lãi suất trung - dài hạn cao khó giúp DN "khỏe" hơn

Ông Đức Hồng, đại diện một DN làm trong lĩnh vực thiết bị công nghiệp ở Hà Nội nhận định, lãi suất mới giảm trong hơn 10 ngày, DN chưa thể có ngay kế hoạch để kịp chạy theo những gói cho vay ưu đãi. Hơn nữa, thứ mà DN cần giảm là lãi suất trung - dài hạn, vì DN không thể hoàn thành một hợp đồng ký kết với đối tác chỉ trong 1-3 tháng. Mặc dù ngân hàng vẫn khẳng định là giảm lãi suất, nhưng biểu lãi suất trung - dài hạn vẫn lên tới 12-13%/năm, thậm chí là cao hơn. Mức lãi suất này khó có thể hỗ trợ DN, hay giúp DN "khỏe" hơn.

Tại nhiều cuộc họp, bản thân các ngân hàng vẫn khẳng định sẽ áp dụng lãi suất cực rẻ, khoảng 7-8%/năm dành cho DN có dự án tốt hoặc ngân hàng nhìn thấy khả năng trả nợ của DN trong tương lai, bởi nguồn vốn trong ngân hàng khá dư thừa, trong khi nguồn tiền huy động được lớn. Nhưng, có một thực tế là những DN khỏe như yêu cầu của ngân hàng hầu như không có nhu cầu vay, bởi đều có nguồn vốn khá dồi dào. Còn với những DN gặp khó khăn, thực sự cần nguồn vốn lại không dễ dàng tiếp cận với ngân hàng do thiếu điều kiện chứng minh về tài sản, nguồn vốn. Bản thân các DN đều mong đợi ngân hàng nên nới thời gian vay với lãi suất ưu đãi dài hơn, thay vì chỉ 1-3 tháng như hiện nay, vì hầu hết các khoản vay của DN là trung và dài hạn. Về thủ tục vay, DN cũng không đòi hỏi ngân hàng phải quá "nới lỏng", nhưng cũng không nên quá khắt khe, rườm rà, gây khó khăn cho DN, mà nên tạo điều kiện cho những DN có dự án tốt, có nhiều cơ hội trong tương lai... Tổng giám đốc một ngân hàng có hội sở chính ở TP Hồ Chí Minh cho biết, về các điều kiện cho vay, bản thân các ngân hàng quá sợ các khoản nợ xấu, vì nợ xấu đã chồng nợ xấu, nên việc nới lỏng điều kiện cho vay gần như không thể.

DN cần ngân hàng, nhưng bản thân ngân hàng cũng cần DN vì chính ngân hàng cũng là DN, nếu ngân hàng để tồn đọng quá nhiều nguồn vốn mà không thể giải phóng, ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Cùng với nhiều dịch vụ khác, hoạt động ngân hàng chủ yếu là huy động và cho vay, tức là dòng tiền cần "vào" và "ra" một cách nhịp nhàng, khi đó ngân hàng mới có lợi nhuận. Vì vậy, hơn lúc nào hết, ngân hàng phải tính đến bài toán cứu DN, cũng là cứu bản thân ngân hàng, cứu toàn bộ nền kinh tế. Và để cứu DN, ngân hàng không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc kéo lãi suất xuống mức hợp lý hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp: Đâu là rào cản?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.