Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thiếu tầm nhìn dài hạn

Hồng Sơn| 12/04/2014 07:38

(HNM) - Thời gian qua, vai trò của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đã được khẳng định trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo cộng đồng DN này, sự hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN nhỏ và vừa phát triển bền vững vẫn chưa thỏa đáng.


Trên thực tế, DN quy mô nhỏ và vừa vẫn đang trong tình trạng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, lãi suất vay ngân hàng được cho là rào cản lớn nhất. Cụ thể, trong số hơn 34% DN không có nhu cầu vay vốn ngân hàng thì lý do lớn nhất là lãi suất cao và khả năng kinh doanh không đủ trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, trang thiết bị, công nghệ của dây chuyền sản xuất tại nhiều đơn vị cũng chậm được cải thiện, lạc hậu hơn hẳn so với DN các nước trong khu vực. Tính trung bình, mức tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một sản phẩm tương tự cao hơn DN các nước từ 1,3 đến 1,8 lần… Những khó khăn đó đòi hỏi phải xác nhận đúng vai trò của cộng đồng DN nhỏ và vừa khi bộ phận này giải quyết hơn 50% số việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động cũng như từ đó bảo đảm an sinh xã hội.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với nhiều thách thức do lãi suất vay ngân hàng cao, thiết bị lạc hậu.Ảnh: Trần Thanh



Theo VCCI, đã có một số minh chứng về sự chuyển dịch cơ cấu của DN nhưng không như ý muốn của các nhà hoạch định chính sách và gây ra một số vấn đề như: Sự bế tắc về công nghệ khiến DN nhỏ và vừa phát triển ì ạch; cơ cấu hàng hóa và xuất khẩu chậm được cải thiện. Hơn bao giờ hết, DN mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chức năng chia sẻ sự khó khăn của mình.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bức tranh DN năm 2013 không mấy sáng sủa. Trong năm, cả nước có gần 77.000 DN dân doanh (chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa) đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 398.000 tỷ đồng, giảm 14,7% về vốn so với năm 2012. Mặt khác, có hơn 60.000 DN ngừng hoạt động, giải thể và tăng 11,9% so với năm 2012.

Ông Phan Tiến Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh cho biết, DN rất cần đầu tư chiều sâu và mong được hỗ trợ lãi suất vay một cách hợp lý để có thời cơ duy trì sản xuất, kinh doanh, tập trung cho chiến lược phát triển dài hạn. Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội đề xuất, các cơ quan quản lý cần tăng tốc độ cải cách hành chính và hỗ trợ DN tối đa, thường xuyên đối thoại với DN, chủ động xác định DN là đối tượng tham vấn mỗi khi cần lấy ý kiến trong việc hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách về kinh tế.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Trương Đình Tuyển cho rằng, cấp điều hành vĩ mô cần quan tâm thỏa đáng đến khối DN nhỏ và vừa nhằm phát huy vai trò đặc biệt của nó. Cụ thể là, cần dành riêng một số lĩnh vực hoặc quy định một tỷ lệ thị trường nào đó phù hợp và đủ rộng cho DN nhỏ và vừa hoạt động; tránh tình trạng để DN nhỏ và vừa phải cạnh tranh trực tiếp trong cùng lĩnh vực với DN quy mô lớn. Những chính sách và sự hỗ trợ có tính chất đặc thù đối với khối DN này cũng nên được bổ sung, theo hướng ưu đãi hơn, tập trung vào những tiêu chí thiết thực như: Thuế, mặt bằng sản xuất, cơ hội tiếp cận vốn, thị trường, công nghệ và nhất là cơ chế khuyến khích tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Bài học thành công của một số nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản đã chứng minh định hướng chiến lược là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN nhỏ và vừa là hợp quy luật trong quá trình thực hiện CNH đất nước.

Bên cạnh đó, phần lớn các DN cho rằng, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ để gia tăng mối liên kết DN nội địa, từ đó tăng giá trị gia tăng của sản phẩm Việt. Chính phủ cũng nên có quy định phù hợp thành lập các quỹ thuộc Nhà nước và tư nhân để giải quyết vấn đề vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; phát huy tốt mô hình "vườn ươm công nghệ" trên phạm vi rộng hơn trong những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thiếu tầm nhìn dài hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.