Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu lại cho một thương hiệu nổi tiếng

H.H| 15/07/2014 15:45

(HNMO) – Cách đây khoảng hơn chục năm, ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 1 số thành phố lớn khác trên cả nước, thương hiệu Konica Minolta gắn liền với sản phẩm phim nhựa để chụp ảnh và máy ảnh du lịch giá rẻ...


Ngày ấy, Konica Minolta được giới bình dân biết đến hơn nhiều hơn cả những thương hiệu nổi tiếng khác trong lĩnh vực phim và máy ảnh như: Canon, Nikon, Fuji... Thậm chí cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn hỏi Konica Minolta có còn sản xuất phim và máy ảnh nữa hay không?

Máy ảnh bình dân Konica một thời được nhiều người biết đến. Nguồn: Internet.


Năm 2005, trước trào lưu máy ảnh kỹ thuật số đang tràn ngập thị trường với giá cả ngày càng rẻ hơn và chất lượng ngày một tốt hơn, Konica Minolta đã phải bán lại bộ phận sản xuất máy ảnh của mình cho hãng Sony để tập trung vào các sản phẩm quang khác như máy in, máy photocopy, máy đa chức năng (MFP) fax... Đến năm 2007, Konica Minolta Holdings, Inc. đã trở thành một tập đoàn lớn của Nhật Bản chuyên sản xuất thiết bị văn phòng, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị đồ họa, thiết bị quang học, và thiết bị đo trong lĩnh vực y tế. Công ty này hoạt động trên toàn thế giới và có các trụ sở khu vực tại: Châu Mỹ (New Jersey, Ramsey, Mỹ), Châu Âu (Lower Saxony, Langenhagen, Đức) và Châu Á - Thái Bình Dương (Kantō, Tokyo, Nhật).

Còn tại Việt Nam, sau khi rút khỏi thị trường phim và máy ảnh truyền thống, tháng 5/2012, Konica cho ra đời Công ty TNHH Konica Minolta Businees Solutions Việt Nam có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Hoạt động chính của công ty là kinh doanh, phân phối và cung cấp dịch vụ các thiết bị máy in đa chức năng, máy photocopy đa chức năng, máy in chuyên dụng mang thương hiệu Konica Minolta (KM). Ngày 15/7/2014, Công ty TNHH Konica Minolta Businees Solutions Việt Nam chính thức khai trương văn phòng tại Hà Nội tại tầng 10, tòa nhà Vinaconex (Láng Hạ). Với động thái này, công ty mong muốn phát triển hình ảnh và dịch vụ của Konica Minolta tại thị trường miền Bắc một cách trực tiếp và thường xuyên hơn nữa.

Ông Mr.Tadasu Ichino – Tổng Giám đốc Konica Minolta Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong muốn đóng góp một phần vào sự phát triển của thị trường bằng cách hiện đại hóa công ty ở Việt Nam để có cùng đẳng cấp với công ty của KM ở các nước phát triển”. Còn ông Trần Vũ, giám đốc điều hành của Konica Minolta chia sẻ với HNMO: “Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng thị trường thiết bị máy văn phòng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Cùng với xu hướng chung của quốc tế là vượt qua khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam đang từng vượt qua khó khăn và có những hồi phục đáng mừng. Trong đó, thị trường thiết bị máy văn phòng cũng rất phát triển”.

Ngày nay, Konica hướng tới các sản phẩm văn phòng đa chức năng thay cho thị trường máy ảnh truyền thống.


Nếu như trước đây các thiết bị văn phòng thường được mua sắm là máy in, máy fax, máy photocopy và máy quét (scanner) đơn lẻ, thì ngày nay đa số các văn phòng đang có xu hướng mua sản phẩm tích hợp nhiều tính năng trong một (thường được gọi là all in one hay multi-functional printer). Lợi thế của sản phẩm tích hợp cả 4 thiết bị này là tiết kiệm được diện tích phòng làm việc; giá tốt hơn so với mua từng thiết bị, tiết kiệm kinh phí. Việc bảo hành, bảo trì về một mặt nào đó cũng đơn giản và thuận tiện hơn vì bạn chỉ phải gọi điện thoại cho một nhà cung cấp... Thường các máy in đa chức năng là sản phẩm 3 trong 1 (in/quét/sao chụp) nhưng có một số dòng sản phẩm là 4 trong 1 (thêm tính năng fax), thậm chí có thể kể là là 5 trong 1 nếu tính cả điện thoại. Nắm bắt được xu thế trên, các máy in đa chức năng, máy photocopy đa chức năng, máy in chuyên dụng mang thương hiệu Konica Minolta 2 năm gần đây đã bắt đầu xâm nhập thị trường Việt.

Tuy nhiên, như chính đại diện hãng Konica Minolta thừa nhận với các nhà báo tại lễ khai trương văn phòng tại Hà Nội, thị trường thiết bị máy văn phòng hiện nay đang ghi nhận hàng chục thương hiệu khác nhau cùng cạnh tranh một cách khốc liệt. Nói đến máy in, máy photocopy, người dùng thường hay nghĩ ngay đến các thương hiệu có tiếng như: Canon, HP... chứ ít ai chịu tìm đến các thương hiệu khác, trong đó có Konica Minolta. Ngay tại các siêu thị điện máy có tiếng tại Hà Nội như Nguyễn Kim, Pico hay HC, người ta cũng khó có thể tìm thấy các thiết bị máy văn phòng mang nhãn Konica Minolta. Các thiết bị văn phòng của Konica Minolt hướng tới thị trường chuyên dụng nhiều hơn là thị trường gia đình và các công ty nhỏ (theo số liệu do Konica Minolta cung cấp, năm 2013, hãng đã đứng đầu thị phần máy in chuyên dụng tại VN).

Tại lễ khai trương văn phòng đại diện Hà Nội của Công ty TNHH Konica Minolta Business Solution Việt Nam sáng nay.


Có lẽ vì vậy mà Tổng Giám đốc Konica Minolta Việt Nam khi phát biểu với báo giới cũng còn rất thận trọng: thay đổi cách nghĩ về một thương hiệu không phải là dễ, không phải ngày một ngày hai là có thể làm ngay được. Hiện Konica Minolta đã có 2 nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, mới đây lại khai trương thêm một nhà máy nữa tại Malaysia. Nhưng khi thương hiệu một thời nổi tiếng như Konica Minolta muốn có lại được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ Việt, nhất thiết phải cần nhiều chiến lược phát triển thị trường hơn, so với những gì mà Konica Minolta đã làm tại VN thời gian qua. Được biết trong thời điểm hiện tại, Konica Minolta vẫn chưa có chiến lược xây dựng bất kỳ nhà máy nhà máy sản xuất nào tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu lại cho một thương hiệu nổi tiếng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.