Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ phần hóa DNNN: Nhìn từ thành công của Vinamilk

Trang Linh| 06/08/2014 06:13

(HNM) - Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan và các DNNN đẩy mạnh thực hiện.



Từ thực tế cho thấy, việc CPH đã giúp nhiều DNNN có được kết quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) đáng khích lệ. Mặc dù vậy vẫn còn không ít DNNN đang loay hoay trong việc lên phương án chuyển đổi phương thức hoạt động SXKD nhằm tối ưu hóa hoạt động; đồng thời góp phần tạo sự tăng trưởng chung cho nền kinh tế. Từ việc CPH tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có thể rút ra những kinh nghiệm cho việc chuyển đổi mô hình DNNN.

Dây chuyền sản xuất sữa hiện đại tại Công ty cổ phần Sữa Vinamilk. Ảnh: Anh Tuấn


Vinamilk thực hiện CPH từ tháng 12-2003 đến tháng 4-2004, với việc sáp nhập Nhà máy Sữa Sài Gòn (Saigonmilk), tổng vốn điều lệ của công ty khoảng 1.590 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31-10-2005, Nhà nước nắm 9.615.000 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần tương đương 961.500.000.000 đồng (chiếm 60,47%), nhưng đến ngày 19-12-2005, sau khi bán một phần vốn ra bên ngoài, Nhà nước chỉ còn nắm 7.952.000 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần tương đương 795.200.000.000 đồng (chiếm 50,01%). Qua đợt quyết toán cổ phần và 2 lần đấu giá cổ phiếu, Vinamilk đã thu về cho Nhà nước hơn 2.243 tỷ đồng. Ngày 19-1-2006, cổ phiếu của Vinamilk (mã chứng khoán VNM) đã được niêm yết tại Trung tâm Chứng khoán TP Hồ Chí Minh với giá khớp lệnh trong phiên giao dịch đầu tiên là 53.000 đồng/cổ phiếu. Đến trung tuần tháng 6-2014 (sau hơn 8 năm kể từ khi Vinamilk bán vốn ra bên ngoài lần đầu vào tháng 11-2005), giá trị vốn Nhà nước đã là 45.839.304 tỷ đồng, tương đương 2.158 tỷ USD. Vinamilk là một trong những đơn vị CPH thành công nhất hiện nay.

Để việc CPH thành công và SXKD đạt hiệu quả sau khi CPH, trước hết là sự lựa chọn người đứng đầu với đầy đủ phẩm chất của nhà quản lý, chỉ đạo việc SXKD đạt hiệu quả - đây là yếu tố số một quyết định thành công cho DN. Bên cạnh đó, Công ty đã chọn ngành SXKD sữa - loại sản phẩm có nhu cầu rất lớn, thể hiện sự nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch thông tin ngay từ đầu với việc tổ chức kiểm toán hàng năm tốt và niêm yết sớm. Việc sớm niêm yết còn giúp Công ty kịp thời huy động vốn cho phát triển SXKD ngày càng tăng, đồng thời giảm nguồn vốn vay ngân hàng.

Thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh bền vững thông qua việc thực hiện trách nhiệm xã hội, trong toàn bộ chiến lược kinh doanh của mình, Vinamilk đã phát động và tổ chức chương trình trồng một triệu cây xanh trên các vùng miền của Tổ quốc, nhận được sự tham gia đông đảo của nhiều người tiêu dùng, nhiều địa phương. Chi phí trồng cây chỉ chiếm một phần trong kinh phí marketing của đơn vị. Với chương trình "6 triệu ly sữa cho trẻ em Việt Nam", Vinamilk đã đưa việc thực hiện trách nhiệm xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình. Ngoài ra, Vinamilk còn thực hiện nhiều chương trình hướng tới cộng đồng. Thông qua các chương trình này, thương hiệu Vinamilk phát triển mạnh, doanh số bán hàng, lợi nhuận hằng năm tăng lên đáng kể…

Cùng với việc SXKD đạt hiệu quả, Vinamilk còn mở rộng thị trường xuất khẩu. Kế hoạch đến hết năm 2014, Vinamilk sẽ đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 4.000 tỷ đồng, trong kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2014 đạt khoảng 36.298 tỷ đồng, tăng 15% so với tổng doanh thu hợp nhất năm 2013. Các mặt hàng xuất khẩu gồm sữa bột trẻ em, bột dinh dưỡng, sữa đặc, sữa nước, nước giải khát, sữa đậu nành, sữa chua. Hiện, sản phẩm Vinamilk đã xuất khẩu đến 31 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Australia… Chiến lược xuất khẩu của Vinamilk trong 3 năm tới tập trung vào thị trường Trung Đông, Châu Phi, Cuba, Mỹ. Để tiếp tục phát triển tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tháng 5-2014, Vinamilk đã động thổ nhà máy tại Campuchia. Dự án có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD (trong đó Vinamilk có tỷ lệ nắm giữ sở hữu 51%). Vinamilk cũng đã nhận được giấy phép đầu tư vào Ba Lan, với quy mô khoảng 3 triệu USD. Dự án này sẽ đóng vai trò cung cấp nông sản và gia súc để hỗ trợ sản xuất cốt lõi các sản phẩm sữa, đồ uống và thực phẩm của Vinamilk. Đồng thời, dự án còn là cửa ngõ cho Vinamilk tiếp cận và mở rộng ở thị trường Châu Âu. Ngoài hai dự án mới này, Vinamilk đang xem xét khả năng đầu tư vào Myanmar và một số nước khác. Dự kiến, tháng 8-2014 dây chuyền sữa tươi có công suất 60 triệu lít/năm, có tổng vốn đầu tư hơn 20 triệu USD tại Miraka do Vinamilk nắm giữ 19,3% cổ phần sẽ đi vào hoạt động. Với dây chuyền này, Vinamilk sẽ gia tăng sản lượng sữa tươi đóng hộp nhập về Việt Nam có thương hiệu Twin Cows.

Ngoài đầu tư dự án mới, Vinamilk cũng thành công trong việc đầu tư, vận hành một loạt các dự án đã được đầu tư trước đó. Tại Mỹ, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết để mua 70% cổ phần của Nhà máy Sữa Driftwood, dự án Driftwood đã được khai thác có hiệu quả sau khi có sự điều hành của Vinamilk. Driftwood là một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất tại California và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học theo chương trình sữa học đường của Los Angeles thuộc bang California.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phần hóa DNNN: Nhìn từ thành công của Vinamilk

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.