Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người của những việc làm khác thường

Thái Sơn| 21/09/2014 17:43

(HNMO) - Ai đã gặp con người đó dù chỉ một lần thì ấn tượng đầu tiên về ông là con người của công việc. Ông luôn hối hả tất bật, nhưng ẩn chứa trong đó là sự hợp lý, có sắp xếp trước sau.

Khu du lịch Ao Vua.


Ông là Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua - một người con của Ba Vì, nơi được coi là đất thiêng của xứ Đoài vốn là cửa ngõ của kinh thành Thăng Long xưa và nay là Thủ đô Hà Nội. Những ngày này, khi Hà Nội đang bận rộn chuẩn bị cho dịp kỷ nhiệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô thì cũng là khoảng thời gian ông Thản bước qua tuổi 59, hướng đến kỷ niệm một Hoa giáp của đời người. Và khoảng thời gian ấy càng đáng nhớ hơn khi dịp này ông là cá nhân duy nhất cùng với 3 tập thể được thành phố đề nghị Trung ương xét tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”. Cũng phải giới thiệu qua như vậy dù rất hiểu ông không thích nói về tuổi tác, ông luôn quan niệm rằng, cái gốc sự tôn trọng của con người dành cho nhau là ở tri thức, sự hiểu biết và cách sống.

Một con người thích đương đầu với thử thách

Tôi tình cờ biết ông Nguyễn Mạnh Thản thông qua vài chuyện lớn, đáng nhớ trên địa bàn Hà Nội hiện nay và tỉnh Hà Tây trước đây. Hơn chục năm về trước - chính xác là tháng 10-2003, ông được các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tây thời điểm đó cho phép thực hiện dự án xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng với diện tích 20,6ha trên địa bàn hai xã Phú Sơn, Vật Lại thuộc huyện Ba Vì. Bỏ ra trên 20 tỷ đồng vốn đầu tư cho chuyện đó vào thời điểm ấy, nhiều người cho rằng, ông Thản là người... không bình thường. Cũng có người nghĩ, ông thích chơi trội cho nổi danh, hoặc chí ít cũng là nhằm những mục đích khác chứ ai lại đi kinh doanh trong việc xây công viên cho... người chết bao giờ. Có những suy nghĩ đó cũng là không lạ bởi trên cả dải đất hình chữ S này, thời điểm ấy, mô hình đầu tư của ông là chưa có tiền lệ. Ấy cũng chính là nguyên nhân mà tôi lọ mọ gặp ông để tìm hiểu. Như ông kể, lý do để ông nảy ra ý tưởng đó lại rất đơn giản. Ông bảo: “Những lần đi đám hiếu, chia tay người thân của mình về thế giới bên kia, tôi đều thấy các nghĩa trang của chúng ta sao cô quạnh, lạnh lẽo thế”. Nghe ông nói, đúng là tôi cũng như mọi người chúng ta đều cảm nhận rất rõ điều đó. Ông nói tiếp: “Thế rồi sau này, khi có điều kiện kinh tế, người ta đua nhau xây mộ cho người chết, đủ kiểu cách, đủ kích cỡ, giá trị hàng trăm triệu đồng cho tới cả tỷ đồng, vậy là hình thành nên những “thành phố nghĩa trang”, rất lộn xộn, chả có quy hoạch gì cả. Làm như vậy, có thể “nhà cửa” của cha mẹ, ông bà của họ có đàng hoàng, tươm tất hơn, song làm sao đã hết sự lãnh lẽo cho người sống yên lòng? Vậy là trong vòng 10 năm trời, tôi luôn nung nấu sẽ làm một cái gì đó và cuối cùng dự án xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng đã ra đời”.

Người ta cứ hay lý giải cụm từ “đi tắt đón đầu” bằng những lý lẽ cao siêu, nhưng câu chuyện ông Thản kể cho tôi đơn giản có thế. Đó là nhu cầu của cuộc sống, hợp với quy luật phát triển của xã hội. “Giờ có điều kiện, ai chả muốn thể hiện lòng thành, báo hiếu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhưng vấn đề là phải thỏa mãn nhu cầu của người ta trong một hoạch định, trong một tổng thể, vừa làm đẹp cho xã hội lại đúng với ý nguyện của từng gia đình...” - Ông lý giải cho ý tưởng mà mọi người vẫn cho rằng... không bình thường. Dù thời điểm đó, ông luôn khẳng định dự án mình đầu tư có tính khả thi cao, nhưng đây là một lĩnh vực mà luật pháp chưa hề đề cập tới. Có lẽ vì quá mới mẻ khi chưa có ai nghĩ đến? Như khẳng định cho con đường mà ông đã lựa chọn là chuẩn xác, 5 năm sau đó, ngày 25-3-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang - đây là ghi nhận của nhà nước đối với mô hình kinh tế mà doanh nghiệp của ông đã thực hiện.

Có một thực tế diễn ra trong nhiều năm qua là khi triển khai những dự án như có tính đặc thù xây nghĩa trang, khu xử lý chôn lấp chất thải... thường rất khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Nói cụ thể ra là người dân không muốn thực hiện những dự án kiểu này tại địa phương mình. Vậy mà dự án nêu trên của ông Nguyễn Mạnh Thản lại được người dân đồng tình, ủng hộ, không xảy ra kiện cáo trong đền bù của doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng chả phải tổ chức cưỡng chế, thì kể cũng là chuyện lạ. Ông lý giải: “Tôi đã mất hàng năm trời đi tìm đất cho dự án và cuối cùng đã chọn đồi Gàm, nơi mà người dân chả trồng được cây gì, chỉ có một ít bạch đàn mọc ở đó. Nói cách khác là đất ít có hiểu quả kinh tế để tránh việc mình lấy vào đất “bờ xôi ruộng mật” của bà con, nếu làm như thế, được việc của mình nhưng còn cuộc sống của người dân? Liệu những người đã khuất có thể yên lòng khi chứng kiến nỗi gian truân, cực nhọc mà người sống phải gánh chịu khi nhường đất cho họ? Làm như thế bản thân cũng khó yên tâm mà dốc sức vào công việc”. Có phải vì thế mà người ta đặt cho ông danh hiệu “Vua giải phóng mặt bằng”?

Như cách nghĩ của ông Thản, chữ Tâm cũng chả có gì cao xa, cứ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác sẽ hiểu điều gì nên làm, điều gì nên tránh. Và rồi, đúng một năm sau - năm 2004 - Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng chính thức đi vào hoạt động với địa thế đồi núi và cảnh quan được bố trí đẹp, hợp lý có dịch vụ chu đáo, nơi đây thực sự vừa là chốn thiên đường của thế giới bên kia vừa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội về môi trường. Mọi du khách đến đây, ai nấy đều ước muốn có được một khuôn viên trong công viên này để cho người thân của mình an nghỉ khi qua đời, rồi người ta còn lo xa, đăng ký đặt mua chỗ trước trong dự án của ông...

Không bị cuối hút vào ánh hào quang của việc kinh doanh thành công, ông lại tiếp tục tư duy tìm ý tưởng mới trong lĩnh vực này. Ông kể, năm 2010 khi mà Nghị quyết của HĐND thành phố về việc đóng cửa nghĩa trang Văn Điển đã gần đết hạn chót mà Hà Nội vẫn chưa tìm được nơi nào thay thế cho Nghĩa trang Văn Điển, tôi đã mạnh dạn xin thành phố cho mở rộng dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng. Nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng, chỉ trong thời gian 85 ngày, vừa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, vừa thi công xây dựng, Dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng mở rộng đã được đưa vào thay thế cho việc chôn hung táng tại nghĩa trang Văn Điển kể từ ngày 1-7-2010, đáp ứng được tiến độ yêu cầu của thành phố. Đúng là doanh nghiệp của ông Thản đã “ghi điểm” trong việc tháo gỡ khó khăn cho thành phố đối với một công việc không phải đơn vị nào cũng thực hiện hiện. Chưa dừng lại ở đây, trong suốt thời gian qua, cả thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận chỉ có một cơ sở hỏa táng tại nghĩa trang Văn Điển. Xã hội phát triển văn minh hiện đại thì nhu cầu hỏa táng của nhân dân cũng phát triển, trong khi thành phố đã lập qui hoạch rất nhiều cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố để giảm tải cho Đài hóa thân Hoàn Vũ, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có nơi nào được xây dựng. Mọi qui hoạch, mọi dự án vẫn chỉ trên giấy và nằm ở mặt bàn. Trước tình hình đó, khi biết lãnh đạo của thành phố coi đây là một vấn đề cấp bách, cần gấp rút giải quyết, một lần nữa ông Thản lại... xung phong nhận việc., Cụ thể, ông đã xin đầu tư xây dựng nhà hỏa táng công suất 6 lò đốt, tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng với hình thức xã hội hóa 100%. Dự án đang được triển khai xây dựng và được sự đồng tình ủng hộ rất cao của chính quyền và nhân dân địa phương. Dự kiến dự án này sẽ được khai trương đưa vào hoạt động trong năm 2014.

Những chuyện nêu trên, tôi cũng là người từng được chứng kiến sự đắn đo, cân nhắc của ông Thản. Những quyết định ông đưa ra đều có dữ liệu sát với điều kiện thực tế chứ không phải “ngồi một chỗ mà phán”. Ông bảo, không phải điều gì cũng thực hiện được bằng quyền lực mà quan trọng nhất là phải hợp với lòng người, đúng với quy luật. Có lẽ nếu chỉ giải thích việc hung táng là không hợp vệ sinh, tốn đất, chi phí tốn kém cho việc tổ chức... thì chưa đủ mà điều cần làm là phải có chỗ cho các gia đình thực hiện hỏa táng người thân, vừa sạch, đẹp, vừa chu đáo, thuận tiện, tiết kiệm kinh phí, thời gian... Để hướng tới cái đích đó, ông Thản đã phải bỏ tiền sang cả trời Tây xem cách thức hỏa táng, việc tổ chức của họ ra sao, nghĩa trang được xây dựng thế nào... cái gì áp dụng phù hợp với điều kiện văn hóa của chúng ta, cái gì cần nghiên cứu, điều chỉnh... Và như ông vẫn lầm bầm nói như thể cho chính bản thân mình: Thành công không tự nhiên mà có được!

Một con người thích lao vào những chuyện kỳ quặc


Nếu biết và phần nào hiểu ông Nguyễn Mạnh Thản thì điều dễ thấy là ông hay suy nghĩ và tập trung tư duy cho những ý tưởng một số người cho là kỳ quặc. Song đó chính là cái gốc cho sự thành công trong hoạt động kinh doanh của ông. Ông luôn cho rằng, bù trù là quy luật của cuộc đời. Làm việc dễ nhưng chưa chắc đã dễ vì ai cũng biết, cũng có thể thực hiện. Còn làm việc khó, chưa chắc đã khó nếu biết dụng Tâm, dụng Lực. Và khi đã qua cơn bĩ cực sẽ nhận được được sự đền đáp xứng đáng. Quan trọng là ta phải vững tin vào con đường mình lựa chọn và phải lấy tri thức, hiểu biết để có hướng đi chuẩn xác.

Có lẽ trong các dự án mà doanh nghiệp của ông thực hiện, việc xây dựng và cải tạo Ao Vua trở thành khu du lịch trọng điểm của huyện Ba Vì là chuyện ông ít kể tới nhất. Nhưng rõ ràng với dự án đó, lần đầu tiên trên quy mô lớn, ông mạnh dạn nghiên cứu cải tiến phương pháp quản lý, hình thức đầu tư, lựa chòn mục tiêu kinh doanh để hướng tới sự phát triển bền vững. Đó là cả một quá trình trăn trở, nung nấu những dự định, ý tưởng để phù hợp với sự vận động của xã hội. Lấy thí dụ, trong kinh doanh ở lĩnh vực du lịch, người ta luôn nêu ra quan điểm phải làm sao để du khách tiêu đến đồng tiền cuối cùng. Tuy nhiên, ông lại cho rằng như vậy là tận thu, có thể làm người ta sợ, không dám quay lại nữa. Do đó, theo ông là cần phải để khách du lịch hưởng thụ đúng giá trị mà đồng tiền họ bỏ ra, bên cạnh đó là sự quy củ trong tổ chức, sự chu đáo trong phục vụ và sự hấp dẫn trong sản phẩm. Điều quan trọng là họ phải trở lại với mình, đó mới là hiệu quả bền vững, đó mới là sự khác biệt. Và trên thực tế, Khu du lịch Ao Vua đã phần nào khẳng định cách nghĩ, cách làm của ông là đúng. Điều tâm đắc nhất của ông là sự ăn nên làm ra của doanh nghiệp mới chỉ là một khía cạnh, ở góc độ khác, người dân sinh kế trên vùng đất quê ông bớt đi cơ cực, có công ăn việc làm và từng bước cải thiện cuộc sống.

Lại nói về những chuyện kỳ quặc của ông Thản, có lẽ rõ nết nhất là việc cải tạo Đầm Long - khu rừng hoang hóa, đầm cạn thành khu du lịch sinh thái. Khoảng hơn chục năm trước, ai đã từng đi qua đầm lầy với diện tích gần 100ha được bao quanh bởi một khu rừng nguyên sinh có diện tích 17,5ha như thế, dù có lạc quan cũng không thể tưởng tượng ra được sự thay đổi như hiện nay. Ngày ấy, ở đó đầm rộng, nước chua, bỏ hoang hóa, người dân chả làm ăn gì được. Đầm Long trở thành khu vực đặc biệt khó khăn của một huyện miền núi, thuộc dạng vùng sâu, vùng xa. Vậy mà ông Thản đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch, đề xuất với lãnh đạo dự định cải tạo nơi đây trở thành Khu du lịch sinh thái. Cánh nhà báo chúng tôi khi ấy biết chuyện, có những người nhoẻn miệng cười mà rằng, lão này hâm thật rồi, hay là cái “hạn bốn chín” run rủi cho người ta cách suy nghĩ điên rồ đó. Ấy vậy mà chỉ hơn một năm sau - năm 2004, ý tưởng của ông Thản thành hiện thực, dự án cơ bản hoàn thành và đưa vào hoạt động. Rừng nguyên sinh được bảo vệ, hàng nghìn con khỉ, hàng trăm con hươu, nai và nhiều loài động vật hoang dã khác được nuôi thả, phát triển tốt; khu Đầm được cải tạo để trồng sen, nuôi thủy sản. Lượng du khách đến thăm và nghỉ dưỡng ngày càng đông, tại đây họ có điều kiện lý tưởng để hòa quyện và được cảm nhận sự độc đáo, nguyên sơ của thiên nhiên mà không dễ gì những khu du lịch sinh thái khác có được. Và cũng nhờ đó, hàng trăm lao động địa phương có việc làm, một lượng lớn hàng hóa, nông sản thực phẩm do bà con làm ra được tiêu thụ tại chỗ, thu nhập của người dân được cải thiện, điều mà từ trước tới nay vẫn chỉ là mơ ước...

Đúng là mỗi người đều có vị trí và vai trò nhất định trong xã hội, nhưng cái cách chọn “điểm xuất phát” của ông Nguyễn Mạnh Thản có gì đó rất khác biệt dù ông luôn cho rằng: “Con đường mà tôi lựa chọn là hết sức bình thường trong đời thường”. Tháng 3- 2011, dự án Khu du lịch Đảo Ngọc của ông tại địa bàn huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là một vùng bãi nổi giữa sông Đà mà từ nhiều đời nay người dân chỉ sử dụng trồng ngô, đậu, lạc và chăn thả trâu bò, hiệu quả kinh tế thu được chẳng đáng là bao. Ấy vậy mà ông dự định đưa vào 500 tỷ đồng để đầu tư thành khu du lịch cao cấp. Nghe vậy, ngay cả những người dân địa phương dù rất muốn đổi đời, rất muốn bộ mặt quê hương thay đổi cũng cho là chuyện hoang tưởng, đầu tư từng ấy tiền chứ nhiều hơn nữa cũng chỉ để cuốn theo dòng sông Đà... Khi đó, ông Thản cũng từng đưa tôi lên để giới thiệu ý tưởng cải tạo vùng đất bồi trong tương lai. Ngày ấy, nhìn ông khuya tay trong không gian, giữa bãi cát mênh mông, lồng lộng gió sông mà thuyết trình, tôi cứ nghĩ về hình ảnh “Anh chủ nhiệm” trong bài thơ của Hoàng Trung Thông. Tuổi còn trẻ gì đâu mà ông không chịu nghỉ, vẫn cứ miệt mài, lăn lộn và nhiệt huyết như lứa sinh viên mới ra trường.

Dù biết là ông luôn chọn việc khó, nhưng quả thật, không dám nói ra song tôi không tránh khỏi hoang mang. Cứ nghĩ, thời buổi khủng hoảng kinh tế và suy thoái tài chính toàn cầu như thế này, làm ăn khó khăn, không chừng lãi lời tích cóp được của ông lại mất trắng. Thế mà rồi rất nhanh chóng, người dân nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng cùng với những cam kết hỗ trợ, giúp đỡ địa phương phát triển kinh tế. Ông Thản không nói đùa – Ông Thản làm thật! Tôi ấn tượng nhất là trong sự lãnh đạo đối với doanh nghiệp của ông rất vĩ mô nhưng cũng rất vi mô. Ông không chỉ vạch ra con đường phát triển cho doanh nghiệp mà ông xem xét, kiểm tra, giám sát từng việc nhỏ, từng hạng mục công trình. Như ông bảo: Mình còn nghèo, tiêu một đồng cũng phải cho xứng đáng, vào đúng chỗ cần. Giá như mọi dự án đều được triển khai như cách của ông thì có lẽ chúng ta không còn phải đau đầu với chuyện lãng phí.

Đúng 24 tháng sau, dự án hoàn thành giai đoạn 1 và chính thức khai trương hoạt động. Và giờ này, tức là tròn một năm rưỡi, Đảo Ngọc - vùng đất bãi được bao bọc bởi 3.700m chiều dài với khoảng 5.000m3 bê tông cốt thép nối với bờ đê bằng một cây cầu dài hơn trăm mét đã trở thành một địa chỉ tin cậy trong những kỳ nghỉ cuối tuần đối với du khách trên địa bàn thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nơi đây có đầy đủ các dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, tắm nóng, thư giãn và các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với mọi lứa tuổi, đối tượng. Ông bảo, khi triển khai dự án, không phải không có những ý kiến xuôi ngược. Cũng có những ý kiến ác ý nhưng ông không nản bởi ông cho rằng chỉ cần làm lợi cho người dân song hành với cái lợi của doanh nghiệp, đúng pháp luật và được chính quyền ủng hộ là ông triển khai quyết liệt. Khu du lịch Đảo Ngọc đã được lãnh đạo tỉnh Phú Thọ xác định là dự án trọng điểm của tỉnh, là điểm xuất phát để ngành du lịch Phú Thọ tạo đà phát triển dịch vụ du lịch trong hành trình về miền đất Tổ...

Một con người luôn tâm niệm sống vì mọi người


Nhìn vào bảng biểu thống kê tổng doanh thu của doanh nghiệp do ông Nguyễn Mạnh Thản phụ trách, trong 10 năm qua con số đã tăng lên hơn 15 lần, từ suýt soát 14 tỷ đồng giờ là hơn 214 tỷ đồng. Đúng là không dễ gì có được kết quả như vậy. Kể ra cũng xứng với chuyện ông quần quật lao vào công việc.

Niềm vui của ông trong kinh doanh là điều ai cũng thấy và điều đó cũng đã phần nào giúp cho người dân ở những địa phương doanh nghiệp triển khai dự án có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống. Song, niềm vui của ông trong cách... tiêu tiền thì không phải ai cũng biết. Nghe ông kể về cái sướng khi ăn bát canh cua với cà, ăn rau muống luộc chấm tương...; nhìn ông vừa ăn ngon lành một cốc sữa chua như đứa trẻ con lại vừa phân tích những tác dụng của loại thực phẩm này đối với việc tiêu hóa, có khi ai đó sẽ nghĩ rằng, đây là hình ảnh của nhân vật Ơgiêni Grăngđê thời hiện đại. Nhưng chưa hẳn đấy là sự thực. Ông cho rằng, sự hiểu biết soi sáng mọi hành động của con người, trong công việc cũng vậy, trong cuộc sống cũng vậy, và tất nhiên, trong cả cách ăn uống. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, để có cái vốn đó cũng phải biết cách, muốn vậy phải có hiểu biết...

Tôi từng băn khoăn, ông kiếm ra nhiều tiền như vậy để làm gì, tiêu vào đâu? Xin thưa, 2/3 số tiền từ tổng doanh thu ông dành cho việc đầu tư đổi mới và phát triển. Ấy chính là lý do những dự án của ông luôn có “sức hút” riêng và không bị cũ. Cụ thể, năm 2013 con số đó là 196 tỷ đồng; gần 10 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước và trên 1,3 tỷ đồng cho việc thực hiện các hoạt động từ thiện, xã hội. Ông cho rằng, niềm vui trong tiêu tiền là làm được việc tốt cho đời, cho người. Không giống như một số người làm công việc kinh doanh, luôn chăm chắm chuyện trốn tiền nộp bảo hiểm cho người lao động hay tìm cách “lách” luật để làm lợi cho mình, ông tâm sự: “Tôi vui nhất khi ký tăng lương, hoặc duyệt tiền thưởng cho người lao động. Như vậy là mình làm ăn tốt và như vậy là có nhiều người tin tưởng, đồng hành cùng với mình”. Còn chuyện đi làm công tác xã hội và từ thiện, tôi nghe kể, trong một lần tổ chức khám chữa bệnh và trao quà cho người nghèo, ông đã phản ứng rất dữ dội khi thấy một cán bộ xã tự xếp mình vào diện đó. Lần khác đi cùng ông trao quà của doanh nghiệp, trên đường về ông nói với tôi: “Mình phải cảm ơn vì họ đã chấp nhận tấm lòng chân tình của mình”. Trong cuộc đời, ông cho rằng, có những điều cần phải nhớ, ấy là sự giúp đỡ của nhiều người đối với mình trong lúc cơ hàn mà sau này mình không có điều kiện gặp lại, vì vậy có giúp đỡ được ai cũng là sự trả ơn với cuộc đời. Tôi cứ nghĩ mãi về điều đó, đúng là không dễ gì ngộ ra được....

Về điều cần quên, ông bảo, đó là những người “chơi xấu” mình; đừng bao giờ để bụng hoặc lấn cấn, vì thế trước tiên là khổ cho mình. Tôi hiểu, người có tuổi, mọi quan điểm đưa ra đều đã có thời gian chiêm nghiệm thấu đáo, không còn nông nổi. Trên con đường đã lựa chọn, tôi biết ông cũng đã từng gặp trắc trở, thậm chí là gánh hậu quả từ những chuyện không vui vì có người không hiểu vô tình hay hữu ý tạo ra. Nhưng như ông đúc kết, trong 10 người biết mình, có 6 người ủng hộ, 2 người “bỏ phiếu trắng”, như vậy đã là tốt lắm rồi. “Nhân vô thập toàn”, đâu có gì lạ. Quan trọng là bản thân phải tâm huyết với công việc, sống tốt với đời và hành động theo lẽ phải, hợp với lợi ích của số đông...

Và trên đây là những điều tôi biết về một con người với những việc làm bình dị nhưng khác thường. Để xã hội phát triển, vị thế quốc gia lớn mạnh, rất cần những con người có tư duy và hành động như vậy. Xin được chúc mừng việc ông được thành phố dự kiến đề nghị Trung ương xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” trong một mốc thời gian quan trọng của Hà Nội và đất nước - Tròn một Hoa giáp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người của những việc làm khác thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.