Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỗi ở doanh nghiệp sản xuất?

Thanh Hiền| 01/10/2014 06:53

(HNM) - Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc, nhưng đến nay hàng Việt vẫn chưa tìm được chỗ đứng tại đây.

Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và Công ty CP Đồng Xuân, tiểu thương tại chợ Đồng Xuân và các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước đã cùng ngồi lại với nhau tìm nguyên nhân, tìm giải pháp đưa hàng Việt vào chợ, nhưng trong khi tiểu thương nhiệt tình thì DN sản xuất không mấy mặn mà.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm Việt tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Đàm Duy


Vắng bóng hàng Việt

Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", niềm tin và tình cảm của người dân đối với hàng "nội" không ngừng được nâng lên. Ước tính, có 71% người tiêu dùng trong nước đã tin và mua hàng Việt. Tuy nhiên, điều bất cập là chợ đầu mối là kênh phân phối hiệu quả thì nhiều DN trong nước lại thờ ơ, mặc cho hàng ngoại lấn sân. Trong số các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, chợ Đồng Xuân được coi là đầu mối cung cấp hàng hóa cho các quận, huyện trên địa bàn cũng như các tỉnh, thành phía Bắc. Với hơn 2.300 hộ kinh doanh, 60% hàng hóa ở chợ là bán buôn, tập trung ở 7 nhóm hàng chính. Riêng hàng vải sợi may mặc chiếm 2/3 số lượng quầy hàng. Theo Ban Quản lý chợ, tỷ trọng mặt hàng Việt Nam so với hàng ngoại còn rất thấp. Tiêu biểu như đồ lưu niệm bán cho khách du lịch, tới 80% xuất xứ từ Trung Quốc; 80% đồ chơi là hàng Trung Quốc; tỷ lệ hàng Trung Quốc với vali, cặp xách là 70%; quần áo thời trang, vải, đồ gốm, sứ là 60%... Riêng mặt hàng đồ lót không có sản phẩm trong nước. Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân cho biết, mỗi ngày chợ Đồng Xuân lưu chuyển 10-20 tấn hàng hóa. Tổng doanh thu được tính nộp thuế là 500 tỷ đồng/tháng (tương đương 6.000 tỷ đồng/năm). Cách đây 3 năm, Công ty đã cùng Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức tọa đàm gắn kết các tiểu thương tại chợ với DN trong nước. Sau nhiều đợt tuyên truyền vận động, kết nối DN cùng bắt tay bà con, tỷ trọng hàng Việt ở một số ngành hàng tại chợ đã tăng từ 20-30% lên 50-60%.

Cụ thể, vải sợi quần áo Trung Quốc trước đây chiếm 80-90%, nay còn 60%. Tại hội nghị đối thoại giữa các DN sản xuất hàng Việt với các thương nhân chợ Đồng Xuân mới đây, các tiểu thương tại chợ cho biết, bà con chưa tiếp cận được "đầu vào", nên phải qua khâu trung gian khiến giá bị đẩy lên cao. Theo chia sẻ của bà con tiểu thương chợ Đồng Xuân, phần lớn các DN Việt chưa nắm bắt được tình hình kinh doanh thực tế của tiểu thương tại chợ. Chẳng hạn, bà con muốn nhập giày của DN trong nước để bán, nhưng các công ty yêu cầu phải mua mấy trăm đôi cho mỗi đơn hàng, trong khi nhà kho của tiểu thương không đủ chứa sản phẩm. Ngược lại, DN Trung Quốc sẵn sàng giao hàng với số lượng ít và làm rất tốt khâu tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Hàng Trung Quốc có mẫu đẹp, giá phải chăng, chưa kể thương nhân Trung Quốc hiểu được tâm lý kinh doanh của người Việt, họ nhiệt tình chào hàng tới tận tay người bán, không đặt điều kiện số lượng. Thậm chí, chủ DN Trung Quốc còn chấp nhận bán được mới lấy tiền, trong khoảng thời gian nhất định nếu không bán được cho phép trả lại. Các tiểu thương cũng chỉ ra một hạn chế khác của DN Việt là chưa có chiến lược hợp tác kinh doanh dài hạn với tiểu thương, chưa nghiên cứu kỹ tâm lý của người tiêu dùng là hàng phải tốt, giá hợp lý, dịch vụ hoàn hảo.

Cần linh hoạt trong kinh doanh

Bên cạnh sự cạnh tranh quyết liệt của hàng Trung Quốc, cần phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng hàng hóa Việt và cách thức kinh doanh của DN trong nước còn hạn chế. Theo nhiều chuyên gia, nguyên tắc thị trường là "không có sản phẩm nhỏ, chỉ có thị trường lớn".

Hầu hết tiểu thương tại chợ Đồng Xuân đều bày tỏ thiện chí muốn kinh doanh hàng Việt; các nhà sản xuất cũng mong đưa hàng vào chợ, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Do đặc thù kinh doanh trong chợ truyền thống khác với kinh doanh tại hệ thống thương mại hiện đại nên nhà sản xuất cần phải linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường, hợp tác kinh doanh. DN cần tiếp cận bà con, giới thiệu hàng hóa để hai bên có thể thảo luận, ký biên bản ghi nhớ nhằm hạn chế khâu trung gian. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, để hàng Việt vào được chợ truyền thống cần có chiến lược dài hạn, quan trọng nhất là DN nên chú trọng đến phân khúc thị trường theo sức mua, khả năng thanh toán và thiết lập kênh phân phối hàng hóa nhiều phân khúc tại chợ truyền thống để tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh và rộng. Ngoài ra, cần thiết lập sự liên kết chặt giữa DN sản xuất, nhà phân phối và DN quản lý chợ. Mỗi DN đều có thế mạnh riêng của mình, nếu tạo dựng mối liên kết chặt sẽ tạo thế mạnh để hàng Việt dần chiếm lĩnh thị phần hàng hóa tại chợ. Từ đó, DN có thể thông qua tiểu thương tại các chợ đầu mối để phân phối hàng hóa về khu vực nông thôn, vì họ đã có sẵn đầu mối tại các chợ. Việc này sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực khi mở đại lý tại các địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lỗi ở doanh nghiệp sản xuất?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.