Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ phần hóa: Cơ hội để Vietnam Airlines “cất cánh”

Tuấn Lương| 03/10/2014 06:38

(HNM) - Sau khi được phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), dự kiến cuối tháng 11-2014, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là cơ sở quan trọng để Vietnam Airlines tiếp tục đổi mới doanh nghiệp theo hướng phát triển,

Việc cổ phần hóa sẽ giúp Vietnam Airlines cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển thị trường.
Ảnh: Nam Khánh



Ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hiện đã có một số hãng hàng không quốc tế mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines. Vietnam Airlines cũng vừa có tờ trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt mức giá khởi điểm, quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian để thực hiện IPO. Về lộ trình, Vietnam Airlines sẽ hoàn thành công bố thông tin bản cáo bạch vào cuối tháng 9-2014; cuối tháng 10-2014 hoàn thiện công bố cho nhà đầu tư và cuối tháng 11-2014 sẽ thực hiện IPO. Sau CPH, Vietnam Airlines vẫn giữ 70% cổ phần tại Jetstar Pacific và sẽ không thoái vốn xuống dưới 50%, bởi Vietnam Airlines đã tính tới việc thành lập một hãng hàng không giá rẻ ngay từ trước khi tiếp nhận Jetstar Pacific.Vietnam Airlines cũng duy trì phần vốn tại các hãng hàng không khác như Vasco, Angkor Air.

Cũng theo lãnh đạo Vietnam Airlines, việc CPH sẽ giúp hãng cải thiện chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường; huy động được vốn của các nhà đầu tư trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế, vốn góp của cán bộ, nhân viên. Đồng thời, thu hút được vốn của cổ đông chiến lược nước ngoài là các nhà đầu tư tài chính có tiềm lực hoặc các tập đoàn lớn trong ngành hàng không thế giới nhằm tận dụng được vốn, công nghệ, dịch vụ hiện đại, kinh nghiệm quản lý và tiếp cận với tiêu chuẩn kinh doanh, quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế; minh bạch hóa tài chính và quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế phù hợp nhất; nâng cao vai trò làm chủ thật sự, gắn chặt trách nhiệm và quyền lợi của cổ đông, tạo động lực thúc đẩy trong công tác điều hành, quản lý sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao thu nhập của người lao động, của cổ đông và góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước. CPH được đánh giá là cơ hội lớn để Vietnam Airlines thực hiện được mục tiêu trở thành hãng hàng không 4 sao vào năm 2015 và là một trong 10 hãng hàng không được ưa chuộng về dịch vụ ở Châu Á vào năm 2020.

Ông Phạm Ngọc Minh cho biết thêm, để chuẩn bị cho mục tiêu này, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch thay đổi đội máy bay thân rộng hiện đại nhất thế giới A350-900 và Boeing B787-9 trong năm 2015; duy trì đội máy bay thân hẹp dưới 70 chỗ như ATR72 để khai thác các đường bay tầm ngắn, dung lượng vừa phải, đến các sân bay chưa tiếp nhận được máy bay lớn. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng chú trọng đầu tư các lĩnh vực bổ trợ như bảo dưỡng kỹ thuật máy bay, đào tạo huấn luyện phi công, các xí nghiệp cung cấp dịch vụ đồng bộ cho dây chuyền hoạt động của hãng hàng không (xăng dầu, suất ăn, dịch vụ mặt đất...); tiếp tục phát huy lợi thế về mạng bay nội địa và khu vực Đông Dương, đồng thời phát triển các đường bay khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và mạng đường bay xuyên lục địa.

Theo phương án CPH vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vietnam Airlines được kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của tổng công ty trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề Vietnam Airlines đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Về hình thức CPH, giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ sau CPH của Vietnam Airlines là hơn 14.100 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 20%; bán đấu giá công khai là 3,465%; phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn. Tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 10.180 người và toàn bộ số lao động này tiếp tục làm việc tại công ty cổ phần.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phần hóa: Cơ hội để Vietnam Airlines “cất cánh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.