Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng công ty Điện lực miền Bắc đi đầu trong công cuộc CNH – HĐH

Thanh Mai| 03/10/2014 06:50

(HNMO) - Công ty Điện lực 1 trước đây nay là Tổng công ty Điện lực miền Bắc, được thành lập ngày 6 tháng 10 năm 1969. Trải qua gần 45 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty không ngừng phát triển trưởng thành, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt nhu cầu về điện cho sự phát triển kinh tế xã hội của nhân dân 27 tỉnh trên địa bàn miền Bắc và Bắc Trung bộ.


Những ngày đầu gian khó

Những ngày đầu thành lập, nguồn điện của TCT chỉ có 180MW công suất đặt, 4644km đường dây và 1781 trạm biến áp các loại. Lưới điện chuyên tải mới chỉ có cấp điện áp 110kV. Mạng lưới điện cấp điện áp 110kV nối giữa các nhà máy lớn với các trạm biến áp 110kV Hà Đông – Đông Anh – An Lạc – Trình Xuyên và Mông Dương. Nhiều khu vực lưới điện chuyên tải chủ yếu là đường dây 35kV đẳng cấp 1. Trang thiết bị kể cả nguồn và lưới điện đều thuộc các thế hệ cũ, lạc hậu, trình độ tự động hoá thấp, chủ yếu là vận hành thủ công.

Để đảm bảo điện giữ vững sản xuất, chiến đấu, tất cả vì mục tiêu “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, toàn thể CBCNV, từ các nhà máy, công trường đến các cơ sở phân phối điện đã làm hết sức mình, anh dũng kiên cường bám lò, bám máy, bám địa bàn, vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống trả quyết liệt cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ để duy trì nguồn điện phục vụ sản xuất và chiến đấu với khẩu hiệu “Địch phá hỏng ta lập tức khôi phục”. Duy trì nguồn điện cho Tổ quốc đã trở thành tâm tư và lẽ sống của người thợ điện. Trong khi chỉ một thời gian ngắn từ năm 1968 đến năm 1972 giặc Mỹ đã phá hoại tới 70% số lò hơi, 61% số tua bin, 22% số máy phát điện, hàng chục trạm biến áp chủ lực, hàng trăm cây số đường dây truyền tải điện. Nhiều trang thiết bị bị phá huỷ hoàn toàn, nhiều cán bộ công nhân đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ để đảm bảo dòng điện an toàn và liên tục cho Tổ Quốc. 

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước bước vào thời kỳ mới - thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đất nước. Công ty Điện lực được đổi tên thành Công ty Điện lực 1. Trong một thời gian ngắn thực hiện khắc phục hậu quả chiến tranh tàn phá, Công ty Điện lực 1 đã khôi phục các nhà máy, trạm biến áp và hệ thống đường dây tải điện để đưa công suất nguồn đạt 451MW, sản lượng điện năng đạt 1,264 tỷ kWh. Sau 10 năm khôi phục và phát triển, đến năm 1985 Công ty Điện lực 1 đã hoàn thành được mạng lưới truyển tải cấp điện áp 220kV nối liền các nút truyển tải điện giữa Hoà Bình - Hà Đông - Chèm - Đông Anh - Phả Lại - Hải Phòng - Thanh Hoá – Vinh. Đưa nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có công suất 440MW vào hoạt động. Đây là nhà máy Nhiệt điện hiện đại và lớn nhất trong khu vực. Công suất nguồn toàn Công ty đạt 860MW, sản lượng đạt 3 tỷ kWh, chiếm 50% sản lượng điện năng toàn quốc, đây cũng là mạng lưới điện thống nhất ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc.

Đi đầu trong công cuộc CNH – HĐH đất nước


Vào những năm 1986 – 1995, công tác phát triển nguồn và lưới điện luôn luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao từ 10 đến 20% hàng năm. Sự tăng trưởng này đảm bảo cho chất lượng của hệ thống điện Miền Bắc do Công ty quản lý được ổn định vững chắc thể hiện vai trò là Công ty chủ chốt của ngành điện. Thành tích nổi bật là Công ty đã đóng góp tích cực vào việc đưa tổ máy số 1 – Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình có công suất 240MW vào vận hành tháng 12 năm 1988 và liên tiếp những năm sau đó đã đưa từ 1 đến 2 tổ máy vào vận hành. Đến tháng 4 năm 1994 đã hoàn thành việc đưa vào vận hành tất cả 8 tổ máy của nhà máy này, tăng 240MW x 8 = 1920MW cho hệ thống, nâng công suất nguồn điện do Công ty quản lý lên gần 3000MW. So với năm 1985, nguồn điện tăng hơn 3,5 lần. Đồng thời với việc tăng trưởng nguồn điện, Công ty đã tích cực phấn đấu tăng trưởng lưới điện. Năm 1990 lưới điện truyển tải 220kV ở Miền bắc đã vươn tới thành phố Đà Nẵng để cấp điện cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên Huế và Đà Nẵng. Sự kiện này có ý nghĩa nối hệ thống điện Miền Bắc với thống điện Miền Trung thành một thể thống nhất, nhờ đó đã chấm dứt tình trạng “đói điện” của Miền Trung kể từ ngày giải phóng đến nay. 

Để đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân phải đi đôi với xoá đói giảm nghèo, việc đưa điện về vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, vùng miền núi, biên giới của Tổ quốc là đòi hỏi cấp bách. Thực hiện nghị quyết lần thứ 22 của BCH Trung ương Đảng khoá VI, Công ty Điện lực 1 đã xây dựng và đưa vào vận hành dường dây 110kV và các trạm biến áp 110/35/10-6kV tại các khu vực Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Tuyên Quang - Hà Giang - Cẩm Phả - Tiên Yên - Móng Cái - Mộc Châu - Sơn La - Lai Châu - Lạng Sơn... đưa điện lưới Quốc Gia phủ kín các tỉnh ở Miền Bắc. Đặc biệt ở tỉnh Lạng Sơn, chỉ trong năm 1992 lưới điện Quốc Gia đã được đưa tới tất cả các huyện trong tỉnh, vượt kế hoạch 2 năm. 

Trong những năm cuối thế kỷ 20 đến nay, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế đất nước liên tục đạt mức tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể. Công cuộc Công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước tiếp tục được đẩy mạnh. Tăng trưởng Công nghiệp đạt trên 15%/năm. Do đó nhu cầu sử dụng điện tăng rất lớn, tốc độ phát triển phụ tải các loại trên địa bàn Công ty Điện lực 1 quản lý tăng đột biến và không theo quy luật thông thường. Tốc độ này đều vượt xa quy hoạch trong các giai đoạn mà ngành điện đề ra. Việc xây dựng phát triển lưới điện đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, ổn định, an toàn, đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội là yêu cầu cấp bách. Đứng trước thực trạng nguồn điện luôn luôn trong tình trạng thiếu công suất, lưới phân phối cũ nát, xuống cấp, khiến cho điện áp nhiều khu vực giảm thấp, dẫn đến tổn thất điện năng cao. Song, với tinh thần quyết tâm, đoàn kết cố gắng lớn Công ty Điện lực 1 đã huy động mọi khả năng, thống nhất nhiều biện pháp thực hiện và đã đạt được hiệu quả cao. Chỉ tính từ năm 2000 đến hết năm 2007 Công ty đã đầu tư, cải tạo 12.706 hạng mục công trình với tổng giá trị đầu tư gần 12.230 tỷ VNĐ. Tốc độ đầu tư tăng trưởng bình quân đạt trên 18%/năm. 

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và sự chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực 1 đã triển khai tiếp nhận và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn đồng loạt trên 26 tỉnh thuộc địa bàn Công ty quản lý với tổng số 8484 trạm biến áp, 6772 km đường dây ở 3472 xã, bằng 30% số lượng đường dây và trạm biến áp cùng loại Công ty đang quản lý. Số lượng đường dây và trạm biến áp này hầu hết đã được xây dựng từ những năm 1960-1980, do chính quyền các xã quản lý và bán điện đến hộ nông dân. Do kỹ thuật lạc hậu, trình độ quản lý cung ứng điện kém nên hầu hết các xã đều có giá bán điện đến các hộ nông dân ở mức 900-1500đ/kWh, cá biệt có nơi giá lên đến 2000đ/kWh. Trước khối lượng công việc rất lớn và nhiều khó khăn phải tính đến, lãnh đạo Công ty và toàn thể CBCNV đã nhất trí cao với quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Quốc hội, hoàn thành vượt mức kế hoạch tiếp nhận mà Tổng công ty Điện lực Việt Nam giao cho trong 3 năm (2000-2002). Chỉ trong 2 năm (2000-2001) tính đến 31/12/2001, Công ty Điện lực 1 đã thực hiện hoàn thành kế hoạch vượt trước thời gian được giao một năm và hoàn trả tổng số vốn gần 400 tỷ đồng, nhiều điện lực đã phấn đấu thực hiện đạt 100% số xã có giá bán điện dưới 700đ/kWh. Do đó Công ty Điện lực 1 đã được Tổng công ty Điện lực Việt Nam đánh giá là Công ty dẫn đầu toàn ngành, được nhân dân và UBND các tỉnh khen ngợi, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công nghiệp tặng Cờ thi đua xuất sắc, Tổng công ty Điện lực Việt Nam tặng Bằng khen. Đặc biệt năm 2002, Công ty Điện lực 1 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. 

Thành tích nổi bật của TCT trong 5 năm gần đây là công tác điện nông thôn, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá là đơn vị dẫn đầu toàn ngành. Trong điều kiện nguồn điện thường xuyên bị thiếu, sự tăng trưởng phụ tải luôn vượt quá năng lực cung ứng, TCT vẫn thực hiện hoàn thành xuất sắc công tác đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh có địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông khó khăn phức tạp, phân bổ dân cư thưa, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và sinh hoạt của nhân dân. Kết quả thực hiện công tác điện khí hóa nông thôn tính đến hết năm 2012, toàn TCT đã thực hiện được 246/247 (đạt 99,6%) huyện có điện lưới quốc gia, 5.024/5.091 (đạt 98,7%) xã có điện lưới quốc gia, 7.109.803/7.380.495 (đạt 96,3%) hộ nông dân có và sử dụng điện lưới quốc gia. Tính đến hết tháng 3/2014, đã phối hợp với các tỉnh để phát triển lưới điện nông thôn, kết quả đã có: 249/249 (100%) huyện có điện, 5.067/5.109 (99%) số xã có điện, 7.444.588/7.673.989 (97%) hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia…

Có thể khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển, tập thể lãnh đạo, CBCNV TCT luôn hoàn thành đoàn kết nhất trí, dũng cảm vượt mọi khó khăn, gian khổ, hăng hái thi đua lao động, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh và các mục tiêu chính trị được giao, khẳng định sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Với bề dày truyền thống, thành tích đó, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận bằng việc tặng thưởng cho TCT nhiều phân thưởng, danh hiệu cao quý, mà nổi bật là danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2003) và trong dịp kỷ niệm này, TCT được vinh dự trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng công ty Điện lực miền Bắc đi đầu trong công cuộc CNH – HĐH

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.