Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cạnh tranh hiệu quả, phát triển bền vững

Hương Ly| 16/10/2014 06:44

(HNM) - Chín tháng năm 2014, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, với tổng doanh thu đạt 560,1 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 125,5 nghìn tỷ đồng.

Công tác chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) được triển khai theo đúng nội dung và tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để hoàn thiện đề án tái cơ cấu (TCC), PVN đang đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH), nâng cao năng lực quản trị DN nhằm nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Hội đồng thành viên tập đoàn sẽ tập hợp các ý kiến từ cơ sở, qua đó trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung phương án TCC cho giai đoạn 2014-2015 và phê duyệt phương án sắp xếp TCC cho giai đoạn sau năm 2015.

Khai thác dầu tại mỏ Sông Đốc.


Là một trong 3 trục chính của đề án tổng thể TCC nền kinh tế, việc TCC các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có PVN đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, tại Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 5-1-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án TCC Tập đoàn PVN giai đoạn 2012-2015. Sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án, PVN đã thành lập Ban chỉ đạo tái cấu trúc tập đoàn và Tổ công tác thoái vốn. Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, Ban chỉ đạo tái cấu trúc tập đoàn thường xuyên làm việc với các đơn vị để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác TCC. Tính đến nay, tập đoàn đã phê duyệt phương án TCC của 18/18 đơn vị.

Đại diện Ban chỉ đạo tái cấu trúc tập đoàn cho biết, quá trình TCC PVN tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, song cũng gặp phải không ít khó khăn. Tại nhiều đơn vị trực thuộc PVN, bộ máy quản lý gián tiếp còn cồng kềnh, hiệu quả chưa cao. Cơ cấu, số lượng lãnh đạo còn lớn, không hợp lý và chưa được thực hiện chế độ kiêm nhiệm tại một số vị trí không cần chuyên trách, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, định mức chi phí của các đơn vị còn cao, sức cạnh tranh thấp so với các đơn vị bên ngoài trong cùng ngành, cùng lĩnh vực. Một số đơn vị còn trông chờ và nhận được nhiều sự hỗ trợ của tập đoàn trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường nhưng hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp nếu so với ngay lãi suất ngân hàng, thậm chí một số đơn vị kinh doanh thua lỗ…

Đối với công tác CPH, các DN trực thuộc PVN đều có quy mô lớn, nhiều đặc thù. Có DN chịu sự điều tiết về giá bán sản phẩm của Nhà nước nên thời gian chuẩn bị, tháo gỡ khó khăn trước CPH thường kéo dài. Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ DN sau CPH cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, Nhà nước chưa có quy định rõ ràng đối với một số lĩnh vực, chẳng hạn như quy định về giá khí cho Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), ưu đãi thuế cho Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), vì vậy thời gian kiến nghị, đề xuất thường kéo dài. Nếu không phê duyệt thì DN sẽ thua lỗ sau CPH. Ngoài ra, chi phí cho CPH (tối đa 500 triệu đồng) quá thấp cũng dẫn đến việc tìm đối tác, cổ đông chiến lược bị hạn chế. Tại lĩnh vực thoái vốn đầu tư ngoài ngành, việc cùng một lúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty cùng thoái vốn đồng loạt nên đã tạo ra nguồn cung quá lớn trên thị trường chứng khoán, trong khi nhu cầu thị trường còn hạn hẹp. Trong khi đó, các đơn vị thuộc đối tượng thoái vốn kinh doanh hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, thậm chí có đơn vị không còn hoạt động liên tục và nhiều yếu tố khách quan khác đã ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn…

Trước thực trạng này, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc PVN đã lưu ý người đại diện phần vốn của tập đoàn tại các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ CPH, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị DN, hoàn thiện các quy trình, quy chế nội bộ, các định mức kinh tế kỹ thuật… để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững. Đối với các đơn vị góp vốn vào cùng một DN thuộc đối tượng thoái vốn, Tổng Giám đốc đề nghị các đơn vị cần chủ động phối hợp, lập phương án cụ thể để triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Trưởng ban chỉ đạo tái cấu trúc tập đoàn cũng khẳng định, Hội đồng thành viên tập đoàn sẽ tập hợp các ý kiến TCC cho giai đoạn 2014-2015 và phê duyệt phương án sắp xếp TCC cho giai đoạn sau 2015; đồng thời cũng yêu cầu người đại diện phần vốn của tập đoàn tại các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với tập đoàn để hoàn tất công tác tái cấu trúc theo hạn định của Thủ tướng Chính phủ.

Chín tháng đầu năm, gia tăng trữ lượng dầu khí của PVN đạt 28,53 triệu tấn dầu quy đổi, bằng 81,5% kế hoạch năm. PVN cũng có 5 phát hiện dầu khí mới và ký 3 hợp đồng dầu khí mới. Tổng sản lượng khai thác quy dầu 9 tháng đạt 20,34 triệu tấn, bằng 108,7% kế hoạch 9 tháng và 79% kế hoạch năm. Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong tập đoàn 9 tháng đạt 560,1 nghìn tỷ đồng, bằng 119,5% kế hoạch 9 tháng và 84% kế hoạch năm, nộp ngân sách nhà nước đạt 125,5 nghìn tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch 9 tháng và 89% kế hoạch năm. Quý IV-2014, PVN phấn đấu khai thác dầu khí đạt 7,67 triệu tấn quy đổi, dầu thô: 4,91 triệu tấn quy đổi, khai thác khí: 2,76 tỷ mét khối, sản xuất 4,8 tỷ kWh điện, xăng dầu các loại đạt 1.352 nghìn tấn…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cạnh tranh hiệu quả, phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.