Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tục thuế, hải quan: Vẫn làm khó doanh nghiệp

ĐẶNG LOAN| 07/11/2014 06:46

(HNM) - Hàng trăm DN tham gia đã cùng nêu những bức xúc họ phải gặp hằng ngày trong quá trình làm việc với hai ngành thuế và hải quan.


Thuế: Phạt, thu tùy tiện!

Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH nhóm liên kết Châu Quốc Đạt bức xúc cho biết công ty này nhận đến 14 thông báo nộp phạt từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh về vi phạm hành chính hóa đơn và 1 thông báo cưỡng chế tài khoản tại ngân hàng dù công ty không vi phạm. 

Doanh nghiệp phản ánh những bức xúc về thủ tục thuế tại buổi đối thoại.


Theo bà Ánh Nguyệt trình bày, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt với lý do Công ty Châu Quốc Đạt không thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng do cơ quan thuế cung cấp theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong khi thực tế, vào tháng 12-2010 công ty có nộp thông báo lên Chi cục Thuế Gò Vấp nhưng tổ tiếp nhận hồ sơ không nhận và giải thích là công ty siêu nhỏ nên không cần nộp. Thật bất ngờ, đến tháng 4-2013 thì Cục Thuế lại ra quyết định xử phạt. Khi công ty làm tờ trình trình bày sự việc thì cán bộ Cục Thuế đề nghị nếu nhận thiếu sót không nộp thông báo thì mức phạt sẽ giảm còn 12 triệu đồng, nếu không thì mức phạt sẽ là 60 triệu đồng! Đáng nói là sau khi tham khảo ý kiến của luật sư, Châu Quốc Đạt làm đơn khiếu nại lên Cục Thuế thì được trả lời là thời hạn khiếu nại đã hết do đã quá 90 ngày!

Trước ý kiến của nhiều DN về việc hoàn thuế VAT với xuất khẩu vẫn gặp khó, thời gian lâu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, thời gian hoàn thuế VAT theo quy định 40 ngày, vì vậy nếu ngành thuế không kiểm tra đối chiếu kịp trong thời gian này thì phải hoàn trước và kiểm tra đối chiếu sau.

Công ty liên doanh Đại Dương ở TP Hồ Chí Minh (chuyên kinh doanh dịch vụ khách sạn) cũng bức xúc với cách tính thuế tùy tiện của ngành thuế. Theo đơn vị này, từ 1-1-2009 Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực, bắt đầu tính thuế TNCN với thu nhập trúng thưởng từ trò chơi có thưởng. Tuy nhiên, luật lại yêu cầu rất phức tạp là xác định thuế từng người chơi với mỗi trò chơi nên không thể thực hiện được. Đến tháng 9-2009 mới có thông tư hướng dẫn nhưng cũng không rõ ràng khiến DN lúng túng không biết thực hiện thế nào. Vì vậy, DN đành phải "tự vận dụng" cách kê khai. Năm 2012, khi Tổng cục Thuế tiến hành thanh kiểm tra đã ra quyết định truy thu Công ty Đại Dương. Tổng cục Thuế đã chia làm 3 giai đoạn để tính thuế: 9 tháng đầu năm 2009, 3 tháng cuối năm 2009 và từ năm 2010 đến 2012. Theo đó, cơ quan thuế đồng ý với kê khai của DN trong 3 tháng cuối năm 2009; ấn định 31 tỷ đồng tiền thuế trong 9 tháng đầu năm 2009 (DN kê khai là 25 tỷ đồng). Riêng trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2012 thì ngành thuế lại ấn định thu thuế bằng cách dùng tỷ lệ thuế đã nộp của một DN khác kinh doanh tại khách sạn Caravell áp dụng cho Công ty Đại Dương. "Tại sao luật thuế không thay đổi và công ty chúng tôi vẫn kê khai thống nhất như nhau thì ngành thuế lại chia ra làm 3 giai đoạn với 3 cách tính thuế, rồi lại phạt công ty chúng tôi", đại diện công ty này bức xúc cho biết đã khiếu nại lên Tổng cục Thuế từ 5 tháng nay mà sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Tổng cục Thuế phải thực hiện giải quyết khiếu nại của Công ty Đại Dương theo đúng luật là 35 ngày. Trên thực tiễn, việc áp thuế TNCN trên trò chơi trúng thưởng là rất khó do không xác định được số tiền trúng thưởng nên ông Tuấn đề nghị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh giải quyết theo kê khai thuế của DN, rồi thanh tra, kiểm tra nếu DN kê khai sai thì xử lý chứ không ấn định thuế như ngành thuế đang làm. Ông Tuấn cũng đề nghị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh giải quyết khiếu nại của Công ty Châu Quốc Đạt một cách nhanh chóng.

Hải quan: Sợi tóc chẻ làm ba!

Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn cho rằng, dù đã thực hiện hải quan điện tử nhưng thủ tục còn rất nhiều nhiêu khê "làm khó" DN. Ông Linh kể trường hợp công ty ông đã nộp thuế trước thông quan qua Kho bạc Nhà nước có kèm bản sao và bản chính chứng từ nhưng hệ thống mạng của hải quan vẫn "treo" DN nợ thuế nên cưỡng chế không cho DN mở tờ khai để tiếp tục xuất, nhập hàng hóa. Thậm chí hải quan còn dựa vào những lỗi chính tả trên chứng từ để bắt bẻ, chuyển mã hàng áp thuế cao hơn… Mỗi lần mở tờ khai hải quan DN phải nộp phí 20.000 đồng nhưng do không được nộp tiền mặt mà phải chuyển khoản nên tốn thêm 16.500 đồng phí, chậm thanh toán thì bị cưỡng chế. Ông Linh kiến nghị Bộ Tài chính bỏ khoản phí này vì quá nhỏ và mất thêm thời gian của DN.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, DN nợ lệ phí thì không phải đưa vào cưỡng chế, nếu DN nào bị cưỡng chế thì thông báo cho Tổng cục Hải quan và những đơn vị nào chỉ vì khoản thu 20.000 đồng mà làm khó DN thì sẽ bị xử lý. Ông Tuấn cũng cho biết, việc triển khai hải quan điện tử vẫn nhiều khâu chưa đồng bộ, làm khổ DN. Ông Tuấn đề nghị các Cục Hải quan phải có biện pháp tình thế, chia loại DN để giải quyết công việc. Chẳng hạn, với DN bị phân loại rủi ro cao mới phải xuất trình chứng từ có xác nhận; còn với DN ưu tiên, DN không rủi ro thì chấp nhận khai báo của DN để làm các thủ tục thông quan, không được cản trở DN. "Có những đồng chí chẻ sợi tóc làm ba để xử lý", ông Tuấn nói đồng thời cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của DN để tiếp tục cải cách hơn nữa hai thủ tục thuế và hải quan, tạo điều kiện tốt hơn cho DN hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục thuế, hải quan: Vẫn làm khó doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.