Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thành lập cơ quan đầu mối quản lý doanh nghiệp nhà nước

Việt Nga ghi| 08/11/2014 07:28

(HNM) - Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 7-11, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch cho rằng, cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản và thành lập cơ quan trực thuộc Chính phủ điều hành các doanh nghiệp (DN) nhà nước.



- Trong các phiên thảo luận, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng cần xóa bỏ cơ chế chủ quản của các bộ đối với DN. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

- Bây giờ không nói (bộ - PV) chủ quản nhưng thực chất còn hơn chủ quản. Trước đây, còn 18 Tổng Công ty 91, các bộ không can thiệp, bây giờ trả về các bộ hết thì các bộ can thiệp từ nhân sự đến kế hoạch. Tôi gặp lãnh đạo các tổng công ty nhà nước, tập đoàn, cũng nghe người ta kêu trời vì nằm dưới “nách” các bộ, mọi chuyện đều phải “bẩm”. “Bẩm” từ ông chuyên viên, “bẩm” lên đến vụ trưởng, rồi thứ trưởng phụ trách... Nếu như vậy, chúng ta không thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Các bộ phải là trọng tài, đề ra chính sách, kiểm tra bảo đảm thực hiện đúng theo quan điểm mọi thành phần kinh tế hoạt động theo luật.

- Nhưng điều đó cho đến nay vẫn chưa khắc phục được, thưa ông?

- Đúng là thực trạng đã kéo dài, chưa được khắc phục. Tôi cho rằng, việc chậm thực hiện là do liên quan lợi ích của các bộ, địa phương. Vì vậy, việc sửa đổi các luật mà chúng ta đang làm là cơ hội để giải quyết tình trạng trên. Nhà nước cần nắm giữ (doanh nghiệp nào - PV) thì nắm 65% cổ phần là đủ rồi, chỗ nào không cần thiết thì thoái vốn dần.

- Vậy theo ông, biện pháp nào để quản lý các tập đoàn nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước?

- Chúng tôi đã đề xuất nhiều lần, để khắc phục tình trạng này cần tổ chức một cơ quan trực thuộc Chính phủ là đầu mối sắp xếp, tổ chức lại các DN thuộc hệ thống để dần quy lại 4 lĩnh vực theo đúng Luật Kinh doanh vốn nhà nước, đó là: Nhóm các dịch vụ công cộng; nhóm công nghiệp quốc phòng; nhóm độc quyền như khoáng sản, tài nguyên quốc gia; đầu tư mở đường về công nghệ cao. Tôi nhấn mạnh, việc đầu tư “mở đường” là hết sức quan trọng và phải gắn với kế hoạch, chiến lược. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đề xuất các ngành để Nhà nước đầu tư, Quốc hội sẽ quyết định vấn đề này. Sau khi đầu tư “mở đường”, khu vực kinh tế tư nhân đã làm được thì lúc đó Nhà nước sẽ rút vốn để đầu tư các lĩnh vực khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thành lập cơ quan đầu mối quản lý doanh nghiệp nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.