Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ phần hóa Vietnam Airlines: Khẳng định vị thế doanh nghiệp

Tuấn Lương| 14/11/2014 06:48

(HNM) - Hơn 1.600 nhà đầu tư (NĐT), trong đó có 28 NĐT nước ngoài tham gia đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)...

Tín hiệu lạc quan

Đợt IPO lần đầu tiên của Vietnam Airlines được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vào ngày 14-11. Đại diện HOSE cho biết, số lượng tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phiếu Vietnam Airlines là 49,3 triệu cổ phiếu, vượt quá số lượng 49 triệu cổ phiếu mà Vietnam Airlines dự kiến chào bán. Đáng kể nhất là trong tổng số 1.608 NĐT đăng ký tham gia đợt đấu giá này có tới 28 NĐT nước ngoài. Đây là tín hiệu cho thấy mức độ quan tâm rất lớn của thị trường đối với cổ phiếu Vietnam Airlines.

Với giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần, quy mô của đợt đấu giá này xấp xỉ 1.100 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, đợt IPO này của Vietnam Airlines là phiên đấu giá được mong đợi nhất trong năm, mang đến cho NĐT cơ hội sở hữu cổ phiếu của hãng hàng không hiếm hoi luôn duy trì lợi nhuận, ngay cả trong những năm khủng hoảng. Ông Trần Thăng Long - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, cổ phiếu của Vietnam Airlines có nhiều ưu thế so với các cổ phiếu khác trên thị trường hiện nay. Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn nhất tại Việt Nam và đứng thứ 5 trong các hãng hàng không truyền thống trong khu vực về quy mô đội máy bay và sản lượng vận chuyển hành khách. Hãng hàng không này cũng sở hữu hệ thống tài sản hữu hình và vô hình có giá trị cao gồm đội bay trẻ, mạng bay rộng và nhân sự chất lượng cao. Việc Vietnam Airlines tiến hành IPO vào thời điểm cuối năm là thích hợp vì thị trường chứng khoán thường sôi động vào cuối năm và kéo dài sang quý I năm sau. Đây cũng là thời điểm dòng tiền khá phong phú từ phía NĐT nội, dòng tiền kiều hối và dòng vốn ngoại chuyển dịch có tính chu kỳ.

Việc cổ phần hóa Vietnam Airlines sẽ tạo nên sức bật mới cho doanh nghiệp này. Ảnh: Minh Sơn


Thay đổi để phát triển

Vietnam Airlines thời "hậu" cổ phần hóa (CPH) sẽ thế nào? Đây là câu hỏi được đặt ra không chỉ với các NĐT trong nước, nước ngoài mà còn với đông đảo người dân. Bởi Vietnam Airlines đang đóng vai trò là hãng hàng không quốc gia, chiếm thị phần vận tải hành khách lớn nhất tại Việt Nam (51,8%, trong đó nội địa chiếm 63,2% và quốc tế chiếm 40,6%).

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, sau khi CPH, Vietnam Airlines - công ty cổ phần được kế thừa các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Vietnam Airlines trước khi chuyển đổi. Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Vietnam Airlines hoàn thành tốt vai trò là hãng hàng không quốc gia, lực lượng chủ lực trong hoạt động vận tải hàng không nước nhà. Ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết, CPH là cơ hội để thay đổi chính mình, trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, lực lượng vận tải chủ lực, giữ vai trò chủ đạo trong giao thông hàng không Việt Nam và khu vực. Vietnam Airlines phấn đấu đến năm 2015 đạt tiêu chuẩn 4 sao; năm 2020 trở thành hãng hàng không được ưa chuộng ở Châu Á về chất lượng dịch vụ trên không và mặt đất. Việc phát hành cổ phần để huy động vốn sẽ giúp hãng có thêm nguồn lực để phát triển đội máy bay hiện đại, mở rộng mạng bay. Từ giữa năm 2015, hãng sẽ bắt đầu chương trình đổi mới toàn bộ đội máy bay thân rộng bằng hai dòng máy bay thế hệ mới là Boeing 787-9 và Airbus A350-900. Như vậy, Vietnam Airlines là hãng thứ hai trên thế giới khai thác máy bay Airbus A350-900 và là hãng đầu tiên của Châu Á khai thác đồng thời 2 dòng máy bay hiện đại nhất thế giới này. Tổng số máy bay thân rộng mà Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận trong giai đoạn từ năm 2015 đến đầu 2019 là 33 chiếc gồm, 19 máy bay Boeing 787-9 và 14 máy bay Airbus A350-900.

Ngoài việc phát triển đội máy bay, Vietnam Airlines sẽ chú trọng đầu tư các lĩnh vực bổ trợ như bảo dưỡng kỹ thuật máy bay, đào tạo huấn luyện phi công, cung cấp dịch vụ đồng bộ cho dây chuyền hoạt động của hãng hàng không (xăng dầu, suất ăn, dịch vụ mặt đất...). Trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt của thị trường, Vietnam Airlines phải tự khẳng định vị trí của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phần hóa Vietnam Airlines: Khẳng định vị thế doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.