Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Luật không bảo bỏ con dấu doanh nghiệp, nhưng...”

H.Đ| 01/12/2014 14:29

(HNMO) - Theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Không ít người đã hiểu theo ý, từ nay doanh nghiệp sẽ không cần dùng con dấu nữa?

TS. Lê Thành Vinh


Trả lời báo chí về vấn đề này, TS. Lê Thành Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Luật TNHH SMiC nói:

- Dường như đang có một sự hiểu nhầm nội dung về con dấu của doanh nghiệp, trong Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua. Nhiều báo chí đưa tin bỏ con dấu, nhưng thực tế, luật không quy định là bỏ hay không dùng con dấu nữa.

Cho dù vậy, theo tôi, so với các quy định hiện hành, thì Luật Doanh nghiệp mới vẫn đã cải cách rất lớn về con dấu.

Trước hết là thay đổi về cách tiếp cận trong quản lý nhà nước về con dấu. Theo Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định số 58/2001/NĐ-CP thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp muốn hoạt động phải xin phép khắc dấu và phải được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý cho khắc dấu và cấp giấy đăng ký mẫu dấu. Doanh nghiệp muốn có con dấu thứ hai thì cũng phải xin phép và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp mới đã chuyển quyền quyết định này về cho doanh nghiệp.

Cụ thể, điều 44 Luật Doanh nghiệp mới quy định doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp, nhưng phải bảo đảm nội dung con dấu thể hiện những thông tin tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. Sau khi quyết định rồi thì doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu đó với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Một cải cách lớn thứ hai là quy định về sử dụng con dấu.

Theo Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định số 58/2001/NĐ-CP thì con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp. Nói cách khác, nếu không có con dấu đóng trên văn bản giấy tờ thì văn bản giấy tờ đó cũng chưa được khẳng định giá trị pháp lý.

Luật Doanh nghiệp mới quy định con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. Mặc dù chúng ta cần chờ thêm hướng dẫn của Chính phủ để hiểu chắc chắn trường hợp nào pháp luật quy định phải sử dụng con dấu, có thể thấy, Luật Doanh nghiệp mới đã mở ra một khả năng có giao dịch không cần sử dụng con dấu.

Cải cách thứ ba mà tôi cho cũng rất quan trọng, là quy định về lưu giữ và bảo quản con dấu. Thay vì quy định cứng như trong Luật Doanh nghiệp là phải lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp mới cho phép điều lệ doanh nghiệp tự quy định việc lưu giữ con dấu.

Cải cách này sẽ giảm bớt rất nhiều sự vướng mắc trong sử dụng con dấu ở ngoài trụ sở chính của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Người đại diện theo pháp luật có thể mang dấu đi bất kỳ địa điểm nào để tiện cho việc quản lý và sử dụng, mà không lo đã làm trái quy định như hiện nay.

Chưa tháo hết “vòng kim cô”

Việc để doanh nghiệp “tự chủ” về con dấu, theo ông có thực sự “cởi trói” cho doanh nghiệp? Doanh nghiệp nên vận dụng việc “tự chủ” này như thế nào để mang lại hiệu quả và sự hợp lý nhất cho doanh nghiệp mình?

Nếu hiểu doanh nghiệp hiện nay đang bị trói buộc bởi những quy định khắt khe, thậm chí là cứng nhắc về con dấu thì việc để doanh nghiệp tự quyết định thực sự là một sự “cởi trói” cho họ.

Việc nên quyết định khắc con dấu như thế nào, có nội dung gì và số lượng bao nhiêu sao cho hiệu quả thì lại tùy thuộc vào từng doanh nghiệp một.

Tôi cho rằng khi quyết định doanh nghiệp cần cân nhắc đến tính chất ngành nghề hoạt động, nhu cầu sử dụng và khả năng quản lý con dấu của mình.

Một điểm mới của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đó là quy định không cần ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận. Liệu sự thay đổi này có đang tháo bỏ một gánh nặng đáng kể, giảm thủ tục, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh?

Đúng là Luật Doanh nghiệp mới đã bỏ quy định phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, luật vẫn quy định ngành nghề kinh doanh là một nội dung mà doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Khi thay đổi ngành nghề đã đăng ký, doanh nghiệp lại phải thông báo lại cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Tôi cho rằng cải cách như trên của Luật Doanh nghiệp mới cũng chỉ ở mặt hình thức, giấy tờ chứ chưa thực sự giải quyết bản chất của vấn đề. Việc bỏ nội dung ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do vậy, cũng sẽ không tháo bỏ gánh nặng, giảm thủ tục hay tạo sự linh hoạt đáng kể nào cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành nghề mình dự định kinh doanh, chỉ có điều cơ quan nhà nước sẽ không phải ghi các ngành nghề đăng ký đó trên giấy chứng nhận nữa.

Sự linh hoạt cho doanh nghiệp ở đây, chính là mỗi lần thay đổi họ chỉ việc làm thông báo lên cho cơ quan đăng ký kinh doanh mà không cần phải chờ cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cập nhật ngành nghề thay đổi đó.

Tuy nhiên, điều mà tôi lo ngại là mỗi lần thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh doanh nghiệp lại phải chờ ý kiến trả lời của cơ quan này rồi mới được phép kinh doanh trong ngành nghề mới thay đổi đó.

Mà nếu cơ quan đăng ký kinh doanh cứ ra một văn bản trả lời là chấp nhận thay đổi ngành nghề thì chẳng khác nào là cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sửa đổi như hiện nay. Đây là tư duy rất phổ biến ở Việt Nam, và tôi sợ rằng khi áp dụng cải cách này sẽ không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Tôi cũng đã từng phát biểu về vấn đề bỏ việc đăng ký kinh doanh theo ngành nghề. Quan điểm của tôi là đăng ký doanh nghiệp chỉ nên đơn thuần là đăng ký khai sinh ra một tổ chức kinh tế.

Nội dung đăng ký chỉ cần đến mức đủ để xác định danh tính của doanh nghiệp đó, ai là chủ sở hữu, ai là người đại diện, doanh nghiệp tổ chức theo loại hình nào và có vốn bao nhiêu để xác định trách nhiệm của doanh nghiệp trong quan hệ với cá nhân tổ chức khác. Sau khi khai sinh rồi thì doanh nghiệp có quyền kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Khi muốn kinh doanh lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật yêu cầu có điều kiện thì doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện đó rồi mới được tiến hành kinh doanh. Chỉ có vậy mới thực sự tháo bỏ đi “vòng kim cô” hiện đang hạn chế quyền tự do kinh doanh được.

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này được các nhà làm chính sách đánh giá có nhiều nội dung mới, đột phá theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân. Ông nghĩ sao về những điểm mới này?

So với Luật Doanh nghiệp 2005, tôi cho rằng Luật Doanh nghiệp mới cũng đã có nhiều nội dung cải cách đáng kể theo hướng bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân.

Có thể kể đến những cải cách rút ngắn thủ tục thành lập doanh nghiệp, về bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận, về bỏ yêu cầu xác định vốn pháp định ngay từ đầu, về con dấu, về tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp…

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng cần cải cách mang tính đột phá hơn nữa thì mới có thể đảm bảo được quyền tự do kinh doanh, khơi dậy và phát huy được các nguồn lực trong xã hộiđể đưa vào kinh doanh.

Cứ nhìn sang các nước khác như Singapore chẳng hạn, người ta thành lập doanh nghiệp hết có mấy phút trên mạng là kinh doanh được rồi, đâu cần phải nhiều thủ tục ràng buộc như ở Việt Nam. Làm mất cơ hội kinh doanh, gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý và nhiều hệ lụy kéo theo khác sẽ là kết quả tất yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Luật không bảo bỏ con dấu doanh nghiệp, nhưng...”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.