Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại thu hút đầu tư nước ngoài năm 2014: Cái kết có hậu

Anh Minh| 17/01/2015 07:46

(HNM) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung cả vốn cấp mới và tăng vốn trong năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 20,23 tỷ USD, bằng 93,5% so với năm 2013 và tăng 19% so với kế hoạch. Kết quả trên thể hiện sự chuyển biến rất có ý nghĩa trong bối cảnh

Hoạt động của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt



Năm 2014, điều đáng mừng là niềm tin của giới đầu tư quốc tế được duy trì và tiếp tục cải thiện, thể hiện qua sự khẳng định của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu sẵn sàng chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư khi có nhu cầu. Thực tế đó có được là do Quốc hội thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trở thành nền tảng, điều kiện để tăng cường hấp dẫn dòng vốn ngoại. Hơn nữa, một nghị định riêng về triển khai thực hiện hình thức đối tác công - tư (PPP) sẽ sớm ra đời, mở ra cơ hội to lớn cho nhà ĐTNN tham gia vào các dự án xây dựng, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ xã hội. Đến nay, cơ quan chức năng đang chuẩn bị nội dung, hoàn thiện danh mục những dự án dự định kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, thuộc nhiều lĩnh vực như: Môi trường, nước sạch, cung cấp trang thiết bị, y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị… Các chuyên gia nhận định, PPP sẽ là thời cơ để DN nói chung và DN nước ngoài nói riêng tham gia đầu tư vào các dự án mà trước đây vốn chủ yếu dành cho DN nhà nước.

Một kết quả khả quan khác là các dự án ĐTNN đã giải ngân được 12,35 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2013 và tăng 2,9% so với kế hoạch cả năm. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của các DN ĐTNN chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, nhờ hoạt động ổn định nên khu vực này cung cấp hàng triệu việc làm, bảo đảm thu nhập và an sinh xã hội tại nhiều địa phương. Một số tỉnh nhờ thành công trong thu hút vốn ĐTNN nên đã có bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, theo hướng tích cực thông qua việc gia tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; thúc đẩy quá trình CNH như Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bình Dương qua các dự án quy mô lớn của Samsung (Hàn Quốc). Năm 2014 cũng chứng kiến hàng chục cuộc tìm hiểu thực tế của nhiều đoàn DN đến từ Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản, Mỹ. Trong đó, họ nhắm vào một số dự án hạ tầng lớn, có quy mô lớn và tính lan tỏa cũng như tầm ảnh hưởng rõ rệt đối với tương lai phát triển của các địa phương.

Dự báo, mức thu hút vốn ĐTNN năm 2015 của Việt Nam vẫn có thể khả quan do phần lớn nhà đầu tư đang triển khai tái cơ cấu các khoản đầu tư trên phạm vi toàn cầu, trong đó chủ yếu là chuyển dịch vốn đến những quốc gia/khu vực năng động, có sẵn nguồn nhân lực, có vị trí địa lý thuận tiện cho hoạt động vận tải hàng hóa xuất khẩu. Giới đầu tư ngoại cũng đánh giá cao địa bàn có tốc độ tăng trưởng GDP mạnh kết hợp với sự ổn định về môi trường chính trị - xã hội như nước ta...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại thu hút đầu tư nước ngoài năm 2014: Cái kết có hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.