Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng Việt bị làm giả: Tác hại khôn lường

Thanh Hiền| 25/03/2015 06:46

(HNM) - Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động

Đầu tháng 3-2015, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã phát hiện lô hàng hơn 3.000 sản phẩm các loại gồm quần áo, giày, ví da, thiết bị di động… giả mạo những thương hiệu nổi tiếng như Nike, Gucci, Versace. Điều đáng nói là dù gắn xuất xứ Việt Nam, nhưng toàn bộ số hàng vẫn còn sót lại các tem chữ nhãn Trung Quốc trên sản phẩm. Trước đó, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (BCĐ 389) đã bắt được 4 xe tải chở ước tính khoảng 100 tấn hàng hóa gồm nhiều chủng loại như phụ tùng xe máy, xe đạp điện, hàng điện gia dụng, quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí, các sản phẩm gia dụng còn ghi rõ sản xuất tại Hà Đông (Hà Nội) với hạn bảo hành một năm có chứng nhận hợp quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao. Theo BCĐ 389, nếu sản phẩm được đưa vào thị trường trót lọt sẽ dễ dàng qua mắt được người tiêu dùng vì sản phẩm rất "sắc nét".

Người tiêu dùng cần cảnh giác với một số mặt hàng Việt bị làm giả. Ảnh: Thái Hiền


Đánh giá của Chi cục QLTT Hà Nội cho thấy, hàng nhập lậu có xuất xứ Trung Quốc được gắn mác "Made in Vietnam" không chỉ dễ tiêu thụ, mà còn dễ bán với giá cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để xử lý người làm giả xuất xứ thì phải bắt quả tang nơi sản xuất. Song thực tế để xác định nguồn gốc một lượng lớn hàng nhập lậu đội lốt hàng Việt không đơn giản. Khó khăn nhất là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chỉ được phát hiện sau khi lực lượng QLTT kiểm tra gắt gao kết hợp lời khai của các đối tượng vận chuyển; còn khi đã lưu thông ra thị trường rất khó kiểm soát. Trong khi đó, số hàng hóa giả mạo hàng Việt phát hiện được chỉ là một phần nhỏ trong lượng hàng hóa giả đang trôi nổi trên thị trường.

Không chỉ có những lô hàng giả xuất xứ Việt Nam được các đầu nậu chuyển đổi xuất xứ rồi tuồn về thị trường trong nước tiêu thụ, mà vài năm trở lại đây còn có tình trạng doanh nghiệp Việt sang đặt hàng tại Trung Quốc sản xuất theo mẫu rồi dán nhãn của mình vào. Sở dĩ có tình trạng này là do phần lớn ưu đãi đều dành cho hàng xuất khẩu như chính sách giảm trừ thuế giá trị gia tăng, trong khi hàng trong nước lại không được giảm trừ khiến giá nhiều mặt hàng cùng loại trong nước bị đẩy lên cao. Đây là một thực tế đáng báo động, vì hiện tượng này rất nguy hiểm cho không chỉ người tiêu dùng mà cả sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Theo đại diện của Cục Quản lý xuất nhập khẩu và Cục Cạnh tranh (Bộ Công thương), hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam không chỉ đánh lừa người tiêu dùng Việt Nam, mà còn trà trộn vào hàng xuất khẩu của Việt Nam để xuất khẩu. Hiện, Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, vì vậy thuế quan tiến tới sẽ bằng 0 và các rào cản sẽ được xóa bỏ. Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho biết, trong các điều khoản cam kết của các nước tham dự FTA song phương và đa phương, điều khoản về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được đặt lên hàng đầu để nhận ưu đãi. Nếu khi phát hiện hàng hóa đó không được sản xuất tại Việt Nam hoặc nguyên liệu đầu vào không được nhập từ một nước thứ ba (cho phép) thì các nước đối tác có quyền đặt các hàng rào kỹ thuật hoặc cấm nhập. Khi đó thiệt hại về uy tín đối với thương hiệu Việt sẽ rất lớn, thậm chí bị tẩy chay vì gian lận.

Để ngăn chặn tình trạng hàng nhập lậu giả nhãn mác của các doanh nghiệp trong nước, đòi hỏi lực lượng chức năng khu vực biên giới phải có biện pháp quyết liệt. Mặt khác, các cấp có thẩm quyền cần có chính sách tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt cạnh tranh lành mạnh, tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển vững chắc tại thị trường nội địa.

Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Vương Trí Dũng cho biết, trong năm 2014, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện, xử lý 1.120 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có không ít vụ hàng nhập lậu giả nhãn mác hàng Việt. Đơn cử như vụ Đội QLTT số 6 (Chi cục QLTT Hà Nội) qua kiểm tra đã thu giữ 4 tấn bánh, kẹo do Trung Quốc sản xuất nhưng trên bao bì sản phẩm có ghi tên 4 cơ sở sản xuất của Việt Nam, trong đó có 3 cơ sở sản xuất tại làng nghề La Phù (huyện Hoài Đức - Hà Nội). Kiểm tra những địa chỉ này, cơ quan chức năng xác định những cơ sở trên đều không có thật. Trước đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ hơn 600 kiện hàng gồm 30 tấn vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, đang được vận chuyển từ Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội để đưa đi tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng Việt bị làm giả: Tác hại khôn lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.