Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ tái cấu trúc

Việt Nga| 17/04/2015 06:37

(HNM) - Một mục tiêu quan trọng của việc thực hiện tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chính là nâng cao năng suất lao động.

Đó là phương thức áp dụng các công cụ quản trị tiên tiến (gồm thẻ cân bằng điểm - BSC và hệ thống tính lương - 3Ps) vào tổ chức bộ máy để thay đổi cách thức hoạt động mang lại giá trị cao. Với Tập đoàn VNPT, sau khi đã hoàn thành giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu, từ đầu năm 2015, VNPT đã áp dụng trên toàn tập đoàn, bước đầu đã mang lại những kết quả tốt…

Trước hết, có thể hiểu thẻ cân bằng điểm BSC là cách để DN có thể xây dựng, phát triển một cách cân bằng. Với lĩnh vực viễn thông, việc áp dụng BSC sẽ giúp DN phát triển các dịch vụ đồng đều, thay vì trước đó chỉ tập trung phát triển thuê bao di động mà bỏ qua các dịch vụ khác. Cùng với phương pháp BSC, hệ thống tính lương 3Ps (cách tính lương theo vị trí công việc, năng lực nhân viên và hiệu quả công việc) là cách thức để tăng năng suất lao động. Thực tế thì công cụ quản trị này đã được VNPT TP Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2009 (hoàn thành vào hết năm 2013) đã đạt kết quả, sau đó được triển khai trên toàn tập đoàn.

Chia sẻ về quá trình áp dụng BSC và 3Ps, lãnh đạo VNPT TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây việc đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên được dựa trên vài con số kế hoạch còn việc họ có làm hay không và hiệu quả công việc ra sao thì chưa đánh giá hết được. Với việc bộ máy cứ vận hành như vậy ắt sinh ra đội ngũ "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". Tiếp đó là chuyện "đến hẹn" lại nâng lương mà không dựa theo năng lực và mức độ hoàn thành công việc… Trong điều kiện hoạt động mới, lại cạnh tranh như ngành viễn thông thì ắt sẽ xảy ra chuyện khi bộ máy trì trệ, thụt lùi. Do vậy, việc thay đổi phương thức hoạt động là nhu cầu cấp bách. Thời điểm năm 2009, VNPT TP Hồ Chí Minh đã áp dụng các mô hình quản trị mới này để thực hiện theo hướng chuyên biệt, tách các khối kinh doanh, hạ tầng… và trong quá trình điều hành giảm thấp nhất khâu trung gian để việc chỉ đạo điều hành từ trên xuống trực tiếp tới người lao động. Kết quả sau 5 năm áp dụng mô hình này, nếu như năm 2009, VNPT TP Hồ Chí Minh chỉ đạt lợi nhuận chưa đầy 300 tỷ đồng thì hết năm 2013 đạt lợi nhuận 850 tỷ đồng.

Tiếp sau thành công của VNPT TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn VNPT đã thí điểm áp dụng mô hình này tại 3 địa phương là VNPT Nghệ An, Tiền Giang và Đà Nẵng từ năm 2014. Theo lãnh đạo VNPT Tiền Giang việc thực hiện thành công việc tái cơ cấu tại đơn vị mình gắn với việc áp dụng công cụ quản trị tiên tiến BSC, 3Ps là một cuộc cách mạng về thay đổi nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, công nhân. Trong đó, đáng chú ý là sự thay đổi khiến cho đội ngũ năng động hơn, tìm tòi để hướng về khách hàng. Cụ thể, nếu như trước đây, nhân viên được giao chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu chỉ tập trung tiếp thị dịch vụ di động Vinaphone, thì nay cùng với nhiệm vụ họ còn tích cực tiếp thị khách hàng sử dụng các dịch vụ cố định, băng rộng và các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Nếu như trước đây, nhân viên 9h mới đi bán hàng, 16h30 đã nghỉ, thì nay với chỉ tiêu được giao họ đã không quản thời gian để đáp ứng nhu cầu lắp đặt, sử dụng dịch vụ của khách hàng… Nhờ việc áp dụng thành công giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu các chỉ số kinh doanh, phát triển thuê bao mới của VNPT Tiền Giang đã tăng trưởng tốt hơn trước…

Đến nay, công cụ quản trị mới với BSC và 3Ps đã được VNPT triển khai sâu rộng từ tập đoàn đến từng người lao động ở VNPT các tỉnh, thành phố. Quá trình áp dụng BSC trên toàn VNPT cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng, chỉ tiêu chênh lệch thu chi ngày càng tăng. Các chỉ tiêu thu cước, vật tư tồn kho, lượng thuê bao phát triển mới cũng như các chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ đến khách hàng đều có những bước tiến lớn so với trước đây. Đáng chú ý, việc áp dụng các công cụ quản trị tiên tiến này cũng giúp thu nhập của người lao động tăng cao hơn trước, tất nhiên phải là những người làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, tâm lý của người lao động có sự thay đổi rõ rệt đó là không chỉ quan tâm đến công việc của mình, mà còn quan tâm đến công việc, kế hoạch của đơn vị mình và nỗ lực làm việc để đóng góp vào kết quả chung. Theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, điều ấn tượng nhất không chỉ là doanh thu của VNPT, mà là sự thay đổi tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động ở 63 tỉnh, thành phố và cả ở khối các công ty trực thuộc.

Thực tế cho thấy kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của VNPT trong quý I-2015 đã đạt mức tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận tăng 15,7% so với cùng kỳ, các công ty con tăng trưởng 30% lợi nhuận. VNPT đạt doanh thu tăng 73% so với cùng kỳ. Mạng di động Vinaphone đã phát triển mới được thêm 2,3 triệu thuê bao, tăng 61% so với cùng kỳ, thuê bao cáp quang tăng trưởng 457% so với cùng kỳ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ tái cấu trúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.