Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ra mắt Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh

Thanh Mai| 25/04/2015 10:48

(HNMO) - Ngày 25-4, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Công ty Truyền tải điện 4 đã tổ chức Lễ ra mắt Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Từ năm 2001, tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao 10%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Sản lượng điện thương phẩm năm 2014 đạt hơn 18 tỷ kWh (bình quân tăng trưởng phụ tải nhiều năm gần đây hơn 6%/năm, tương đương gần 1 tỷ kWh/năm).

Tham gia cung cấp điện sinh hoạt và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh và Công ty Truyền tải điện 4 (thuộc EVNNPT). Lưới điện truyền tải điện TP Hồ Chí Minh là lưới điện cung cấp điện đầu vào cho Công ty Lưới điện Cao thế TP Hồ Chí Minh. Lưới điện truyền tải TP Hồ Chí Minh không chỉ cung cấp điện cho TP Hồ Chí Minh mà còn có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống lưới điện quốc gia, các tỉnh, thành phố phía Nam. Qua đường dây 500kV Bắc-Nam truyền tải qua lại một lượng công suất lớn từ Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam vào mùa mưa nhằm khai thác hiệu quả kinh tế thủy điện và truyền tải ngược lại một phần công suất từ Miền Nam ra Miền Trung, Miền Bắc vào mùa khô. Từ trạm 500kV Phú Lâm trao đổi công suất qua đường dây 500kV Phú Lâm-Ô Môn để nhận chuyển điện từ Miền Tây; cung cấp điện qua lại các trạm 220kV Long An, Cai Lậy đi các tỉnh Miền Tây như: Long An, Tiền Giang, Mỹ Tho, Trà Vinh, Bến Tre…Từ trạm 220kV Hoóc Môn cung cấp điện cho tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Từ trạm 500kV Nhà Bè nhận công suất từ các Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Hiệp Phước hòa điện vào lưới quốc gia qua trạm 500kV Phú Lâm và đường dây 500kV Nhà Bè-Ô Môn về Miền Tây Nam bộ.

Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh được thành lập trên cơ sở chia tách từ Truyền tải điện Miền Đông 2 với 374 CBCNV. Quản lý và vận hành lưới điện 220kV và 500kV trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An với 10 đường dây 500kV có tổng chiều dài gần 241.000km; 34 đường dây 220kV có tổng chiều dài hơn 344.000km và 3 trạm biến áp 500kV, 5 trạm 220kV có tổng dung lượng 8797MVA (chưa tính TBA Thủ Đức và Cát Lái 1502MVA).
Sự ra đời của Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng cung ứng điện, đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, hạn chế tối đa sự cố, giảm thời gian cắt điện, giảm thời gian mất điện, giảm tổn thất điện năng thông qua các biện pháp quản lý, kỹ thuật, đồng thời, tăng cường và xử lý các vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt Truyền tải điện TP Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.