Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều thắc mắc chưa được làm rõ

Đặng Loan| 22/05/2015 07:04

(HNM) - Tại buổi đối thoại cùng UBND TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày 20-5-2015, các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin (CNTT) nêu ra rất nhiều vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung về quy định chịu thuế nhà thầu, đấu thầu, cho thuê phần mềm…

Vướng mắc thuế nhà thầu

Ông Đặng Văn Quân, cố vấn tài chính Công ty TNHH Tích hợp hệ thống CMC Sài Gòn (CMC SI Saigon) cho biết, hiện công ty này đang bị truy thu thuế nhà thầu cho một lô hàng máy vi tính nhập khẩu từ năm 2012 - 2013. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận CMC SI Saigon phải chịu thuế nhà thầu 2%, thuế VAT 3% cho lô hàng này với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng. Theo ông Đặng Văn Quân, "mấu chốt" dẫn đến việc truy thu thuế nhà thầu là thông tin bảo hành của nhà sản xuất trên sản phẩm. Ông Quân giải thích, CMC SI Saigon nhập lô hàng này từ nước ngoài theo phương thức mua đứt bán đoạn, nhà cung cấp chỉ chịu trách nhiệm đến cửa khẩu, CMC SI Saigon chịu trách nhiệm bảo hành, nhưng thông tin của nhà sản xuất bao giờ cũng đi kèm theo sản phẩm, không tách ra. Theo ông Quân, khi bị truy thu thuế này thì khả năng phá sản của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là rất cao vì không đàm phán được với các nhà thầu nước ngoài vì họ không hoạt động tại Việt Nam, không có thu nhập tại Việt Nam nên họ không phải chịu thuế.

Công văn khiếu nại của CMC SI Saigon cũng dẫn trường hợp công văn 11779 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký ngày 22-8-2014 trả lời Công ty Mercedes Benz Việt Nam, trong đó cho biết dịch vụ bảo hành của Mercedes Benz Đức khi Mercedes Benz Việt Nam mua hàng không thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu. CMC SI Saigon cho rằng cùng một sự việc thì tại sao công ty này phải chịu thuế nhà thầu, công ty khác không phải chịu thuế.

Trả lời thắc mắc của Công ty CMC SI Saigon, ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc truy thu thuế của CMC SI Saigon là đúng với quy định của pháp luật. Cụ thể là Nghị định 124 năm 2008 của Chính phủ và Thông tư 60 của Bộ Tài chính. Theo ông Đỗ Quốc Tuấn, phần đông các DN Việt Nam hiểu là các DN nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam thì mới phải chịu thuế nhà thầu, trong khi các văn bản pháp luật quy định các tổ chức nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu, nghĩa là chỉ cần có thu nhập phát sinh tại Việt Nam chứ không cần hiện diện tại Việt Nam. Vì vậy, tiền các DN Việt Nam trả cho nước ngoài đều phải chịu thuế nhà thầu, trừ các trường hợp không đủ điều kiện áp dụng tại Điều 4 của Thông tư 60. Từ ngày 1-10-2014, Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 6-8-2014 của Bộ Tài chính mới bỏ quy định không thu thuế nhà thầu đối với dịch vụ bảo hành do các DN Việt Nam thực hiện.

Ông Đỗ Quốc Tuấn cho biết có rất nhiều DN Việt Nam đang bị vướng mắc về thuế nhà thầu. Giải đáp về công văn của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trả lời Mercedes Benz Việt Nam, ông Đỗ Quốc Tuấn cho biết, công văn này đang được các bộ, ngành xem xét lại. Ngày 20-4-2015, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tất cả các trường hợp có dịch vụ bảo hành không phải chịu thuế nhà thầu, và đề nghị hoàn thuế đối với những trường hợp đã truy thu. Hiện Bộ Tài chính đang chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định, nếu Chính phủ đồng ý theo Văn bản 5212 của Bộ Tài chính thì trường hợp của CMC sẽ được giải quyết, còn nếu không thì phải chấp hành việc truy thu thuế.

Kiến nghị không áp dụng đấu thầu đối với phần mềm chuyên ngành

Ông Phan Xuân Trung, Giám đốc Công ty Phát triển Điện toán Y khoa Hoàng Trung phản ánh nhiều bất cập trong đấu thầu phần mềm lĩnh vực y tế. Theo ông Trung, phần mềm nội bộ y tế mang tính chất đặc trưng, không phổ biến và đòi hỏi chuyên ngành cao, không nhiều công ty có sản phẩm này. Vì vậy nếu áp dụng luật đấu thầu sẽ dẫn đến bất cập như tình trạng tạo "chân gỗ", "quân xanh quân đỏ" (tình trạng DN mua thêm hồ sơ dự thầu ảo để đủ điều kiện mở thầu - PV), khiến DN buộc phải dối trá, vi phạm. Vì vậy ông Trung kiến nghị với những phần mềm chuyên ngành cao thì nhà đầu tư được quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình khi đặt mua sản phẩm phần mềm nội bộ, không qua đấu thầu.

Ông Trung cũng cho rằng còn nhiều thủ tục không cần thiết như khi lập dự án đòi hỏi phải có nhà tư vấn. Theo lẽ thông thường thì nhà tư vấn phải có kiến thức, chuyên môn hơn nhà cung cấp, tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra bởi phần mềm đặc trưng không phổ biến đòi hỏi chuyên ngành cao mà phần nhiều các nhà tư vấn không hiểu phải… hỏi lại nhà cung cấp. Chưa kể có những phiền toái mà bản thân ông gặp phải như gặp nhà tư vấn này không biết gì về phần mềm thuộc lĩnh vực bệnh viện nên nhà đầu tư phải cung cấp mọi thông tin kể cả giá cả. Và những thông tin ấy lại bị nhà tư vấn tuồn ra ngoài cho "đối thủ". Khi đấu thầu "đối thủ" chỉ bỏ thầu giá thấp hơn một chút khiến công ty ông bị trượt thầu…

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đặc thù cung cấp thiết bị ngành CNTT là phải theo Luật Đấu thầu. Nếu tự giải quyết được thì thuận lợi cho DN, tuy nhiên hiện tại DN phải thông qua đấu thầu vì chính sách đấu thầu chưa thể thay đổi. Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, phần mềm đặc thù, đề xuất cho nhà đầu tư lựa chọn và chịu trách nhiệm là cách tiếp cận hợp lý.

Một vấn đề mới cũng được nhiều DN thắc mắc là quy định cho phép các cơ quan nhà nước được thuê phần mềm để giảm chi phí, tuy nhiên chưa có văn bản nào quy định thủ tục, thời gian... Đại diện Bộ TT&TT cho biết, quy định này đang được thực hiện thí điểm. Các cơ quan nhà nước khi thực hiện thuê dịch vụ CNTT cũng phải thực hiện theo nguyên tắc mở hồ sơ đấu thầu, bảo đảm tiêu chuẩn lựa chọn nhà cung cấp, đánh giá hồ sơ dự thầu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thắc mắc chưa được làm rõ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.