Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Chặng đường gian nan

Anh Minh| 01/06/2015 10:16

(HNM) - Thực trạng hoạt động, nhất là những ưu đãi vượt trội dành cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong hàng chục năm qua và những đóng góp chưa tương xứng của khu vực này đối với nền kinh tế là chủ đề bàn thảo tại nhiều diễn đàn tổ chức gần đây. Điều đó cho thấy quyết tâm từ Chính phủ trong việc đẩy nhanh

Cải cách DNNN là nội dung quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.
Ảnh: Viết Thành



"Chân dung" doanh nghiệp nhà nước

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hiện nay cả nước còn khoảng 800 DNNN, trong đó có 108 đơn vị chủ lực gồm các tập đoàn, tổng công ty lớn. Các đơn vị này được hưởng nhiều ưu đãi như ưu tiên trong tiếp cận và sử dụng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, vay vốn, cấp vốn các ngân hàng trong nước cũng như sử dụng phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ. DNNN đang thống lĩnh hoặc chi phối nhiều lĩnh vực, ngành hàng quan trọng, như điện, nước, nhiên liệu, khoáng sản, viễn thông, đường sắt…Tuy nhiên đến nay, tổng số nợ phải trả của DNNN lên đến 1,7 triệu tỷ đồng.

Các chuyên gia nhận định, nhờ vị thế đặc quyền trong nhiều năm qua nên không ít đơn vị làm ăn kém hiệu quả, không làm tròn trách nhiệm về bảo toàn, phát triển vốn cũng như nghĩa vụ nộp thuế và trả nợ. Trên thực tế, nhiều DNNN còn được hỗ trợ khi khó khăn và "giải cứu" khi mất khả năng thanh toán. Đơn cử, những trường hợp thất bại, gây ra gánh nặng, thất thoát lớn cho nền kinh tế như Vinalines, Vinashin là những điển hình. Hơn nữa, có trường hợp DNNN chưa tính đúng, tính đủ chi phí đã áp dụng giá bán sản phẩm không chính xác, không tuân thủ kỷ luật tài chính, thiếu trách nhiệm giải trình cũng như không phải chịu sức ép về lợi nhuận. Ngoài ra, một số đơn vị được giao làm nhiệm vụ công ích hoạt động kiểu "một mình, một sân" đã gây ra sự biến dạng thị trường do họ tự xác định giá sản phẩm đầu ra, làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Những vấn đề, thực tế trên gây ra tâm lý e ngại và bức xúc trong xã hội; tạo ra sự lãng phí, dàn trải hoặc sai lệch trong phân bổ và sử dụng nguồn lực tổng hợp của nền kinh tế.

Không thể không cải cách

Ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng ban Cải cách doanh nghiệp của CIEM nhấn mạnh, những thực tế trên cho thấy sự bất bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân và sự cần thiết phải áp đặt cơ chế, kỷ luật thị trường đối với các DNNN một cách đầy đủ, nghiêm túc để thúc đẩy tiến trình cải cách. Nhà nước cần kiên trì mục tiêu và quyết liệt triển khai các đầu việc liên quan đến tạo dựng, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng thật sự.

Đáng lưu ý, cách tiếp cận và đề xuất xử lý những bất cập trong quản lý DNNN đang nhận được sự đồng thuận của xã hội cũng như sự mong muốn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng xác định, năm nay là năm "vì doanh nghiệp" và đang quyết tâm chỉ đạo các bộ, tập đoàn, tổng công ty cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, tập trung thực hiện cải cách doanh nghiệp mà trọng tâm là cổ phần hóa để nâng cấp toàn diện "sức khỏe" DNNN. Vấn đề này sẽ kết hợp với việc đẩy nhanh tiến trình thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, tạo ra một kênh hút vốn cũng như từng bước xóa bỏ sự phân biệt giữa các DN có nguồn gốc sở hữu khác nhau.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, đã đến lúc cần xem xét lại và đổi mới vai trò, chức năng của DNNN và buộc mỗi đơn vị phải tuân thủ nguyên tắc "lời ăn, lỗ chịu" trong kinh doanh. Nếu gây hậu quả, thất thoát vốn hoặc để doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản thì cá nhân người điều hành, lãnh đạo DNNN phải chịu sự trừng phạt của thị trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật. CIEM đưa ra một số kiến nghị: Cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó thống nhất khung khổ hoạt động giữa các doanh nghiệp không phân biệt nguồn gốc sở hữu; xây dựng và nhất quán thực hiện chính sách chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; đề xuất Chính phủ thành lập một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với DNNN; hoàn thiện khung khổ theo dõi, giám sát, đánh giá và công khai thông tin, minh bạch hóa hoạt động của DNNN…

Cải cách DNNN là nội dung quan trọng, là mục tiêu của quá trình cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề cũng phụ thuộc vào kết quả phân tích, đánh giá và nhận diện những tồn tại, hạn chế; thậm chí là những thực tế vô lý còn tiếp diễn trong hoạt động của đội ngũ DNNN để tìm cách khắc phục, xử lý trong thời gian tới một cách triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Chặng đường gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.