Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nới” điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp vận tải

Tuấn Lương| 21/07/2015 06:13

(HNM) - Quy hoạch luồng tuyến đối với vận tải khách liên tỉnh; yêu cầu hiện hành về thâm niên lái xe giường nằm; việc tập huấn nghiệp vụ lái xe khách...


Đây là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp (DN) vận tải, tổ chức ngày 20-7.

Bỏ quy định phải xin chấp thuận luồng tuyến hai chiều

Một trong những lĩnh vực "nóng" được các DN đề cập nhiều nhất tại buổi đối thoại là việc quy hoạch luồng tuyến đối với vận tải khách liên tỉnh. Vừa qua, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch luồng tuyến xe khách đối với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập khiến cho DN gặp khó khăn trong quá trình hoạt động.

Nhiều DN phản ánh, hiện việc mở luồng tuyến xe khách liên tỉnh theo quy định phải có ý kiến xác nhận đồng ý của Sở GTVT hai đầu tuyến. Thủ tục này rất lâu và phiền hà, vô tình thành cơ chế "xin - cho". Các DN kiến nghị chỉ cần đăng ký một trong hai nơi đi và nơi đến để bớt rườm rà về thủ tục hành chính. Nếu bỏ được quy định phải xin xác nhận hai đầu tuyến thì sẽ tháo gỡ cho các DN về thủ tục hành chính, qua đó tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Tới đây, nhiều quy định liên quan hoạt động của doanh nghiệp vận tải sẽ được điều chỉnh. Ảnh: Thái Hiền


Liên quan kiến nghị này, đại diện một số Sở GTVT cho rằng việc phải có chấp thuận hai đầu tuyến là cần thiết bởi sự thống nhất giữa 2 Sở GTVT địa phương chính là đầu mối cuối cùng quản lý các luồng tuyến chạy theo đúng quy hoạch đã được công bố. Trên mỗi tuyến, biểu đồ vận tải sẽ có nhiều đơn vị, DN vận tải tham gia. Trong trường hợp nhiều DN đăng ký chạy cùng luồng tuyến thì sẽ phá vỡ quy hoạch. Do đó, các sở chính là "trọng tài" để can thiệp. So với trước đây, thủ tục cấp phép đã giảm đi rất nhiều, tạo thuận lợi cho các DN vận tải hoạt động.

Không đồng tình với quan điểm của lãnh đạo các Sở GTVT địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh: Có quy hoạch thì sẽ nắm bắt được luồng tuyến của phương tiện chạy qua địa bàn. Nhà nước công bố quy hoạch luồng tuyến, DN trên cơ sở đó đăng ký hoạt động, không có lý do gì phải đi xin các Sở GTVT chấp thuận nữa.

DN tự đăng ký, rồi gửi thông báo cho 2 đầu Sở GTVT nơi đi và đến biết. Nhiệm vụ của các Sở GTVT là kiểm tra, quản lý DN có thực hiện đúng đăng ký hay không, nếu không bảo đảm thì xử lý, yêu cầu dừng chạy xe. Tới đây, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu theo hướng bỏ quy định DN phải đăng ký xin phép với 2 Sở GTVT nơi đi và đến.

Không để doanh nghiệp chỉ đi lo đối phó!

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Giám đốc Công ty CP vận tải Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Điện Biên cho rằng, hiện nay, có nhiều quy định nhằm siết chặt công tác quản lý lái xe để bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, một số vấn đề chưa phù hợp nên trong thực tiễn nhiều DN vận tải tìm cách đối phó, cụ thể: Quy định hiện hành yêu cầu lái xe giường nằm phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, như vậy là cứng nhắc, thiếu linh động. Bộ GTVT nên "nới" theo hướng rút ngắn kinh nghiệm từ 3 năm xuống còn 1 năm, tính theo số ki lô mét tích lũy thực tế.

Cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hậu kiểm, tránh tình trạng siết quá chặt khiến DN và lái xe phải lo đối phó. Bên cạnh đó, thời hạn khám sức khỏe cho lái xe theo quy định hiện là 6 tháng cũng gây khó khăn cho DN; nên kéo dài thành 1 lần/năm để đỡ phát sinh chi phí cho DN.

Tiêu chí thâm niên đối với lái xe khách giường nằm cũng được doanh nghiệp vận tải kiến nghị điều chỉnh.


Ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Thừa Thiên-Huế phản ánh: Theo Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT (có hiệu lực từ năm 2014), lái xe khách phải có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ nhưng đến nay, tài liệu tập huấn do Tổng cục Đường bộ Việt Nam soạn thảo vẫn chưa ban hành. DN không có tài liệu thì không tổ chức tập huấn cho lái xe được, nhưng khi ra đường, lực lượng chức năng cứ theo quy định xử phạt lái xe không có giấy chứng nhận tập huấn. Đây là một điểm bất cập, làm khó cho DN và lái xe.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, với lái xe khách giường nằm, Bộ sẽ nghiên cứu theo hướng giảm yêu cầu lái xe phải có bằng E và 3 năm kinh nghiệm xuống còn 1 năm, đồng thời sẽ siết chặt đào tạo và cấp giấy phép lái xe. Bộ cũng đồng ý sẽ quy định thời hạn khám sức khỏe lái xe định kỳ là 1 năm/lần, nhưng sẽ tăng cường kiểm tra nhằm bảo đảm việc khám sức khỏe được thực hiện nghiêm túc.

Với yêu cầu lái xe khách phải có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ, Bộ yêu cầu ngay trong tháng 7-2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải ban hành tài liệu hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ lái xe khách để các DN áp dụng. Trong thời gian chờ đợi, Bộ GTVT sẽ kiến nghị với Bộ Công an tạm thời chưa xử phạt lỗi thiếu giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ với lái xe khách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Nới” điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp vận tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.